Tạo đột phá từ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các tỉnh: Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo những chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực phát triển. Nhờ đó, kinh tế - xã hội và diện mạo các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng đã có nhiều khởi sắc. Với mục tiêu trở thành các tỉnh phát triển khá trong những năm tới, Ðảng bộ, chính quyền các tỉnh đều xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. 

 

Đoàn giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan do ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với Tổng cục Thuế, năm 2018. 
"Làm tổ đón đại bàng”

Xác định điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư ở Thái Bình những năm qua là chậm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh Thái Bình đã tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu, học tập mô hình cải cách TTHC ở những địa phương làm tốt công tác để xây dựng một mô hình phù hợp cho địa phương. Ðó là yêu cầu 100% TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã. Quy trình giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ”, từ khâu tiếp nhận, thẩm định đến phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả được thực hiện khép kín, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2015 đến năm 2019, tỉnh đã rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết của 1.047 thủ tục, với thời gian được cắt giảm là 10.656 ngày; trung bình mỗi thủ tục giảm 10,17 ngày giải quyết, trong đó có 477 thủ tục giảm từ 50% thời gian giải quyết trở lên. Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh việc cung cấp 947 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (đạt tỷ lệ 53,4%, cao hơn yêu cầu của Chính phủ đề ra). Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến tháng 9-2020, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh là 1.737. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình Ðỗ Văn Vẻ đánh giá, cách làm quyết liệt của Thái Bình trong cải cách TTHC đã cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp. Ðơn cử, việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) trước đây các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu rất ngại bởi mất nhiều thời gian, thủ tục, nay đã được cải cách mạnh mẽ, chỉ sau một vài giờ, các giấy tờ đã được thẩm định giải quyết.

Những năm qua, kinh tế của tỉnh Nam Ðịnh phát triển chưa tương xứng tiềm năng và vị thế, do chưa thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Nam Ðịnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến, thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Tháng 9-2019, tỉnh thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm đã giải quyết TTHC cho khoảng 100 nghìn lượt người dân, doanh nghiệp. Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Phúc Sơn chia sẻ, trung tâm hiện đang giải quyết “hơn 100%” số danh mục TTHC được quy định (khoảng 1.800 danh mục), vì một số TTHC thuộc các lĩnh vực nội vụ hay đầu tư công cũng được tiếp nhận và trả kết quả tại đây. Ngoài phương châm phục vụ “bốn luôn” (luôn nhẹ nhàng, luôn mỉm cười, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) và “bốn xin” (xin chào, xin phép, xin cảm ơn, xin lỗi), các cán bộ trung tâm còn xác định giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn là một tiêu chí để bình xét thi đua.

Tỉnh Hà Nam trong những năm gần đây được ghi nhận là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Có được kết quả đó là do tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung cải cách TTHC, rà soát, bổ sung và vận dụng các cơ chế chính sách; làm rõ những trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và có biện pháp xử lý. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư như Chương trình cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp Ðồng Văn III... Tỉnh thực hiện nghiêm 10 cam kết đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài những cam kết như bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết TTHC nhanh gọn, thuận lợi, chính xác, Hà Nam còn có những cam kết rất thiết thực, giúp các doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư tại địa phương như: hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp; bảo đảm không có đình công, bãi công; lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ doanh nghiệp...

Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển

Những chuyển biến căn bản trong cải cách TTHC giúp các địa phương nhanh chóng thu hút được nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Thái Bình Vũ Kim Cứ cho biết, những năm qua, nhờ tháo gỡ những nút thắt trong cải cách TTHC, tỉnh đã thu hút được nguồn lực lớn. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 đạt 231.438 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra là 166.500 tỷ đồng, tăng gần hai lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước, tăng dần tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI. Từ nguồn vốn này, từ năm 2016 đến nay, Thái Bình khởi công, khánh thành năm cây cầu lớn kết nối giao thương với các địa phương lân cận, nhất là với tam giác kinh tế Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, phá được thế “ốc đảo” của tỉnh. Cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ. Giao thông thuận lợi đã kéo theo làn sóng đầu tư của những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh như Hòa Phát, Trường Hải, Lộc Trời, Vingroup… trên quê lúa, đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng mạnh, năm 2020 thu được hơn 19.078 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Nam Ðịnh Trần Anh Dũng cho biết, 5 năm qua, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 506 dự án. Trong đó có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 390 dự án đầu tư trong nước, với tổng giá trị đăng ký vốn đầu tư ước đạt 3,5 tỷ USD vốn FDI (tăng tám lần so với giai đoạn 2010 - 2015) và hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 2,7 lần so với  giai đoạn 2010 - 2015). Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động như Nhà máy dệt Bảo Minh (tổng vốn đầu tư 80 triệu USD), khách sạn Nam Cường đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế đầu tiên tại Nam Ðịnh. Một số dự án như Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Ðịnh I tại huyện Hải Hậu (trị giá hơn hai tỷ USD); Công ty TNHH Top Textiles (203 triệu USD); dự án Ðầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Ðông (4.628 tỷ đồng)… đang được triển khai. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, Nam Ðịnh vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 50 dự án, với tổng vốn đăng ký và bổ sung là 26,2 triệu USD và 1.148,77 tỷ đồng. Môi trường đầu tư sôi động đưa tăng trưởng GRDP của Nam Ðịnh năm 2020 đạt gần 7%, thuộc nhóm cao của cả nước, góp phần giúp tỉnh đạt và vượt kế hoạch toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay. 

Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện giúp giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Nam tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Quy mô sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp không ngừng được mở rộng, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại tân tiến, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với Nhà nước đều tăng lên qua các năm, mức thu nhập của người lao động được cải thiện. Tỷ suất đầu tư của các dự án trong khu công nghiệp bình quân đạt 4,6 triệu USD/ha. Sự phát triển của các doanh nghiệp làm thay đổi rõ rệt diện mạo khu vực chung quanh khu, cụm công nghiệp, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Chìa khóa để phát triển kinh tế

Công tác CCHC của các tỉnh Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả ba địa phương trong những năm gần đây vẫn loanh quanh ở mức trung bình khá trong cả nước. Năm 2019, PCI của Thái Bình đạt 65,38 điểm, xếp thứ 28 trong số 63 tỉnh, thành phố (xếp thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng), Nam Ðịnh xếp thứ 33, Hà Nam xếp vị trí 34, trong đó Nam Ðịnh và Hà Nam có điểm chỉ số thấp hơn so với điểm chung của cả nước. Ðiều này lý giải vì sao thời gian qua, đã có những nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu, đầu tư vào ba địa phương này, nhưng nhìn chung quy mô đầu tư tại các địa phương còn nhỏ, một số doanh nghiệp còn lưỡng lự bởi những rào cản về cơ chế, chính sách ở địa phương chưa thật sự hấp dẫn, chưa tạo sức hút giữ chân nhà đầu tư.

Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2025. Tỉnh Nam Ðịnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Hà Nam xác định các mốc thời gian cụ thể, đến năm 2025 là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao, GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước; đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và đến năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cả ba tỉnh đều phấn đấu để sớm tự cân đối ngân sách và có đóng góp cho Trung ương. Ðể thực hiện mục tiêu, cả ba tỉnh đều xác định, đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư là khâu đột phá then chốt. Làm tốt khâu này sẽ tạo tiền đề để thực hiện khâu đột phá tiếp theo là thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Tỉnh Nam Ðịnh đang đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành trụ sở mới của Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chỉ phải đến một địa điểm duy nhất để giải quyết TTHC. Việc hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh sẽ nâng cao tính công khai, minh bạch; giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC cho các nhà đầu tư; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc. Nam Ðịnh chủ trương áp dụng những điều kiện hỗ trợ tốt nhất của tỉnh để khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp nhà đầu tư nghiên cứu, áp dụng các chính sách đặc thù đối với những dự án có quy mô lớn của các nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài và các tập đoàn lớn trong nước, để khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh.

Ðể thu hút đầu tư xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, đưa khu kinh tế trở thành đầu tàu kích thích tăng trưởng, tạo ra làn sóng đầu tư mới tại địa phương, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong khu kinh tế giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030. Các dự án đầu tư này ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của Trung ương, còn được tỉnh hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; kinh phí đào tạo nghề cho người lao động; ngoài ra được thực hiện các TTHC nhanh gọn, một đầu mối, thực hiện 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định, quan điểm của Hà Nam là luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, sự lớn mạnh của doanh nghiệp là biểu hiện của sự phát triển phồn thịnh của tỉnh. Vì vậy, tỉnh tiếp tục áp dụng, ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư. Ðồng thời cam kết, khi dự án đi vào hoạt động, tỉnh bảo đảm tốt tất cả các điều kiện, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất.

CCHC là vấn đề then chốt nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết liệt và linh hoạt, thời gian qua, các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng đã từng bước khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này, tạo chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là tiền đề vững chắc để các địa phương tiếp tục phát huy, tạo đột phá trong thời gian tới, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình thành những vùng quê giàu đẹp, văn minh, có trình độ phát triển khá trong cả nước.

Theo Hương Khánh - Phương Tú/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều