Tăng cường tuyên truyền về tiếp cận thông tin dịch vụ hành chính công đối với đồng bào vùng Tây Bắc

Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin dịch vụ hành chính công (thông tin HCC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Tây Bắc đã từng bước mang lại cho khu vực này những kết quả cơ bản, tích cực trong cải cách hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS 
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc đối với đồng bào DTTS vùng Tây Bắc, trong đó có việc đẩy mạnh hình thức tiếp cận thông tin HCC.Việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin HCC đã từng bước mang lại cho khu vực này những kết quả cơ bản, tích cực trong cải cách hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 

Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Điều 3, khoản 6 Luật Tiếp cận thông tin quy định:“Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được,việc tiếp cận thông tin HCCcủa đồng bào DTTS vùng Tây Bắc còn gặp không íthạn chế, khó khăn. Cơ hội tiếp cận thông tin HCC của nhiều người dân khu vực này chưa cao, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ nhận thức hạn chế của đồng bào; phong tục tập quán; sự tách biệt về địa bàn cư trú, giao thông khó khăn; sự bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ với người dân trong giải quyết thủ tục hành chính; năng lực, trình độ chuyên môn trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chứ cở cơ sở còn hạn chế bất cập... Đây là những “điểm nghẽn” cơ bản cần phải được giải quyết thông qua tuyên truyền, đổi mới chính sách nhằm từng bước nâng cao khả năng tiếp cận thông tin HCC của đồng bào DTTS.

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch thông tin dịch vụ hành chính công là một trong những giải pháp quan trọng góp phần làmgiảmsự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ.

Theo đó, để đồng bào DTTS biết rõ về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, đòi hỏi phải có một sự cố gắng và quyết tâm rất lớn trong công tác tuyên truyền. Bởi, chỉ có thông qua tuyên truyền mới giúp bà connâng cao nhận thức, trước hết là hiểu và nắm rõ những vấn đề cơ bản, tránh phải đi lại tốn nhiều công sức và thời gian, như: thủ tục nào sẽ giải quyết ở cấp xã, thủ tục nào phải làm ởcấp huyện; cần chuẩn bị những gì, làm việc với bộ phận nào... Qua khảo sát về tiếp cận dịch vụ HCC của đồng bào DTTS vùng Tây Bắc cho thấy, mới có 24% người dân nhận biết rõ những hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính thiết yếu. Các nội dung hồ sơ giấy tờ liên quan đến quy trình, biểu mẫu, thủ tục hành chính... thường là những vấn đề khó nhất đối với đồng bào trong quá trình tiếp cận thông tin dịch vụ HCC. Bên cạnh nguyên nhân chính là do hạn chế về nhận thức của đồng bào, còn có nguyên nhân liên quan đến công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Theo số liệu khảo sát, hiểu biết về các biểu mẫu kê khai thủ tục hành chính mới chiếm 17%; hiểu biết về quy trình thực hiện thủ tục hành chính: 18,5%; hiểu biết về điều kiện cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính: 18,5%. Hầu hết những nội dung này đều sử dụng thuật ngữ chuyên môn, mặc dù là theo quy định và mang tính “phổ thông” đối với văn bản hành chính, nhưng lại là những thông điệp và ngôn ngữ “xa lạ”, không quen thuộc đối với đồng bào DTTS. Đây không chỉ là rào cản đối với đồng bào, mà còn là bất cập chung trong quá trình tiếp cận dịch vụ HCC của đa số người dân ở Việt Nam. Vấn đề này cũng là một trong những nội dung - mục tiêu được đặt ra trong quá trình cải cách hành chính ở nước ta lâu nay.

CÁC KÊNH TIẾP CẬN THÔNG TIN CHỦ YẾU VỀ DỊCH VỤ HCC 

Theo kết quả khảo sát năm 2020, việc tiếp cận và tiếp nhận thông tin HCC đối với đồng bào DTTS vùng Tây Bắc được thể hiện ở các kênh và mức độ sau: 

Một là, tiếp nhận thông tin thông qua/từ gia đình, bạn bè, người thân (chiếm 60,5%) . Điều này xuất phát từ những đặc điểm sinh hoạt xã hội của cư dân khu vực này. Chẳng hạn như, đặc trưng cư trú của người Thái vùng Tây Bắc là các bản được nối với nhau bởi đường liên bản chạy qua các xứ đồng. Có những bản gồm nhiều dòng họ cùng cư trú, nhưng cũng có bản chỉ có một dòng họ. Thông thường, những bản có nhiều dòng họ thì mỗi dòng họ tụ cư ở một địa vực riêng; có một dòng họ gốc (là dòng họ có những cư dân đến lập bản đầu tiên) giữ vai trò thần quyền lẫn chính quyền, có ảnh hưởng lớn tới các quan hệ trong cộng đồng. Hoặc như, cùng với những bản làng chỉ có một hoặc hai dòng họ cộng cư, thì vẫn có một số cộng đồng DTTS (như người Mông và người La Hủ) duy trì cách lập làng theo quan hệ huyết thống... Có thể thấy, đặc điểm cư trú tương đối độc lập và khép kín trên nền tảng dòng họ, huyết thốnglà lý do mà người dân lựa chọn kênh thông tin chủ yếu từ gia đình, bạn bè, người thân. Đặc điểm này có một lợi thế là, các thành viên thường dựa vào mối quan hệ huyết thống, dòng họ như một dạng thức vốn xã hội để tiếp cận thông tin, tạo lập các cơ hội học tập, việc làm, nghề nghiệp, nguồn vốn tín dụng không chính thức... nhất là đối với nhưng cộng đồng dòng họ có bà con làm việc hoặc giữ chức trách trong bộ máy chính quyền địa phương. 

Hai là, tiếp nhận thông tin là từ cán bộ, cơ quan đoàn thể, tuyên truyền viên. Mặc dù chiếm tỉ lệ 48,8% - thấp hơn so với kênh thông tin từgia đình, bạn bè, người thân (60,5%) - nhưng đây được coi là kênh truyền tải thông tin về dịch vụ HCC tới người dân đạt hiệu quả tốt nhất. Điều này xuất phát từ một thực tế, ở các xã vùng cao, cán bộ thường trực tiếp xuống cơ sở, “cắm bản” để tuyên truyền, giúp đỡ bà con; các hoạt động tuyên truyền, giáo dục được tổ chức thường xuyên, đa dạng về hình thức. Qua đó không chỉ nâng cao nhận thức của đồng bào mà còn tạo điều kiện cho người dân được bình đẳng trong quá trình tiếp cận các dịch vụ HCC. 

Ba là, tiếp cận thông tin từ những nội dung được niêm yết tại nhà hội họp - nhà văn hóa thôn bản hoặc trụ sở chính quyền địa phương (chiếm 37,8%). Đây cũng là một chỉ số khả quan cho thấy người dân đã chủ động trong việc tìm kiếm thông tin tại nơi cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, kết quả này cũng là phản hồi tích cực của người dân đối với nơi cung cấp dịch vụ trong việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của chính quyền địa phương. 

Niêm yết công khai là một biện pháp để cơ quan thẩm quyền tổ chức thực hiện, đưa các quy định thủ tục hành chính vào cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và cán bộ chuyên môn khi trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khúc mắc, trả lời những vấn đề chưa rõ...

Bốn là, tiếp nhận thông tin từ già làng, trưởng bản, trưởng họ (chiếm 34%). Bằng kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng, đa số các già làng, trưởng bản, trưởng họ đã phát huy được vai trò “cầu nối” chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS khá hiệu quả. Đồng thời là những người trực tiếp vận động đồng bào tham gia thực hiện các quy định của Nhà nước về thủ tục hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong địa phương và khu vực. 

Năm là, tiếp nhận thông tin thông qua các cuộc họp thôn, bản. Mặc dù có tỉ lệ thấp nhất (chiếm 27,1%), nhưng thực tế cho thấy, đây lại là một trong những hình thức - kênh tiếp cận và cung cấp thông tin cho đồng bào rất hiệu quả. Trong quá trình họp, người đại diện hộ gia đình nêu ra những vấn đề quan tâm; cán bộ trực tiếp phổ biến thông tin và cung cấp tài liệu. Những thông tin và tài liệu sau đó sẽ được thành viên dự họp chia sẻ tới gia đình và hội, nhóm trong thôn bản. 

Ngoài những kênh tiếp nhận thông tin cơ bản nêu trên, các hoạt động đối thoại đột xuất hoặc định kỳ (hằng tháng hoặc quý) tại thôn bản, xã cũng là điều kiện để người dân tiếp nhận thông tin HCC; trực tiếp trao đổi (hoặc trưởng bản tổng hợp ý kiến của người dân) với cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn về những vấn đề kinh tế - xã hội. 

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020. Ảnh: Quang Hiếu. 

Bên cạnh những hình thức - kênh tiếp cận thông tin “truyền thống”, gắn với đặc thù địa lý và tâm lý, nếp sống của đồng bào các DTTS vùng Tây Bắc, thì sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các phương tiện, loại hình truyền thông hiện đại cũng đã và đang giúp cho người dân thay đổi đáng kể nhận thức về thông tin HCC. Thông qua truyền hình, phát thanh, truyền thanh... đồng bào đã có những nhận thức cởi mở hơn về các thủ tục hành chính, qua đó thay đổi tích cực cách ứng xử với cán bộ, gần gũi hơn với cán bộ, công chức, viên chức làm thủ tục hành chính. Theo kết quả khảo sát, có 24,2% người dân các DTTS khu vực Tây Bắc lựa chọn kênh tiếp cận thông tin về các dịch vụ HCC qua truyền hình, truyền thanh...

Công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc được chính quyền các cấp thực hiện thông qua những phương tiện truyền thông của địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm của đồng bào.

Sự phát triển tích cực của các ứng dụng công nghệ trên điện thoại trong những năm gần đây cũng tạo ra một kênh thông tin khá hữu hiệu để người dân trong khu vực, nhất là giới trẻ tiếp cận với các dịch vụ HCC. Thực tế, ở một số địa phương vùng cao, do khoảng cách địa lý xa với ủy ban nhân dân xã nên người dân đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm tin nhắn Zalo để tìm hiểu về những văn bản liên quan đến thủ tục hành chính; sử dụng một số mẫu kê khai trực tiếp trên phần mềm ứng dụng. Điều này bước đầu thể hiện những kết quả tích cực trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những thay đổi đáng kể về tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin dịch vụ HCC của đồng bào đã từng bước được cải thiện, giảm thiểu “vùng trũng thông tin”, góp phần nâng cao tri thức, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Theo kết quả khảo sát năm 2020, với tỷ lệ lần lượt 12,3% và 14,4% người dân lựa chọn kênh thông tin tiếp cận dịch vụ HCC là Internet và mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook). Đây là một bước tiến quan trọng đối với đồng bào DTTS vùng Tây Bắc trong việc “thích nghi”, tiếp cận thông tin dịch vụ HCC thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. 

THÁO GỠ RÀO CẢN, THIẾT LẬP THÓI QUEN 

Một trong những rào cản gây khó khăn trong tiếp cận dịch vụ công và thông tin HCC đối với đồng bào là hạn chế về ngôn ngữ và khả năng đọc, viết chữ phổ thông (tiếng Kinh). Theo số liệu khảo sát, tỷ lệ người dân biết đọc, viết chữ phổ thông ở nhiều cộng đồng DTTS còn khá thấp, như dân tộc Mảng (46,2%), La Hủ (46,9%), Mông (54,3%). Tỷ lệ nam giới đọc thông viết thạo chữ phổ thông là 867%, trong khi đó nữ giới là 75,1%. 

Cùng với hạn chế về khả năng sử dụng tiếng phổ thông, đặc biệt là ở những nhóm người trung tuổi và lớn tuổi, thì khả năng đọc hiểu, giao tiếp của nhiều người dân với tiếng phổ thông cũng chỉ ở mức cơ bản. Điều này tạo nên những bất cập rất lớn, khi mà tất cả văn bản hướng dẫn về thủ tục hành chính và biểu mẫu kê khai tại trụ sở chính quyền xã đều sử dụng tiếng phổ thông. 

Hơn nữa, ngay cả với những người có khả năng đọc viết tốt tiếng phổ thông, thì không ít thuật ngữ hành chính cũng khiến họ “bối rối” - không thể hiểu tường tận nếu không có người hướng dẫn, giải thích. Vì thế, thuật ngữ hành chính “phổ thông” cũng là một rào cản rất lớn đối với đa số đồng bào DTTS.

Một bộ phận người DTTS ngại tiếp cận với dịch vụ HCC, bởi, ngoài khó khăn về về viết, đọc tiếng phổ thông thì thái độ thiếu tích cực của không ít cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cũng tạo nên những rào cản không nhỏ. 

“Giải pháp tình thế” tháo gỡ rào cản trước mắt vẫn là phải phát huy tối ưu vai trò của cán bộ chuyên môn trong “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cặn kẽ, giải thích cụ thể;trong thái độ tận tụy, kiên nhẫn, chu đáo, cảm thông với đồng bào; trong thông tin, tuyên truyền diễn đạt dễ hiểu, phù hợp với trình độ khả năng của người tiếp nhận, “đơn giản hóa” đến mức tối đa những thuật ngữ chuyên ngành... 

Để thiết lập thói quen chủ động và nâng cao khả năng tiếp nhận, cập nhật thông tin, sử dụng dịch vụ HCC của đồng bào DTTS, cần phải có các giải pháp chiến lược, đồng bộ và lâu dài trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây đồng thời cũng là những giải pháp căn cơ để thay đổi, phá bỏ những rào cản, trong đó có rào cản tư duy và tập quán - thói quen tiêu cực. 

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về quyền và nghĩa vụ trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ HCC. Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền cần có chính sách vận động, hỗ trợ để người dân nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, công đồng. 

Lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ tuyên truyền trực tiếp cần được quan tâm, đầu tư, tăng cường hơn nữa cả về số lượng, chất lượng và điều kiện làm việc. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là báo cáo viên và tuyên tuyền viên thì cán bộ cơ sở, giáo viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người có uy tín cần tích cực “chung vai góp sức” đưa chính sách, pháp luật, trong đó có thông tin dịch vụ HCC đến với người dân, tạo sự thay đổi tích cực và xây dựng lòng tin, niềm tin trong đồng bào. 

Cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp, “nghệ thuật” truyền thông; sử dụng linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm các kênh truyền thông phù hợp với từng thời điểm, bối cảnh, địa bàn, nhóm đối tượng khác nhau; chú trọng đến tính rõ ràng, cụ thể, chính xác, ngắn gọn trong thông điệp truyền thông. 

Việc tăng cường mở rộng thông điệp truyền thông đến mọi đối tượng đồng bào DTTS cần khắc phục tình trạng: “gom” nhiều chủ đề, vấn đề và nhiều đối tượng nghe khác nhau vào một cuộc tuyên truyền. Thực tế ở nhiều địa bàn khu vực Tây Bắc cho thấy, việc tuyên truyền vẫn chủ yếu theo mô hình “một cho tất cả” - lồng ghép nhiều chủ đề khác nhau, dựa vào loa phát thanh, mạng lưới tuyên truyền viên hoặc các cuộc họp tại thôn bản là chính. Vì thế, nội dung tuyên truyền thường không hấp dẫn, thiếu sinh động, khó tiếp thu./.

Theo ThS. Lê Thị Tuyền/Tạp chí Tuyên giáo 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều