Quảng Nam sắp xếp lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam tập trung tổ chức sắp xếp và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “mạng lưới” thôn, tổ dân phố trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Qua sắp xếp, bước đầu, toàn tỉnh đã giảm 479 thôn, tổ dân phố và giảm hơn 4.200 cán bộ cấp thôn, từ đó tiết kiệm được khoản kinh phí 95 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để hoạt động ở thôn, tổ dân phố đạt kết quả như mong muốn sau khi tiến hành sắp xếp, còn rất nhiều việc cần được tỉnh quan tâm, tháo gỡ bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực...
 

Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Bến Đền Tây (Điện Quang, Điện Bàn). Ảnh: Đ.H

Giảm cán bộ và tiết kiệm ngân sách

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá, sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời giao UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng các phương án và lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố. Trước khi bước vào triển khai công tác này, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 14-9-2018 về lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân khi triển khai rà soát, sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại thôn, tổ dân phố.

Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Trước đây, do khó khăn về giao thông, liên lạc... cho nên nhiều địa phương trong tỉnh có xu hướng chia nhỏ các thôn, tổ dân phố để thuận lợi cho công tác quản lý dẫn đến số lượng thôn, tổ dân phố rất nhiều. Qua quá trình rà soát cho thấy, theo tiêu chuẩn mới, nhiều thôn, tổ dân phố trong tỉnh chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô số hộ gia đình theo quy định. Trong tổng số 1.719 thôn, tổ dân phố (gồm 1.444 thôn, 275 tổ dân phố), chỉ có 296 thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn và có đến 1.423 thôn, tổ dân phố chưa đạt tiêu chuẩn; trong đó có 549 thôn, tổ dân phố chưa đạt đủ 50% tiêu chuẩn về số hộ. Có nhiều địa phương, số thôn, tổ dân phố không đạt chuẩn chiếm tỷ lệ rất lớn như: TP Tam Kỳ: 93,4%, huyện Phước Sơn: 97%, cá biệt như huyện Đông Giang 100% số thôn không đạt tiêu chuẩn.

Có một thực tế hiện nay là, nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình quá ít nhưng số người hoạt động không chuyên trách và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như những thôn, tổ dân phố quá nhiều. Có một số nơi ở khu vực miền núi của tỉnh, nhiều thôn chỉ khoảng 20 hộ, nhưng vẫn bố trí đủ 10 chức danh... dẫn đến tình trạng người hoạt động không chuyên trách đông, phụ cấp vốn đã thấp lại bị chia nhỏ, cho nên hiệu quả hoạt động không cao. Những năm trước đây, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quá nhiều, cho nên dẫn đến chi ngân sách hằng năm rất lớn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả hoạt động ở cấp cơ sở. Vì thế, việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng bộ máy ở cơ sở tinh gọn, giảm số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách, gắn liền với nâng cao hiệu quả hoạt động; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở mỗi địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, qua hơn hai năm triển khai, thực hiện, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sắp xếp củng cố lại “mạng lưới” cấp thôn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn sắp xếp, sáp nhập 1.003 thôn, tổ dân phố cũ để thành lập lại 515 thôn, tổ dân phố mới. Theo đó, qua sắp xếp, hiện toàn tỉnh còn lại 1.240 thôn, tổ dân phố; giảm được 479 thôn, tổ dân phố so trước đó. Đáng mừng là, cùng với giảm số thôn, tổ dân phố, qua sắp xếp, mỗi thôn, tổ dân phố hiện chỉ còn ba người (giảm hai người so với trước). Trước đây, năm người được bố trí năm chức danh, nay còn ba người phải đảm nhiệm năm chức danh. Do đó, các địa phương bố trí hai người kiêm nhiệm thêm một chức danh. Chẳng hạn như: Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn/tổ dân phố, hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận; thôn đội trưởng kiêm công an viên... Với cách làm nêu trên, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh hiện còn 3.720 người giữ chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, các chức danh: Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 577 người; bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận 661 người; thôn đội trưởng kiêm công an viên 1.124 người; không kiêm nhiệm có 663 trưởng thôn, 579 trưởng ban công tác mặt trận và 116 thôn đội trưởng (không kiêm nhiệm công an viên do có ban bảo vệ dân phố). Qua sắp xếp, toàn tỉnh giảm hơn 4.200 người so với trước và theo đó, mỗi năm ngân sách tiết kiệm được khoảng 95 tỷ đồng.

Qua sắp xếp, đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.239 trong tổng số 1.240 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập (đạt 99,92%); có 1.122 thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (đạt tỷ lệ 90,5%). Thời gian gần đây, các cấp ủy đảng trong tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ trưởng thôn, nhất là việc kết nạp đội ngũ này vào Đảng. Theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đối với những trường hợp trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên nhưng đủ điều kiện và có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, thì cấp ủy cơ sở tiếp tục lập kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp Đảng theo quy định.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhìn nhận, từ khi HĐND tỉnh có Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 và Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 1-2-2019 của UBND tỉnh quy định về chức danh ở thôn, tổ dân phố được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, có chế độ phụ cấp hằng tháng, được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng và bảo hiểm y tế, cho nên hầu hết đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đã phát huy được vai trò nòng cốt trong mọi phong trào ở khu dân cư; giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai, kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu KT-XH ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; bởi phụ cấp hằng tháng còn thấp cho nên việc tìm người để đảm nhận các chức danh ở thôn, tổ dân phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện, các địa phương trong tỉnh chưa thu hút được lớp trẻ tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố mà chủ yếu là người lớn tuổi hoặc là cán bộ, công chức về hưu.

Thực tế cho thấy, sau khi sắp xếp, quy mô về diện tích tự nhiên của các thôn rộng, số hộ gia đình lớn, nhất là thôn thuộc các huyện miền núi rất lớn nhưng đường sá đi lại còn khó khăn. Do đó, việc bố trí ba chức danh ở thôn là quá ít, gây khó khăn trong thực hiện công việc. Bên cạnh đó, việc thôi không phụ cấp đối với các chức danh: Phó bí thư chi bộ; chi hội trưởng hội phụ nữ; chi hội trưởng hội cựu chiến binh; chi hội trưởng hội nông dân, bí thư đoàn thanh niên ở thôn, tổ dân phố dẫn đến việc các đối tượng nêu trên nghỉ không tham gia hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, làm cho công tác vận động quần chúng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 359 thôn đặc biệt khó khăn, sau khi sắp xếp lại còn 257 thôn và có 47 thôn không đặc biệt khó khăn sáp nhập các thôn đặc biệt khó khăn. Điều này làm cho các địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách sau khi sắp xếp thôn, tổ dân phố đối với thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, sau khi sáp nhập, thành lập và thay đổi địa danh thôn, tổ dân phố cũng làm cho người dân gặp khó khăn trong việc làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính.

Đồng chí Lê Văn Dũng cho biết, để từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND về Quy định mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng; mức bồi dưỡng, bồi dưỡng kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo thì mức khoán quỹ phụ cấp bằng hệ số 5,0. Cụ thể, mức phụ cấp của bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận là 1,66. Còn đối với các thôn còn lại và tổ dân phố có mức khoán quỹ phụ cấp bằng hệ số 3,0; tương ứng với mức phụ cấp của bí thư chi bộ, trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và trưởng ban công tác mặt trận là 1,0. Đối với công an viên, thôn/khối đội trưởng được hưởng mức phụ cấp bằng 0,75 mức lương cơ sở/người/tháng.

Cũng theo nghị quyết nêu trên, người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, gồm: Chi hội trưởng hội cựu chiến binh, chi hội trưởng hội nông dân, chi hội trưởng hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng hội người cao tuổi và phó bí thư chi bộ được bầu tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022 không đảm nhận chức danh khác có quy định được hưởng mức bồi dưỡng hằng tháng 300 nghìn đồng/người. Đối với các chức danh gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn/tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, thôn/khối đội trưởng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 3% mức lương cơ sở người/tháng để đóng bảo hiểm y tế (trừ những đối tượng đang được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định). Ngoài ra, người kiêm nhiệm các chức danh ở thôn, tổ dân phố mà giảm được một người thì được hưởng 50% mức phụ cấp, hoặc mức bồi dưỡng của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức kiêm nhiệm.

Theo tính toán, khi triển khai thực hiện nghị quyết nêu trên, mỗi năm, nguồn ngân sách nhà nước chi khoảng 142 tỷ đồng (từ ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh) để chi hỗ trợ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Đây là một việc làm rất kịp thời, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam yên tâm công tác, phát huy tốt vai trò của mình ở tuyến cơ sở; qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý tốt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư và thúc đẩy việc phát triển KT-XH ở địa phương.

Theo Tấn Nguyên/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều