Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam

(Mặt trận) - Tuyên truyền chính trị có vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại, là một phương thức hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận, góp phần vào sự phát triển xã hội nói chung. Cùng với internet, hiện nay mạng xã hội có sự phát triển mạnh mẽ và có sức hấp dẫn lớn với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, ở góc độ nhất định là một trong những kênh quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày công nghệ của Tập đoàn Viettel, tháng 6/2019. 
Mạng xã hội - kênh tuyên truyền chính trị phù hợp với bối cảnh mới

Ở Việt Nam, tuyên truyền chính trị là quá trình các cơ quan Đảng, Nhà nước, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tương tác, trao đổi về nội dung của những thông điệp hoặc những đề xuất chủ trương, chính sách liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Tuyên truyền chính trị của ta hiện nay chủ yếu là truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin có định hướng các lĩnh vực kinh tế, các thành tựu của khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, các thông tin kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng niềm tin cho Nhân dân vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và nâng cao tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Có thể nói, tuyên truyền chính trị có sức mạnh to lớn trong việc tạo ra sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Việc tuyên truyền chính trị từng bước giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp việc thực hiện các chủ trương, chính sách này được thành công, tạo ra sự phát triển cho xã hội.

Một điểm chung có thể nhận thấy từ cách thức sử dụng tuyên truyền chính trị hiện nay là phương pháp tiếp cận người dân được cập nhật theo xu hướng phát triển của thời đại số như thông qua các ứng dụng của mạng xã hội. Bởi những năm gần đây, mạng xã hội (Social Network) đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Mỗi thông tin có thể có hàng nghìn thành viên bình luận, chia sẻ, bộc lộ những cảm xúc cá nhân nhanh chóng, tức thời và hầu như không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Mọi giới hạn về khoảng cách và thời gian bị xóa bỏ. Mạng xã hội có những tính năng như trò chuyện (chat), thư điện tử (email), phim ảnh, chia sẻ tập tin, bài viết… Mạng đổi mới hoàn toàn cách thức cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu thành viên trên khắp thế giới. Chưa bao giờ, mạng xã hội lại chi phối, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của con người trên khắp hành tinh như hiện nay.

Khác với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, giờ đây với mạng xã hội, mỗi cá nhân có thể trở thành một báo cáo viên, tuyên truyền viên, thậm chí là nhà báo. Mạng xã hội có thể là các trang kết nối các thành viên như Facebook, Instagram, Twitter, Google Plus, Youtube, Tik Tok... Nhìn chung, có thể chia mạng xã hội ra làm 4 nhóm: mạng cộng đồng (Social Community), mạng phổ biến nội dung (Social Publishing), mạng thương mại (Social Commerse) và mạng giải trí (Social Entertainment). Đặc điểm nổi trội của mạng xã hội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn. Có thể nói, mạng xã hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội.

Với nhiều tính năng đa dạng, tiện lợi, mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và đang là xu thế có tác động mạnh mẽ tới dư luận xã hội, thu hút nhiều người tham gia, sử dụng. Đặc trưng của mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Thông qua các diễn đàn trao đổi, chia sẻ giữa các thành viên, người dùng có thể dễ dàng tìm được sự đồng cảm, sự chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích trong cuộc sống và công việc. Hiện nay, mạng xã hội có sự phát triển mạnh mẽ và sức hấp dẫn lớn với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhờ ưu thế cập nhật thông tin dễ dàng, tốc độ lan truyền nhanh, liên tục theo từng giây, thông tin phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn với nhiều lĩnh vực. Trong những trường hợp nhất định, đây cũng là nguồn cung cấp thông tin tham khảo hữu ích. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ở góc độ nhất định, cũng là một trong những kênh góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả.

Ở Việt Nam, mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Chẳng hạn, Chính phủ đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế, xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có những trang mạng xã hội do các cơ quan nhà nước hoặc của lãnh đạo tỉnh lập ra để doanh nghiệp, người dân trên địa bàn có thể trao đổi, phản ánh những vấn đề có liên quan đến địa phương... Có thể nói, việc sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đang mở ra những cách thức tiếp cận mới trong việc phổ biến, tuyên truyền và tiếp thu ý kiến phản hồi của Nhân dân hay nói cách khác, đây là một kênh tuyên truyền chính trị có hiệu quả, phù hợp với xu thế của thời đại.

Tuy nhiên, việc sử dụng phổ biến mạng xã hội ở Việt Nam như hiện nay cũng có những mặt trái cần được chú ý. Nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng, coi đây là một cách để tiếp cận người dân với mục đích kích động, xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Điều này dẫn đến hậu quả là, các thông tin thất thiệt, không đúng bản chất của vấn đề, đôi khi được phát tán rộng rãi gây hoang mang cho người dân, gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho nhiều tổ chức hoặc cá nhân. Do đó, chúng ta cũng cần phải kiểm soát được những thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Những nguyên tắc và biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay

Tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội cần chủ động tương tác, điều tra, nắm bắt tâm trạng xã hội của Nhân dân để kịp thời cung cấp thông tin đa chiều, thông tin mới có chọn lọc, có chất lượng, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm. Đó là yêu cầu, là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.

Trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội đòi hỏi thông tin phải bảo đảm tính mới, gắn với thực tiễn của đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm thì mới có giá trị và lôi cuốn đông đảo người truy cập, tương tác và chia sẻ. Đó là những thông tin mang tính thời sự, phản ánh những chính sách mới, chủ trương mới, sự kiện mới, sự việc mới... Cái mới ở đây được thể hiện cả trong nội dung và hình thức, cả không gian và thời gian, cả cách tiếp cận. Mới cũng có nghĩa là nhanh chóng và kịp thời, nếu đưa tin chậm, giá trị thông tin sẽ không còn. Thông tin mới nhưng phải có chọn lọc, có tính định hướng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, tiêu cực vì sự phát triển của cộng đồng và của xã hội. Thông tin mới nhưng phải được diễn đạt một cách khoa học, độc đáo, hấp dẫn, tác động trực tiếp tới cộng đồng xã hội.

Thông điệp tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội cần hướng người dân vào những suy nghĩ, những cách nhìn tích cực; đồng thời, phải loại bỏ những yếu tố có thể gây ra hiểu nhầm, ngôn ngữ sử dụng nên rõ ràng, tránh bị suy diễn. Bên cạnh đó, các cơ quan tuyên truyền cần đóng vai trò là người đưa tin chính thống, hướng tới một xã hội thông tin minh bạch, nhân văn, thông tin được truyền tải chính xác, đầy đủ, loại bỏ các yếu tố có thể dẫn tới hiểu sai lệch sự việc hoặc bóp méo sự việc.

Tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý “cư dân mạng”. Đa phần trong số cư dân mạng sẽ thích tin ngắn, bằng hình ảnh, chứa đựng cảm xúc, không quan tâm nhiều đến những vấn đề lý luận trừu tượng. Vì vậy, tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội nên thông qua những sự kiện, sự việc có thật, đang diễn ra được nhiều người quan tâm, thuyết phục “cư dân mạng” không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình. Muốn vậy, phải xây dựng những thông điệp tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng tác phẩm đa phương tiện (Multimedia newspackage), video, bài hát, thông tin đồ họa (Infographic), tin theo dòng sự kiện (Timeline), kể chuyện (Megastory), câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... Các cơ quan báo chí cũng cần đóng vai trò chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa các thông điệp chính trị phù hợp với đối tượng tiếp nhận của mình. Các phương tiện thông tin đại chúng cần cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, giúp người dân sớm tiếp nhận thông tin chính thống với cách nhìn tổng quan, không phiến diện. Khi các thông tin được đưa ra một cách minh bạch, đầy đủ, Nhân dân sẽ hiểu và chủ động, tích cực làm theo, từ đó tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trong thời gian tới

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng các văn bản mới và cơ chế, chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp sự phát triển của các công nghệ mới. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý báo chí cho phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của mạng xã hội, bảo đảm cho mạng xã hội và báo chí cùng phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh, góp phần định hướng thông tin xã hội.

Hai là, kịp thời nắm bắt thái độ của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề, sự kiện đang được dư luận xã hội quan tâm. Theo dõi chặt chẽ tình hình và xu hướng của dư luận xã hội, nghiên cứu, phân tích, kịp thời phát hiện vấn đề mang tính khuynh hướng, những vấn đề mới xuất hiện có mức độ ảnh hưởng đến bộ phận lớn các giai tầng xã hội. Trên cơ sở đó để đề ra những chủ trương, biện pháp tuyên truyền chính trị cho phù hợp với bối cảnh mới. Mặt khác, hình thức thông tin tuyên truyền chính trị phải đa dạng. Các thông tin được đăng tải dưới dạng bài viết, hình ảnh, âm thanh, đồ họa.

Ba là, phát huy vai trò của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, nhất là vai trò của những người điều hành các website, blog, fanpages các nhóm cùng sở thích trong việc đăng tải thông tin chính trị tích cực, nhất là tình hình chính trị trong nước và quốc tế để các nhóm tương tác, chia sẻ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tổ chức các cuộc thi viết tin, bài, ảnh, quay video clip đưa thông tin tích cực về ngành mình và các lĩnh vực khác lên mạng xã hội, góp phần đẩy lùi thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, với thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng truy cập khai thác, tìm kiếm, chia sẻ và tương tác thông tin chính trị chính thống từ các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần mở thêm các fanpage, blog trên mạng xã hội theo hướng tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng với nhiều địa chỉ để tạo ra nhiều kênh tiếp xúc khác nhau, tập trung vào mạng xã hội có số đông người dùng như Facebook, Youtube, Google, Yahoo, Twitter, Instagram, Zalo... Đồng thời, không ngừng hoàn thiện những trang, địa chỉ đã có, có biện pháp đầu tư, xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín các trang tuyên truyền chính trị để tăng tính hấp dẫn, thu hút số lượng đông người truy cập.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và các lực lượng khác trong việc tuyên truyền các thông tin chính trị, nhất là thông tin các sự kiện quan trọng của đất nước. Đội ngũ này cần am hiểu về mạng xã hội, có sự tương tác, mối quan hệ rộng với tất cả các thành viên, các hội nhóm trên mạng xã hội để kịp thời đưa các thông tin đúng, những thông tin tích cực cho các thành viên chia sẻ, tương tác, góp phần đầy lùi những cái xấu, tiêu cực, nhất là những thông tin không chính thống từ các tổ chức phản động.

Sáu là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền chính trị, nhất là vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Vì các tổ chức này rất gần với Nhân dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân. Các tổ chức này trực tiếp tiếp xúc với người dân, thành viên cũng là người sinh hoạt tại địa bàn dân cư nên việc nắm bắt tâm lý của người dân là điều dễ dàng. Điều này có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc tuyên truyền chính trị.

Phạm Ngọc Hòa

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp

Nguyễn Văn Tươi

ThS, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều