Tăng cường giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa vì môi trường bền vững

(Mặt trận) - Sự gia tăng của rác thải nhựa gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường và cuộc sống con người. Rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Do đó, cần phải tăng cường giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa vì môi trường bền vững.
Rác thải nhựa tại các bờ biển (Ảnh minh họa).

Rác thải nhựa (bao gồm nhiều dạng sản phẩm nhựa đa dạng như túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, đồ chơi nhựa cũ, cùng với loại khác) là những sản phẩm được chế tạo từ chất liệu nhựa, đã hoàn thành nhiệm vụ sử dụng hoặc trở nên không còn hữu ích và cuối cùng bị vứt bỏ.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa đối với môi trường toàn cầu. Nó rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm,…

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con người chúng ta bằng cách làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Bệnh lý tiêu hóa, nội tiết và ung thư do vi nhựa và hóa chất độc hại.

Ngoài ra, rác thải nhựa làm gia tăng chi phí xử lý, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái, làm giảm chất lượng sống của con người như: Gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất; tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch,...

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển; hơn 30 tỷ túi nylon, với mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% trong số đó bị bỏ sau khi dùng một lần.

Năm 2023, nước ta nhập khẩu 7,5 triệu tấn hạt nhựa. Cùng với khoảng hơn 2 triệu tấn sản xuất trong nước thì tổng lượng hạt nhựa trong nước ước khoảng gần 10 triệu tấn.

Đây là con số không hề nhỏ khi trong những năm qua, mức tiêu thụ nhựa của nước ta tăng khoảng 15%/năm. Điều này dẫn đến rác thải nhựa ngày càng tăng lên,… Tuy nhiên, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Nhất là trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa.

Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc , hóa chất,...). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cần thực hiện một số giải pháp:

Rác thải nhựa cần được phân loại ngay từ đầu sau khi sử dụng. Điều này giúp dễ dàng trong việc thu gom và tái chế. Khi phân loại như vậy sẽ không lẫn rác thải khác, giúp thuận tiện cho quá trình xử lý rác thải; Tái sử dụng đồ nhựa: Chúng ta có thể tái sử dụng lại những vật dụng bằng nhựa để tạo ra các sản phẩm có ích cho cuộc sống nhằm hạn chế chất thải nhựa ra môi trường như: dùng chai nhựa để trồng cây, làm vật dụng đựng các đồ vật cần lưu giữ….; Hạn chế sử dụng đồ nhựa và đốt rác thải nhựa: Chúng ta có thể lựa chọn thay thế các vật dụng nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; giảm đốt rác nhựa tại nhà vì nếu đốt không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và ô nhiễm không khí; Hạn chế sử dụng ly nhựa, ống hút một lần để hạn chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường sống; Khuyến khích phát triển các sản phẩm thay thế túi nylon và nhựa khó phân hủy; hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở tái chế tham gia thu gom, xử lý, và tái chế rác thải nhựa, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, hướng đến một môi trường xanh, sạch và bền vững…

Phấn đấu đến năm 2025, các Trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng 100% túi đựng, bao bì thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân huỷ. Tất cả các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylonkhó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Chúng ta đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Để làm được điều này, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; tăng cường kiểm tra, giám sát, thống kê, phân loại và đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, xử lý, quản lý rác thải nhựa từ các hoạt động trên biển và hải đảo Việt Nam; đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; đánh giá việc triển khai các hoạt động thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm nhựa; thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy; đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa, ngư cụ, sản phẩm nhựa thải bỏ ra môi trường biển và đại dương đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch biển; hình thành mạng lưới tuyên truyền viên hướng dẫn phân loại, thu gom, tái chế, xử lý; khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có các hoạt động, giải pháp, sáng kiến hay về quản lý chất thải nhựa. Một số kế hoạch sẽ được xây dựng và triển khai đồng bộ như các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, nhất là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các khu du lịch, các bãi tắm,...

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố có biển đã có những phương thức thu gom rác thải khác mang lại hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển như: tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đã triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên biển để người dân trên Vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ.

Còn tại Quảng Ngãi, mô hình “Làng không rác” được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh). Theo đó 69 hộ dân của làng được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn.

Tại thành phố Hải Phòng cũng đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: Chợ Cát Bà "nói không với túi ni lông khó phân hủy"; “Xã đảo không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải.

Hướng Dương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều