Tham gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân, MTTQ Việt Nam góp phần quan trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Mặt trận) - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta, các bảo đảm pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định. Là cốt lõi, là sự thể chế hóa các bảo đảm chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành các chuẩn mực có tính bắt buộc mà Nhà nước, các cơ quan nhà nước và xã hội phải thực hiện để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.
Các đồng chí Ban Thường trực chủ trì Hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III năm 2021.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Với quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Mặt trận sẽ cùng với Nhà nước, các thiết chế xã hội tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Mọi thiết chế xã hội trong Nhà nước phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, đồng thời chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.

Đối với Nhà nước, mỗi nhánh quyền lực thực hiện trách nhiệm bảo vệ và phát huy quyền con người dưới những hình thức, phương pháp khác nhau. Quốc hội bảo vệ quyền con người thông qua việc ban hành các bộ luật, luật gắn liền với quyền con người, cũng như giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước khác trong việc thực thi các bộ luật, luật đó. Nhánh quyền lực tư pháp bảo vệ quyền con người chủ yếu thông qua hoạt động xét xử, ngăn ngừa hành vi phương hại đến quyền con người hoặc bảo vệ, khôi phục lại các quyền con người đã bị xâm hại. Nhánh quyền hành pháp bảo vệ quyền con người trên khá nhiều phương diện. Cơ quan thực hiện quyền hành pháp quản lý mọi mặt đời sống của xã hội nên ảnh hưởng đến mọi quyền lợi của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Thông qua các hoạt động cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều cơ hội để bảo vệ, tham gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đặc thù so với khối nhà nước. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo vệ, tham gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân thể hiện qua việc giúp người dân tự thực hiện quyền con người, quyền công dân, tự chăm lo cuộc sống của mình, tham gia vào các hoạt động của Nhà nước, của xã hội, đồng thời đại diện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước. Một số điểm rõ nét, cụ thể là:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tham gia, góp ý xây dựng thể chế về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Vai trò này thể hiện thông qua hai hoạt động chính là: (1) Tổ chức phản biện xã hội, góp ý các dự luật, chính sách về quyền con người, quyền công dân; (2) Giám sát quá trình thực hiện chính sách về quyền con người, quyền công dân. Với hoạt động (1), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật (trong đó có lĩnh vực quyền con người). Điều này xuất phát từ việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định là cơ quan đại diện cho các tầng lớp nên Mặt trận sẽ đại diện tham gia quá trình xây dựng các dự án luật, chính sách. Với hoạt động (2), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan có vai trò chủ động, sáng tạo trong quá trình tham gia tổ chức và quản lý xã hội. Trong thực tiễn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là thực thể thụ động, phụ thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước, mà là cơ quan chủ động đưa ra các đề xuất, biện pháp bảo đảm quyền con người, trực tiếp thực hiện chính sách thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân, là nhân tố quan trọng để chính sách, pháp luật hợp lòng dân.

Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia quản lý xã hội, thực hiện các biện pháp thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi tầng lớp đoàn kết cùng nhau thực hiện quyền làm chủ, được thụ hưởng các điều kiện tốt nhất nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện mọi mặt. Có vai trò phối hợp với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Vai trò này thể hiện thông qua các quy chế phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị; chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bằng việc tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, tôn giáo, bình đẳng giới, không bỏ lại ai phía sau, thực hiện phương châm lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Kết quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh, không bỏ lại ai phía sau, đoàn kết giúp nhau phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện các quyền cơ bản của con người. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và pháp luật quy định Mặt trận có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Với chức năng giám sát hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong giám sát việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ và chính quyền địa phương ban hành, trong đó có các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, trong hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra các kiến nghị về biện pháp xử lý vi phạm liên quan đến các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Đặc biệt, hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức xâm phạm và gây thiệt hại đến quyền con người cũng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định trách nhiệm và kiến nghị để có các biện pháp kỷ luật và xác định chế độ chịu trách nhiệm.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch để người dân dễ dàng thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp. Thực tiễn cho thấy các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân gắn liền với các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong hệ thống các quyền đó, quyền chính trị càng được mở rộng thì càng thể hiện tính dân chủ nhân dân của Nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mang tính chất cốt lõi là quyền lực thuộc về dân, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức theo nguyên tắc vì Nhân dân phục vụ. Công chức chỉ được làm những điều do pháp luật quy định, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nguyên tắc công khai, minh bạch, giải trình là nhu cầu của nền dân chủ, vừa là yêu cầu có tính sống còn của Nhà nước pháp quyền. Tính công khai, minh bạch của Nhà nước pháp quyền không đồng nhất với đòi hỏi tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước phải được công bố công khai trước dân chúng. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận công lý của công dân và tổ chức sẽ phụ thuộc vào độ mở của các thông tin trong tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền hoặc thời điểm và đối tượng được tham gia các giai đoạn tố tụng. Bên cạnh đó, cũng không thể lấy đặc thù công việc, cho dù đó là lĩnh vực hành chính để hạn chế việc thực hiện các quyền dân chủ của Nhân dân. Điều này đòi hỏi pháp luật phải là đại lượng công bằng nhất, phân định quyền của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc công khai hoạt động của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính hay hành chính tư pháp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang làm tương đối tốt chức năng này.

Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò là cầu nối cho các thiết chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ưu thế là cơ quan được tổ chức từ Trung ương đến khu dân cư, hoạt động một cách thường xuyên với mối quan hệ gắn kết giữa Trung ương, địa phương và với các tổ chức thành viên; thể hiện tính thống nhất, phối hợp giữa các thành viên, vừa đa dạng, cụ thể, lại vừa năng động, dễ thích ứng với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Hơn nữa, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn với cuộc sống hàng ngày của từng người dân nên có điều kiện thúc đẩy tổ chức thực thi quyền con người, quyền công dân một cách toàn diện và hữu hiệu như: quyền con người trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, dân sự, lao động, hành chính...

Trong các quy định của pháp luật, Mặt trận tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, giúp người lầm lỗi, được tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp huyện trở lên có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Trong quá trình phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng mở rộng, hoàn thiện cơ cấu tổ chức để góp phần phát huy vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thứ sáu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân một cách rộng rãi cho mọi đối tượng. Một trong các nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, trong đó có các quy định về quyền con người, quyền công dân. Mặc dù, trong thực tiễn, các thông tin, kiến thức về quyền con người đến từ nhiều nguồn, do nhiều tổ chức và cá nhân cung cấp. Song điều không thể phủ nhận đó là chỉ có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan có lợi thế cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền công dân một cách đầy đủ nhất. Thông qua chức năng phổ biến kiến thức về quyền con người, quyền công dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy các cá nhân thụ hưởng các quyền và phát huy việc thực hiện các quyền của mình trong cuộc sống riêng, cũng như khả năng tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Thứ bảy, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân địa phương gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước cùng cấp.

Thông qua nhiệm vụ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị đến Đảng, Nhà nước giải quyết, tăng đồng thuận, giảm bức xúc xã hội.                

Thứ tám, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thúc đẩy liêm chính, vì dân phục vụ, tránh nguy cơ vi phạm quyền con người, quyền công dân.

 Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực

Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền móng cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đến nay, cơ chế nói trên từng bước được xây dựng và hoàn thiện, trong đó giám sát, phản biện xã hội được xem là một trong những cơ chế quan trọng để thực hiện kiểm soát quyền lực. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước chỉ ra rằng: hệ thống hành pháp là hệ thống nắm trong tay nhiều quyền lực, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, khoáng sản quốc gia, hoạt động quản lý liên quan trực tiếp và tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân trên các lĩnh vực... nếu không được kiểm soát tốt, thì nguy cơ lạm dụng quyền lực, nguy cơ tha hóa quyền lực, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, nguy cơ vi phạm quyền con người, quyền công dân của các cơ quan hành pháp, của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình quản lý cao hơn nhiều so với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Nếu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hoạt động giám sát, tham gia kiểm soát quyền lực tốt thì tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm sẽ được hạn chế, thông qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Pháp luật quy định Mặt trận tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử đại diện tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp theo quy định của pháp luật. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân theo quy định của pháp luật.

Thông qua các hoạt động này và các biện pháp công khai xét xử, các chế định về bào chữa và tự bào chữa, ý kiến của các tổ chức đại diện, bản án trên cơ sở tranh tụng công khai tại phiên tòa, quyền im lặng, nguyên tắc suy đoán vô tội... đã khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận với tư cách đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Bằng các hoạt động thiết thực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngô Sách Thực

ThS, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều