Thay đổi phương thức tác nghiệp báo chí trong điều kiện giãn cách

Hai năm dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, cũng là lúc các toà soạn báo trên khắp cả nước cẩn trọng trong môi trường làm việc, trong cách cử phóng viên đi vào điểm nóng, trong cách hẹn gặp nhân vật phỏng vấn và cả cách tác nghiệp từ xa. Tất cả vì mục tiêu bảo đảm an toàn cho cán bộ, phóng viên, tránh lây lan dịch bệnh; đồng thời vẫn bảo đảm làm tròn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.

Xây dựng tòa soạn dã chiến

Ngày 9/6 là một ngày rất đáng nhớ của các cán bộ, phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh khi Chánh Văn phòng Ngọc Lan báo cáo: “Lầu 9 có ca F1 là nhân viên công ty. Cơ quan Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh không có ai F2, F3 vì hai tuần nay làm việc online hạn chế người ra vào và cả cơ quan đảm bảo 5K, không đi thang máy. Làm việc cách tầng và không tiếp xúc người ngoài.”

 Ngôi nhà của người Phó Tổng biên tập trở thành địa bàn thiết lập “tòa soạn dã chiến”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chỉ 15 phút sau, cuộc họp lãnh đạo tòa soạn qua mạng đi đến quyết định: Thực hiện phương án lập tòa soạn dã chiến đã được chuẩn bị từ trước và cũng mới được Tổng biên tập Mai Ngọc Phước bổ sung cho phù hợp với những diễn biến dịch COVID-19 mới nhất tại TP Hồ Chí Minh. Điều đó đồng nghĩa với quyết tâm cao nhất của người làm báo - đảm bảo hoạt động trơn tru cả tòa soạn báo điện tử, báo in và các sản phẩm truyền hình xuất bản đều đặn ngay trong tình huống xấu nhất.


Địa điểm được lựa chọn để lập “tòa soạn dã chiến” chính là nhà riêng của Phó tổng biên tập Nguyễn Đức Hiển - nơi có đủ không gian cho nhiều người làm việc trên máy tính nối mạng.

Nhớ lại thời điểm cả tòa soạn đồng lòng lựa chọn phương án “chiến đấu” với những diễn biến bất thường của dịch bệnh, nhà báo Nguyễn Đức Hiển tâm sự: “Lâu nay chúng tôi vẫn làm việc online, nhưng kíp trực báo in, phòng dựng của Ban Truyền hình thì sẽ gặp rắc rối nếu làm online. Trong đó, tờ báo in Pháp Luật TP Hồ Chí Minh là nhật báo, giờ in và phát hành đã hợp đồng chặt chẽ với nhà in và đại lý. Chỉ cần giao file muộn 30 phút, nhà in sẽ chuyển qua in tờ báo khác và để báo tôi xuống sau cùng, đợi đến sáng thì không kịp phát hành.”

Để đảm bảo hoạt động thông suốt, kíp trực gồm các biên tập viên, thư ký tòa soạn chủ yếu ngồi nhà làm online, tại tòa soạn sẽ có họa sĩ trình bày, nhân viên morasse, một biên tập viên, một thư ký tòa soạn trực chỉ huy và một Phó tổng biên tập trực duyệt.

Ngay trong chiều 9/6, đội ngũ kỹ thuật, văn phòng, lái xe di chuyển một phần thiết bị tới nhà Phó tổng biên tập Nguyễn Đức Hiển. Các kỹ sư bắt đầu thiết lập hệ thống mạng. Hệ thống điều hành báo online và mạng xã hội được chuẩn bị xong. Máy in và hệ thống máy tính dựng trang báo in cũng hoàn tất, bắt đầu làm việc sau... 3 tiếng đồng hồ thiết lập.

Trong nhật ký biến nhà mình thành “tòa soạn dã chiến” mà người Phó tổng biên tập đăng trên trang cá nhân, nhà báo Nguyễn Đức Hiển không giấu nổi sự tự hào khi ca trực đầu tiên tại tòa soạn dã chiến đã diễn ra trơn tru, không có một trục trặc nhỏ nào. 24 giờ ngày 9/6, bạn giao liên gọi về từ nhà in: “Đóng máy, bắt đầu in báo mình” như một lời hiệu triệu cho tinh thần nỗ lực của cả tòa soạn “Nhất định chiến thắng giặc COVID-19!”

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh khẳng định yếu tố tiên quyết để tòa soạn báo có thể “biến hóa” phương thức tác nghiệp ngay khi tòa soạn bị phong tỏa là vì đã có phương án chuẩn bị rất kỹ từ trước đó.

Tìm đến độc giả bằng tọa đàm trực tuyến

Lỉnh kỉnh giữa rất nhiều thiết bị công nghệ: Máy quay, máy ảnh, máy ghi âm, micro, máy tính, nhà báo Song Hà - trưởng ban Biên tập, Tạp chí Nhịp sống số (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - Vinasa) chia sẻ: Tận dụng thiết bị và tiếp cận từ sớm các nền tảng công nghệ là thế mạnh của tờ tạp chí ngành. Giữa giai đoạn cao điểm dịch bệnh, Nhịp sống số vẫn liên tục thực hiện các tọa đàm, hội thảo trực tuyến (Webinar) để kết nối các chuyên gia đầu ngành, giải đáp mọi vấn đề về công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đến cho bạn đọc quan tâm.

 Mô hình tọa đàm trực tuyến đa nền tảng được Tạp chí Nhịp sống số áp dụng thu hút hàng ngàn người quan tâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà báo Song Hà cho biết, các tòa soạn báo có thể mở tọa đàm trực tuyến trên nền tảng Vmix, kết hợp livestream trên trang Fanpage của báo, nhúng vào trang quản trị nội dung của tòa soạn để phát trực tuyến. Nhờ vậy, hàng ngàn độc giả có thể theo dõi được các tọa đàm hoặc nhận được thông tin trên đa nền tảng (mạng xã hội, báo điện tử...).

Từ kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội năm 2020, tòa soạn tạp chí Nhịp sống số thực hiện chế độ luân phiên có mặt tại trụ sở để hạn chế giao tiếp đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực. Để đảm bảo thông suốt công tác điều hành, ban lãnh đạo họp với đội ngũ làm báo qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, ứng dụng OTT (Zalo, Facebook). Dù các ứng dụng trực tuyến có nhiều hạn chế như có độ trễ đường truyền, mất tín hiệu, đặc biệt không kích thích được sáng tạo trong các cuộc họp mang tính thảo luận, tìm ý tưởng mới nhưng những hỗ trợ tối ưu của công nghệ là không thể phủ nhận.

Thay đổi cách tư duy trong dịch bệnh COVID-19

Cùng thông điệp đúng định hướng, nhanh, mới, “nóng”, thông tin về dịch COVID-19 cũng cần phải đảm bảo những tôn trọng về bí mật riêng tư, quyền được bảo vệ của trẻ em. Những bức ảnh xóa mặt trẻ em, không sử dụng ảnh quá chi tiết tại giường bệnh hay cận mặt bệnh nhân được những phóng viên y tế xác định rõ.

 Trưởng CQTT TTXVN tại London tham dự cuộc họp trực tuyến để đưa tin Diễn đàn chính sách và thị trường do Bộ Công Thương Việt Nam, UK- ASEAN Business Council và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lối đưa tin nóng (breaking news) như với các cuộc khủng hoảng ngắn hạn hoàn toàn không phù hợp với đại dịch này.

Đại dịch COVID-19 cũng dần cho các tòa soạn thấy sự cần thiết trong việc cân bằng thông tin giữa tin về dịch bệnh với các khía cạnh phát triển ngay trong bối cảnh dịch bệnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội; thông tin về những tấm gương sáng trong đại dịch, những tấm lòng sẻ chia song hành với phản ánh những cuộc chiến với dịch bệnh của các “chiến sĩ áo trắng”.

Chia sẻ về những khó khăn và về việc phải thay đổi lối tư duy trong tác nghiệp, nhà báo Diễm Quỳnh - Trưởng Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại London, Vương quốc Anh cho biết: “Tác nghiệp thời đại dịch COVID-19 thật buồn tẻ vì các hoạt động báo chí không có nhiều và chủ yếu đều qua trực tuyến. Nguyên liệu để bạn chế biến các sản phẩm của mình cũng đơn điệu, khó thu thập hơn và đặc biệt vì ngồi một chỗ nên nguồn cảm hứng cũng ngưng lại. CQTT London may mắn có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cơ quan. Mỗi người có thế mạnh riêng, kết hợp cùng nhau để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Trải qua đại dịch COVID-19 mới thấy, việc được bận rộn với các sự kiện triền miên thực sự là niềm vui, là mong đợi của chúng tôi mỗi ngày, bởi nếu không, khi kết thúc thời gian công tác tại địa bàn, nhìn lại sẽ thấy tiếc vô cùng!”

Thế giới đang thay đổi và báo chí phải thay đổi. Đại dịch COVID-19 một lần nữa là lời nhắc nhở đối với các cơ quan báo chí phải làm mới mình. Thay đổi phương thức tác nghiệp, thay đổi cả cách tư duy là đòi hỏi tất yếu để báo chí thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin, hướng dẫn hành vi. Nhìn nhận như vậy, đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để báo chí làm mới mình và hòa vào dòng chảy thời cuộc.

Theo L. Sơn/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều