Quảng Bình đẩy mạnh CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dịp Tết Nguyên đán

(Mặt trận) - Những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh. Lợi dụng tình hình này, một số cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều thủ đoạn thực hiện hành vi gian lận thương mại, trà trộn hàng hóa kém chất lượng để trục lợi. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Bình đã có các văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện phối hợp tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Quảng Bình đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020, đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kết hợp kiểm tra, giám sát và tuyên truyền đến các nhà sản xuất, kinh doanh để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Bình đăng tải các văn bản, nội dung liên quan để nhân dân biết, từ đó phát hiện các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng; hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ nguồn gốc; đặc biệt chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua biên giới các mặt hàng thiết yếu; hoạt động buôn hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ...

Năm 2019, thị trường hàng hóa nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mức tăng trưởng khá, đời sống của người dân được cải thiện, thị trường hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Dự tính cả năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 23.693 tỷ đồng, tăng 14,7% so năm 2018, đây là mức tăng khá so với các năm trước.

Theo nhận định, vào các tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm tăng cao, khả năng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm sẽ cao hơn các tháng trong năm. Đây là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thời gian này, các doanh nghiệp sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá... nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều hình thức như mua hàng tặng quà, tổ chức bốc thăm trúng thưởng...

Cũng như mọi năm, thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng Tết Nguyên đán Canh Tý bắt đầu từ đầu năm 2020 đến hết tháng 2/2020, với tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.186 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với Tết Kỷ Hợi 2019). Trong đó, dự kiến nhu cầu nhóm hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, may mặc, đồ dùng gia đình, hương hoa phục vụ nhu cầu Tết khoảng 2.337 tỷ đồng, còn lại là các hàng hóa khác khoảng 1.849 tỷ đồng.  Theo kế  hoạch, số hàng hóa phục vụ trong tháng Tết Nguyên đán Canh Tý chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo tẻ 4.000 tấn, gạo nếp 1.500 tấn, thịt lợn 1.500 tấn; thịt trâu, bò 500 tấn; thịt gia cầm 3.000 tấn; thủy, hải sản tươi, đông lạnh 1.000 tấn; rau củ quả 2.500 tấn; bánh kẹo 1.400 tấn; rượu nồng độ thấp 2 triệu chai; trà 150 tấn; nhu cầu về xăng dầu khoảng 450 tỷ đồng, nhiên liệu khác 40 tỷ đồng.

Ở tỉnh Quảng  Bình, hiện nay hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa ngày càng được mở rộng, củng cố đến các huyện vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao. Bởi vậy, nguồn hàng để cung ứng trong dịp Tết phải đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, đặc biệt là Sở Công Thương phối hợp với các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung thịt lợn và diễn biến về tình hình dịch tả lợn châu Phi để có các biện pháp đối phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Một góc quầy hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Ngoài ra, việc tổ chức các điểm bán hàng văn minh tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố cũng đã được triển khai, sắp xếp gọn gàng, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu mua sắm và tham quan vui chơi của người dân, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh các biện pháp bình ổn thị trường; thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, như: lúa gạo, đường ăn, thức ăn gia súc, phân bón, xăng dầu..., đặc biệt là nguồn cung về thịt lợn và diễn biến của dịch tả lợn châu Phi để kịp thời điều tiết và bình ổn thị trường bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Anh Đào - Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều