Quân đội tham gia phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc

Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước là một chức năng cơ bản, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). (Ảnh minh họa).

Hơn 75 năm xây dựng và phát triển, Quân đội ta cùng với hoàn thành chức năng của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, luôn chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng “đội quân lao động sản xuất”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng kinh tế, phát triển đất nước.

QUÂN ĐỘI THAM GIA HIỆU QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Từ thực tiễn lịch sử kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, Quân đội ta đã xây dựng các lâm trường, nông trường, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, rồi sau đó trở thành nòng cốt trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, trong Quân đội đã có một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, kỹ sư, công nhân viên quốc phòng, đáp ứng được không chỉ nhu cầu xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại mà còn tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế có hiệu quả rõ rệt.

Sau khi đất nước thống nhất (1975), Quân đội nhanh chóng trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đã hoàn thành nhiều chương trình, dự án trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên địa bàn cả nước.

Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng được Đại hội VI đề ra: “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”(1), ngày 31-7-1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng (KTQP). Theo đó, ngày 1-8-1998, Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Quyết định số 150/ĐUQSTW giao Quân đội làm nòng cốt trong phát triển KTQP. Nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và Quân ủy Trung ương, hoạt động KTQP trong Quân đội đã mang lại nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Không phải ngẫu nhiên đến Đại hội X, Đảng ta xác định: “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng - an ninh là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”(2). Quán triệt chủ trương của Đảngngày 25-9-2012, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 520-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, nêu rõ: “Toàn quân cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết, tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trên mặt trận lao động sản xuất”. Đặc biệt, ngày 18-5-2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 425-NQ/QUTW về: “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng của Quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế.

Nhìn chung, sau sắp xếp, đổi mới, hầu hết các doanh nghiệp quân đội giữ được ổn định và phát triển, tổ chức sản xuất phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước hội nhập thị trường trong nước, khu vực và thế giới; sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng và xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động và tăng thu nộp ngân sách nhà nước; góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố hậu phương quân đội...

Năm 2017, 2018, doanh thu của doanh nghiệp quân đội ước đạt 361.600 tỷ đồng (bằng 104% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); lợi nhuận trước thuế gần 47.000 tỷ đồng (bằng 106% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); nộp ngân sách nhà nước hơn 42.600 tỷ đồng (bằng 106% so với năm 2016, đạt 105% kế hoạch năm); tạo việc làm ổn định cho khoảng 179.500 người lao động, với thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng...

Hiện nay, các doanh nghiệp quân đội đang có 37 dự án đầu tư ra nước ngoài (gồm cả doanh nghiệp quân đội đã cổ phần) với tổng số vốn đầu tư hơn 5,2 tỷ USD. Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã được ghi nhận với 3 chỉ số quan trọng, là doanh nghiệp có chỉ số lợi nhuận tốt nhất, nộp thuế lớn nhất và có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam (2,6 tỷ USD). Thương hiệu Viettel được xếp hạng thứ 49 trong tốp 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn giữ vững vị trí khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam và cảng Cát Lái là một trong số 34 cảng biển hàng đầu thế giới về khối lượng hàng hóa thông quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quân đội còn tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghệ mới, dịch vụ lưỡng dụng, để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng. Việc thực hiện các đơn hàng dân sự chính là cách để các doanh nghiệp quân đội tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới công nghệ, rèn luyện kỹ năng, tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý, đầu tư mở rộng sản xuất...

Tuy còn có những hạn chế, bất cập trong nhận thức và quá trình quản lý, triển khai thực hiện tiến độ dự án, việc sử dụng đất quốc phòng của một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ làm cho mục tiêu xây dựng các khu KTQP chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhưng tổng thể những kết quả đạt được là có ý nghĩa quan trọng.

Kinh tế quốc phòng đã góp phần cùng Quân đội thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, tạo thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên các địa bàn chiến lược, bảo vệ Tổ quốc ngăn ngừa chiến tranh từ xa; đồng thời, góp phần bổ sung cho ngân sách quốc phòng, tăng cường nguồn lực cho phát triển đất nước.

 Nhiều doanh nghiệp quân đội đã xây dựng được những thương hiệu mạnh, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tham gia đầu tư có hiệu quả ra nước ngoài và là lực lượng dự bị mạnh cho quốc phòng; là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, tích cực trong công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế.

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, chú trọng: “Phát triển vững chắc, hiệu quả công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phát triển phù hợp doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm lưỡng dụng. Từng bước hình thành tổ hợp công nghiêp quốc phòng với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp”(3). Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng KTQP, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, tập trung thực hiện tốt những định hướng cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất phát triển kinh tế quốc phòng. Toàn quân, nhất là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng khu KTQP cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu KTQP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển khu KTQP trong thời kỳ mới, cũng như vai trò của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ này; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, tập trung chấn chỉnh tổ chức biên chế các đoàn KTQP, các doanh nghiệp quân đội phù hợp với chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, theo hướng giảm khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho các đơn vị, đội sản xuất; thực hiện tốt việc điều chuyển đoàn KTQP về trực thuộc quân khu, nhằm thống nhất trong quản lý, chỉ đạo. Các đoàn KTQP chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp; đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về quản lý, phát triển kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đối với những đơn vị KTQP hoạt động trên các địa bàn chiến lược phải góp phần tăng nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp ngân sách nhà nước và phục vụ cho các hoạt động chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. v.v.. Thông qua các hoạt động đó, các doanh nghiệp quân đội góp phần xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Hai là, nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về“Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”(4)Đây vừa là nhiệm vụ vừa là định hướng cơ bản, cần phải được quán triệt sâu sắc và nắm vững tư tưởng chỉ đạo: Lấy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. KTQP góp phần “khắc phục triệt để những sơ hở thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”(5).

Ba là,tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KTQP trên các địa bàn chiến lược vừa là giải pháp vừa là định hướng; đồng thời, là sự thể chế hóa quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thực tiễn.

Ngày 21-12-2018, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về kết hợp quốc phòng với kinh tế và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội bao gồm việc kết hợp mọi hoạt động về quốc phòng với hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KTQP theo Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu KTQP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bốn là,cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội, gắn với giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất phát triển kinh tế. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp, phát triển các doanh nghiệp quân đội và đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Qua đó, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, các doanh nghiệp quốc phòng cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; trên cơ sở đó, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, trọng tâm là thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Các doanh nghiệp quân đội, các đoàn KTQP tập trung rà soát, xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với mô hình hoạt động; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội.

Năm là,ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế quốc phòng, thực hiện có hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược. Để khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước và các địa phương, đơn vị cần tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các doanh nghiệp KTQP mũi nhọn, có thế mạnh trên tuyến biên giới và ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo... Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, phát triển các khu KTQP mạnh có đủ khả năng kết hợp phát triển kinh tế với tạo lập thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới, ven biển; tập trung nguồn lực, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của từng địa phương; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của nhân dân trên các tuyến biên giới, các vùng biển, đảo.

Quá trình thu hút nguồn lực để phát triển KTQP trên các vùng biển, hải đảo đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương phối hợp nghiên cứu, khảo sát tổng thể, xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực, đánh giá đúng, đủ các yếu tố tự nhiên cũng như xu thế phát triển. Việc quy hoạch phải tính đến sự kế thừa, phát triển, tính liên kết giữa các vùng, miền; phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên các hướng trọng điểm. 

Từ những đóng góp quan trọng của Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội cần phải nghiên cứu những thành tựu của công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng, để tận dụng các thành tựu của công nghiệp dân sự sang công nghiệp quốc phòng. Sự kết nối này sẽ tăng sức mạnh cho nền kinh tế đất nước và trực tiếp cho quốc phòng./.

_________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2013, tr. 29.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.110.

(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016. tr, 286, 312, 149.

Theo Thượng tướng Trần Đơn/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều