Tận dụng ưu thế mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng

Để làm tốt công tác tuyên truyền của Đảng trong bối cảnh mới, cần phải xem mạng xã hội như một kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng để nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; là công cụ sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 
 Ảnh minh họa
KÊNH TUYÊN TRUYỀN HIỆN ĐẠI 

Trước đây, khi phương tiện công nghệ chưa phát triển, báo chí chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin đơn chiều, tức là chỉ có một chủ thể duy nhất cung cấp, vì thế nội dung thông tin thường theo lối mòn, áp đặt, chưa có sự tương tác với công chúng. Ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin không còn độc quyền như trước. Thay vào đó, tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội đều tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin như những “nhà báo” độc lập, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Trong đó, tư tưởng, thái độ, nhu cầu của người dân cũng quyết định đến nội dung và phương thức tuyên truyền trên mạng xã hội. Chính vì thế, tuyên truyền trên mạng xã hội cần chủ động tương tác, điều tra, nắm bắt tâm trạng xã hội của nhân dân để kịp thời cung cấp thông tin đa chiều, thông tin mới có chọn lọc, có chất lượng, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm. Đó là yêu cầu, là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện tuyên truyền trên không gian mạng. 

Tuổi thọ của thông tin trên mạng xã hội rất ngắn, vì vậy thông tin phải bảo đảm tính mới, gắn với thực tiễn đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm thì mới có giá trị và lôi cuốn đông đảo người truy cập, tương tác và chia sẻ. Đó là những thông tin mang tính thời sự, phản ánh những chính sách mới, chủ trương mới, sự kiện mới, sự vật mới, sự việc mới... Cái mới thể hiện cả trong nội dung và hình thức, cả không gian và thời gian, cả cách tiếp cận. Mới cũng có nghĩa là nhanh chóng và kịp thời, nếu đưa tin chậm giá trị thông tin sẽ không còn. Thông tin mới nhưng phải có chọn lọc, có tính định hướng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, tiêu cực vì sự phát triển của cộng đồng và của xã hội. Thông tin mới nhưng phải được diễn đạt một cách khoa học, độc đáo, hấp dẫn, tác động trực tiếp tới cộng đồng xã hội.  

Tuy nhiên, tuyên truyền trên mạng xã hội như thế nào để hiệu quả nhất, cần căn cứ vào đặc điểm tâm lý “cư dân mạng”. Đa phần trong số cư dân mạng sẽ thích tin ngắn, bằng hình ảnh, chứa đựng cảm xúc, không quan tâm nhiều đến những vấn đề lý luận cao siêu trừu tượng. Vì vậy, tuyên truyền trên mạng xã hội nên thông qua những sự kiện, sự việc có thật, đang diễn ra được nhiều người quan tâm, thuyết phục “cư dân mạng” không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình. 

Vì vậy, muốn thông tin trên mạng xã hội phù hợp với tâm lý cư dân mạng thì phải xây dựng những thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa... Đặc biệt, cần kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện (multimedia newspackage) hấp dẫn, mới mẻ về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa (Infographic), tin theo dòng sự kiện (Timeline), kể chuyện (Megastory), câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... 

CÔNG CỤ NẮM BẮT TÌNH HÌNH TƯ TƯỞNG TRONG XÃ HỘI 

Trước đây, việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng trong Đảng và xã hội được thực hiện bằng những phương pháp truyền thống, như: tổ chức các cuộc họp giao ban, qua các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của các ban, ngành, đoàn thể, báo chí chính thống, các cuộc thăm dò dư luận xã hội... Khi mạng xã hội phát triển, những phương pháp đó chưa đáp ứng được tính nhanh, nhạy, đa chiều của thông tin. Nguồn thông tin trên mạng xã hội vốn nhanh, nhạy, nhiều chiều, giúp cho việc nắm, phân tích, dự báo tình hình tư tưởng kịp thời, đa dạng, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều, thông tin thuộc lĩnh vực nhạy cảm mà qua con đường chính thống thường khó nắm bắt được.

Ngày nay, công nghệ thông tin hoàn toàn giúp ta có thể kiểm soát được khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội. Chỉ với một số “từ khóa” những thông tin tốt, xấu phát ra từ đâu, thời gian nào, được tương tác ra sao… chủ thể hoàn toàn có thể nắm được một cách đầy đủ và nhanh chóng. 

Cơ quan chức năng các cấp cần tổ chức nắm bắt thường xuyên thái độ của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề, sự kiện đang được dư luận xã hội quan tâm. Theo dõi chặt chẽ tình hình và xu hướng của dư luận xã hội, nghiên cứu, phân tích, kịp thời phát hiện vấn đề mang tính khuynh hướng, những vấn đề mới xuất hiện có mức độ ảnh hưởng đến bộ phận lớn các giai tầng xã hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ giúp cấp ủy, chính quyền nhận định, đánh giá tình hình tư tưởng trong Đảng, trong xã hội qua từng tháng, từng quý, từng giai đoạn, từng sự kiện, dự báo tình hình tư tưởng trong thời gian tới để đề ra những chủ trương, biện pháp tuyên truyền phù hợp.

CUNG CẤP THÔNG TIN CHÍNH THỐNG, ĐỊNH HƯỚNG KỊP THỜI 

Mạng xã hội ra đời tạo điều kiện cho các phóng viên tìm kiếm thông tin, quảng bá, lan truyền để bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn đối với từng tác phẩm báo chí. Thông qua mạng xã hội, các cơ quan báo chí cũng có thể thăm dò, nắm bắt dư luận xã hội quan tâm đến vấn đề, lĩnh vực thông tin nào để có thể phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất, vì mục tiêu phát triển chung. Không chỉ đáp ứng việc trao đổi thông tin hai chiều, mạng xã hội còn làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. 

Với công nghệ hiện đại, thông qua lập các trang fanpage, group, kênh Youtube, mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành cánh tay nối dài của báo chí trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.

Để thu hút cư dân mạng đọc báo trên mạng xã hội thì trước hết báo chí cách mạng phải tiên phong trong việc cung cấp thông tin chính thống nhanh chóng, kịp thời, chính xác, có chất lượng. Báo chí cần thực hiện tốt quyền được biết của người dân như Luật Tiếp cận thông tin đã quy định. Đối với các thông tin quan trọng, nhạy cảm, phức tạp được người dân quan tâm, báo chí phải dự báo trước được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng. Khi xuất hiện những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí phải tiên phong, nhanh nhạy nắm bắt, đánh giá tác động cụ thể, “giải độc” thông tin kịp thời, giúp người đọc nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến người dùng. Đặc biệt, khi các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ, lôi kéo, kích động bạo loạn, biểu tình, gây rối trật tự công cộng, báo chí phải là công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén trực diện, phân tích, làm  rõ nội hàm, bản  chất quan điểm sai trái, thù địch, hành động vi phạm pháp luật. Đấu tranh, phản bác nhanh nhạy, kịp thời, đồng thời tuyên truyền và huy động đông đảo cộng đồng mạng tham gia đấu tranh để đưa nguồn thông tin chính thống của báo chí cách mạng thành dòng chủ lưu, chi phối trên mạng.

Thông tin mới nhưng phải có chọn lọc, không phải cứ mới là đưa tin. Tức là phải mang tính thiết thực, có lợi ích rõ ràng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, tiêu cực vì sự phát triển của cộng đồng và của xã hội.

Tuy nhiên, không nên biến mạng xã hội thành bản sao của các cơ quan báo chí. Vì vậy, thông tin trên trang fanpage của báo chí cần thể hiện đa dạng, sinh động, “bắt mắt, lọt tai”, phù hợp với tâm lý công chúng, nhất là giới trẻ và nền tảng truyền thông đa phương tiện giúp người dùng tiếp cận với thông tin dễ dàng và tiện lợi nhất. Các cơ quan báo chí cần lựa chọn các tin bài, hình ảnh tích cực, biên tập ngắn gọn, phù hợp với ngôn ngữ của cộng đồng mạng đăng tải lên các trang mạng và  chia sẻ cho đồng nghiệp, bạn bè, người thân để lan tỏa thông tin tích cực. 

Về mặt kỹ thuật, cần tiếp tục đầu tư và ứng dụng công nghệ mới cho các cơ quan báo chí. Chú trọng đổi mới, nâng cao phần mềm tương tác và giao diện theo kịp với thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, các thiết bị di động và các thiết bị công nghệ mới khác, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng truy cập khai thác, tìm kiếm, chia sẻ và tương tác thông tin chính thống của báo chí. Bên cạnh đó, cần mở thêm các fanpage, blog trên mạng xã hội theo hướng tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng với nhiều địa chỉ để tạo ra nhiều kênh tiếp xúc khác nhau, tập trung vào mạng xã hội có số đông người dùng như Facebook, Youtube, Google, Yahoo, Twitter, Instagram, Zalo... Đồng thời, không ngừng hoàn thiện những trang, địa chỉ đã có, có biện pháp đầu tư, xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín các trang có trọng tâm, trọng điểm để tăng tính hấp dẫn, thu hút số lượng đông người truy cập. 

VŨ KHÍ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG 

Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu xuất hiện và phát tán trên mạng xã hội. Chính vì vậy, mạng xã hội cũng là trận địa để triển khai đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trực tiếp, kịp thời, hiệu quả nhất. Trong đó, bên cạnh việc đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch, cần chủ động khai thác, chuyển tải các thông tin tích cực, tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và những thành tựu đã đạt được của đất nước.

Các tổ chức, cơ quan chức năng của nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới cơ sở cần lập diễn đàn, xây dựng các nhóm, cộng đồng riêng mà nòng cốt là cán bộ, nhân viên của mình, đồng thời kết nạp thêm thành viên, người theo dõi, huy động đông đảo người truy cập tham gia cung cấp thông tin tích cực, chính thống. Thông qua tương tác, chia sẻ của nhóm này, một mặt cung cấp, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, mặt khác phát hiện những vấn đề, sự việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực, địa bàn của mình để kịp thời kiểm tra xác minh, có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng. 

Khi xuất hiện những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí phải tiên phong, nhanh nhạy nắm bắt, đánh giá tác động cụ thể, “giải độc” thông tin kịp thời, giúp người đọc nắm rõ bản chất vấn đề.

Cùng với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOLs, influencers, Vbloger, Youtubers), đó là các trí thức, nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ. Họ nắm giữ các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi, tương tác lớn, nguồn thông tin có ảnh hưởng tới người dùng khác về hành vi sử dụng mạng xã hội. 

Phát huy vai trò của những người có uy tín trên mạng xã hội theo hướng tích cực sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng mạng, thậm chí hiệu quả hơn rất nhiều những thông tin trên báo chí chính thống.

Bên cạnh việc phát huy lợi thế của Facebook và hoạt động Fanpage, Youtube, Zalo, cần tận dụng một số diễn đàn có số lượng thành viên đông đảo, có tác động đến cộng đồng và dư luận xã hội, như: Twitter, Instagram, Zingme, Otofun.vn, Clip.vn, Check in Vietnam, Beat.vn, Lamchame.com,… để đăng tải các thông tin tích cực. Thành lập các Fanpage, Group trên Facebook, Zalo… phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau (độ tuổi, ngành nghề, sở thích...), đồng thời xây dựng các trang Facebook cá nhân làm “vệ tinh” nhằm phục vụ các “chiến dịch” chia sẻ thông tin. Xây dựng một số tài khoản trên mạng xã hội, website, blog có sự đầu tư thích đáng từ các cơ quan chức năng, tạo thành những kênh truyền thông có sức hút để đăng tải thông tin tích cực. Cần phát huy vai trò của những người người điều hành các website, blog, fanpages các nhóm cùng sở thích trong việc đăng tải thông tin tích cực trên mạng. Nên tổ chức phát động viết tin, bài, ảnh, quay video clip đưa thông tin tích cực về ngành mình và các lĩnh vực khác lên mạng xã hội, góp phần đẩy lùi thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, ngoài lực lượng nòng cốt là đội ngũ những chuyên gia, người làm báo, cần có lực lượng tuyên truyền viên đăng tải, biết tương tác, chia sẻ những bài viết phân tích, vạch trần bản chất của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chủ động sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện đại để thu thập, nắm bắt được nguồn phát tán thông tin sai trái, thù địch mọi lúc, mọi nơi; đo đếm, định lượng được tốc độ lan truyền bằng thông số cụ thể; tính toán, đánh giá được mức độ nguy hiểm của thông tin xấu độc. Từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp, nhanh chóng ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai trái ngay từ khi xuất hiện, giúp kiểm soát được tình hình sớm. 

Sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng là tất yếu khách quan và là một xu thế không thể đảo ngược được. Nhận thức đúng đắn cả mặt tính cực và tiêu cực của mạng xã hội, tích cực tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng, nguyên tắc sử dụng mạng xã hội, các quy định pháp luật, các quy tắc cộng đồng, nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để cán bộ tuyên truyền có thể tận dụng mạng xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng trong thời kỳ mới./.

Theo Ngọc Vĩnh-Thành Khiên/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều