Phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự” ở Thành phố Hà Nội sau 2 năm nhìn lại

(Mặt trận) - Những năm qua, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội triển khai. Các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo đã làm thay đổi diện mạo các xứ, họ đạo cũng như tư tưởng, lối sống của người Công giáo Thủ đô. Không khí hòa hợp “tốt Đời, đẹp Đạo” được lan tỏa ở nhiều nơi. Chỉ nói riêng phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự”, từ tháng 6/2019, đến nay có 42 thôn Công giáo toàn tòng trên địa bàn Thành phố đã hưởng ứng, góp phần giữ gìn trật tự an ninh khu phố.

Đồng bào Công giáo Thành phố Hà Nội có hơn 195.000 người, sinh hoạt ở hơn 100 xứ và 417 giáo họ, dưới sự coi sóc của 4 Tổng Giám mục, Giám mục và 110 linh mục, gần 2.000 chức việc. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn các phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thủ đô nên việc đầu tiên phải chú trọng là tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Hàng năm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước như: Phong trào xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến; phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ở các xứ đạo; phong trào xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự; phong trào mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt… Mỗi phong trào có tiêu chí riêng nhưng đều có một tiêu chí chung là chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi triển khai thực hiện, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ký kết thi đua giữa các quận, huyện, thị xã. Về địa phương, Ban Đoàn kết Công giáo tổ chức ký kết thi đua với các xứ, họ và các xứ, họ tổ chức ký cam kết đến từng gia đình giáo dân.

Phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự” từ tháng 6/2019, đến nay có 42 thôn Công giáo toàn tòng trên địa bàn Thành phố đã hưởng ứng. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát đánh giá và tổ chức sơ kết phong trào qua 2 năm thực hiện. Phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự” bắt đầu từ 12 năm trước do họ giáo Phú Mai (Sơn Tây, Hà Nội) khởi xướng. Những năm trước, khi giáo họ chưa tự quản về an ninh trật tự, cạnh nhà thờ giáo họ có ao để hoang, cỏ dại mọc um tùm, là nơi tạo nên điểm tệ nạn nghiện hút bức xúc trong giáo họ. Trước thực trạng đó, giáo họ lập ra tổ tự quản, thường xuyên đi tuần tra khu vực này, nạn tiêm chích giảm hẳn, đem lại an ninh trật tự cho khu vực. Tổ trật tự cũng hướng dẫn bà con tiến hành dọn cỏ, tát ao để thả cá, phát triển kinh tế. Mô hình tự quản về an ninh trật tự của họ giáo Phú Mai được họ giáo Xuân Khanh học tập và triển khai thực hiện năm 2004. Họ giáo chỉ có 21 hộ, nhưng thành lập được Tổ tự quản đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Tổ không chỉ giữ trật tự trị an thôn xóm, giữ trật tự các buổi lễ của nhà thờ mà còn quyên góp hỗ trợ xây nhà cho một hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Năm 2018, giáo họ được Bộ Công an tặng Bằng khen trong công tác xây dựng phong trào giữ gìn an ninh trật tự.

Để nhân rộng mô hình tự quản về an ninh trật tự, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội đã báo cáo với Ban chỉ đạo Công tác tôn giáo của Thành phố cho triển khai ra toàn Thành phố từ tháng 6/2019. Ủy ban Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố phát động phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự” ở 42 họ giáo Công giáo toàn tòng. Qua 2 năm triển khai, Thành phố đã lên kế hoạch đi kiểm tra để sơ kết phong trào nhằm nhân ra tất cả các giáo xứ, giáo họ khác trong Thành phố Hà Nội. Trong quá trình khảo sát, lãnh đạo chính quyền, công an, Mặt trận Tổ quốc đều đánh giá cao đồng bào Công giáo sống đạo tốt lành, không có tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự. Các linh mục, chức việc được mời cộng tác hòa giải rất thành công. Không khí hòa hợp “tốt Đời, đẹp Đạo” được phổ biến ở nhiều nơi.

Huyện Mê Linh có 4 thôn Công giáo toàn tòng, nhưng chọn họ giáo Cẩm Vân (xã Vạn Yên) làm điểm. Địa điểm họp tổng kết phong trào được tổ chức ngay ở nhà phòng của giáo họ. Có đông đủ đại diện chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã, Ban hành giáo họ, Ban Đoàn kết Công giáo huyện tham dự. Các đại biểu đều ca ngợi lối sống của người Công giáo rất tốt lành. Trong họ giáo không có tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự. Bà con chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tại huyện Hoài Đức, ông Kiều Duy Hoàn, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện và cũng là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ xứ cho biết, ở đây có 2 thôn Cát Thuế và Mộc Hoàn là toàn tòng Công giáo. Hai thôn lại thuộc hai giáo phận Hà Nội và Hưng Hóa, có những quy định khác nhau, nhưng bà con Công giáo đều sống tốt lành. Các linh mục cũng tham gia vào hoà giải tranh chấp trong dân cư. Ở Cát Thuế, có 2 hộ tranh chấp đất đai, kiện nhau ra tòa án. Linh mục xứ đến gặp 2 gia đình để hòa giải, ngay sau đó cả hai nhà đều rút đơn kiện. Các đôi hôn nhân không đủ tuổi theo quy định của pháp luật vào xin làm phép cưới đều bị linh mục từ chối. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Vân Côn cho biết, ở Vân Côn có 4.000 giáo dân sinh sống trên địa bàn 2 xã ở Cát Thuế và Mộc Hoàn, đồng bào lương - giáo sống đoàn kết.

Huyện Phú Xuyên có tới hơn 28.000 giáo dân, địa phương có đông đồng bào Công giáo nhất Thành phố Hà Nội. Phú Xuyên cũng có 12 thôn Công giáo toàn tòng, huyện chọn thôn Chằm Hạ làm điểm. Ông Nguyễn Duy Khiển, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Phú Xuyên cho biết, ở Chằm Hạ, mô hình tự quản tổ chức theo xóm, 6 xóm có 6 tổ tự quản. Bà con tự đóng góp kinh phí cho tổ tự quản, mỗi hộ 100 ngàn đồng/năm. Ở Chằm Hạ, không có tệ nạn xã hội, tội phạm. Ông Đỗ Khải Hưng, Trung tá công an xã Quang Lãng cho biết, cả xã có 46 tổ tự quản nhưng Chằm Hạ làm tốt hơn cả. Cả năm không phải xử lý vụ việc tội phạm nào. Mỗi năm, xã chi 20 triệu cho công tác khen thưởng tổ tự quản. Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Phú Xuyên cho biết, 3 năm (2015-2018), ông làm Trưởng ban tiếp công dân của huyện nhưng không có đơn thư khiếu nại nào của giáo dân.

Tại Đại Bằng (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) ngôi nhà thờ to đẹp sắp khánh thành là do ngân sách địa phương hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Bích, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện cho biết, Đại Bằng có 185 hộ, 733 nhân danh. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nhưng giáo xứ mỗi năm đều tổ chức ngày quyên góp cho người nghèo, cho quỹ bác ái (Caritas). Ngôi nhà thờ là kết quả hài hòa giữa đạo và đời. Kinh phí xây dựng cả nhà thờ và nhà mục vụ hơn 20 tỷ thì ngân sách địa phương hỗ trợ hơn 13 tỷ, còn lại là giáo dân quyên góp. Hiện nay cơ bản nhà thờ đã hoàn thành để cuối năm khánh thành. Ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng ban hành giáo của Đại Bằng cho biết, các tổ tự quản ở đây nhân sự bao gồm cả Ban hành giáo, đại diện các tổ chức đoàn thể địa phương nên hoạt động rất hiệu quả. Để giám sát an ninh, giáo dân quyên góp lắp 12 camera ở nhà thờ và các ngõ dân cư. Ông Tô Văn Giới, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nguyên Khê cho biết, chính quyền xã và linh mục xứ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Chẳng hạn khi xây dựng nông thôn mới, cần mở đường rộng hơn. Linh mục đã kêu gọi giáo dân hiến đất. Kết quả đã có 40 hộ giáo dân hiến hơn 2.400m2 đất.

Ngày 10/11/2021, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội đã mở hội nghị sơ kết phong trào “Xứ, họ đạo tự quản về an ninh trật tự”. Có 2 cá nhân và 20 tập thể được Thành phố khen thưởng. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện đưa phong trào phát triển và nhân rộng ra hơn 100 xứ và 417 họ giáo của Thành phố Hà Nội.

Phạm Huy Thông

TS, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều