Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta hiện nay

Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội. Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp kiến tạo nền tảng tinh thần, trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển thì những tập tục, thói quen cũ đang tạo những lực cản trong quá trình phát triển đất nước. Để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng lối sống theo Hiến pháp và pháp luật là một yêu cầu tất yếu, trong đó có việc kết hợp giữa thực hành dân chủ với kỷ luật, kỷ cương, thực thi tốt quyền văn hóa, quyền công dân nhằm bảo đảm sự ổn định, phát triển của đời sống xã hội.
 Những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc kiến tạo nền tảng tinh thần, trở thành mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với nhân dân xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) _Ảnh: Tư liệu
1- Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế là vấn đề lớn, luôn nhận được quan tâm của các nhà tư tưởng trong hành trình tìm kiếm, xây dựng triết lý chính trị cũng như phương thức quản lý, điều hành xã hội, đất nước một cách ưu việt, để vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo, quản lý, lợi ích của giới cầm quyền, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ và sự phát triển toàn diện của con người. Hạt nhân của vấn đề này là phải tạo sự công bằng, bình đẳng, không có sự phân biệt, đối xử; lợi ích phải thuộc về sống đông, thuộc về quần chúng nhân dân, tạo sự phát triển ổn định của xã hội.

Việt Nam là quốc gia có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Tư tưởng nhân văn, dân chủ cao đẹp vì nhân dân, lấy dân làm gốc là tư tưởng xuyên suốt trong hành trình phát triển của dân tộc ta.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống dân chủ của dân tộc luôn được gìn giữ, tiếp nối, phát huy, trở thành động lực, nhân tố quan trọng quyết định thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tác phẩm Dân vận viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(1). Vì thế, Người luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải ý thức rõ bổn phận trách nhiệm là “người đầy tớ trung thành”, là “công bộc” của dân, suốt đời phục vụ, bảo vệ và đem lại hạnh phúc, no ấm cho nhân dân, cùng nhân dân phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cụ thể hóa quan điểm này trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh thể hiện ở việc đánh giá đúng, trân trọng, đề cao và phát huy lực lượng, tài nghệ của nhân dân trong việc phát triển nền văn hóa Việt Nam, khẳng định vai trò sáng tạo các giá trị văn hóa, kiểm nghiệm sản phẩm văn hóa của nhân dân, đồng thời nhấn mạnh nhân dân cần được hưởng thụ các giá trị văn hóa. Trong Đại hội Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-1946, Người yêu cầu nền văn hóa nước nhà hãy lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở; thông qua tác phẩm có giá trị, văn hóa nghệ thuật có thể góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất tốt đẹp cho nhân dân; rằng, ngành văn hóa phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cho công tác văn hóa, văn hóa phải phục vụ đại đa số nhân dân. Bên cạnh đó, Người cũng nhấn mạnh việc thực hiện bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc là yếu tố quan trọng trong thực hành dân chủ trong văn hóa, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986), Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, như Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987, của Bộ Chính trị “Về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”,… trong đó đều khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân - chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Để bảo đảm quyền sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa của người dân cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân trong quan hệ ứng xử với cộng đồng, với di sản văn hóa dân tộc, với những xuất bản phẩm văn hóa trên thị trường, Điều 41, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.

Bảo đảm quyền sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa của người dân với di sản văn hóa dân tộc _Ảnh: Tư liệu 
Cùng với đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều đạo luật, thông tư, nghị định và các quyết định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa. Việc ban hành hệ thống các luật, như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Di sản văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Thư viện, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh..., đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, quảng bá và tiếp nhận các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của cá nhân, tổ chức xã hội; kịp thời điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với di sản văn hóa dân tộc; bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân; bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan… Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) ngày 24-9-1982, trong đó Nhà nước cam kết bảo đảm những điều kiện tốt nhất để người dân có quyền tiếp cận, hưởng thụ những giá trị, thành quả của văn hóa, phát triển bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.

Thống kê cho thấy, “hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp về văn hóa, thể thao và du lịch gồm 12 luật, 51 nghị định, 55 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 200 thông tư, thông tư liên tịch”(2). Theo đánh giá của Chính phủ, hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã và đang từng bước được hoàn thiện trên cơ sở thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; bảo đảm quyền con người và quyền tự do, dân chủ, quyền văn hóa của công dân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Vì vậy, cùng với công tác nghiên cứu, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng miền, tộc người thì việc đổi mới nội dung, phương thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về văn hóa thời gian qua đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của người dân, tạo thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa đã được tổ chức, lồng ghép qua những phong trào, cuộc vận động lớn gắn chặt với đời sống văn hóa hằng ngày của người dân, như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng với đó là các chỉ thị, nghị định của Chính phủ, như Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29-3-2017, “Về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 9-2-2018, “Về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-9-2018, “Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội”; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17-9-2018, “Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa””… đã tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, hạn chế và từng bước đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, những hành vi vi phạm để không ngừng xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, nhân văn, khoa học.

Nhận định về những thành tựu đạt được thời gian qua trong việc thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật”(3).

 Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Dao thôn Mùng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang tìm hiểu danh sách cử tri và danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp) _Ảnh: TTXVN
2- Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực thi dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực văn hóa hiện nay ở nước ta cũng gặp không ít rào cản. Trước tiên là những tập tục, thói quen cũ trong truyền thống văn hóa đang cho thấy những bất cập, thậm chí lạc hậu trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kiến thức và những hiểu biết về cơ chế, chính sách pháp luật của người dân, nhất là người dân ở nông thôn còn hạn chế do thói quen sống và làm việc theo những quy ước, chuẩn mực xã hội của cộng đồng. Vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ đôi khi khó có thể vượt qua “bức tường thành” của tâm lý làng, xã (“phép vua thua lệ làng”). Bên cạnh đó, việc quy định, phân tầng theo mối quan hệ huyết thống, dòng họ, một mặt, tạo ra trật tự, ổn định, sự gắn bó giữa các thành viên, nhưng mặt khác, hạn chế hoặc thậm chí triệt tiêu quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến, mang nặng tính áp đặt. Trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, người dân coi trọng tính cộng đồng, tập thể, tâm lý trọng danh, trọng hình thức, đề cao kinh nghiệm, tuổi tác. Điều này có mặt tốt nhưng cũng có mặt hạn chế khi không chấp nhận tiếng nói khác biệt, không quan tâm đến cá tính sáng tạo của người trẻ, tạo sự cào bằng, chậm trễ, tâm lý ngại thay đổi trong quá trình phát triển.

Suốt thời gian dài chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến với những quy định chặt chẽ của đạo quân tử, tôn ti, trật tự, ngôi thứ trong xã hội, rồi qua hàng thế kỷ chịu ách đô hộ của thực dân, đế quốc, một số người dân vẫn còn ám ảnh với tâm lý là người yếu thế, thấp cổ bé họng, sống cuộc đời cam chịu, an phận thủ thường, “một điều nhịn, chín điều lành”, không dám đứng lên để bảo vệ những quyền văn hóa chính đáng của bản thân.

Ở một số vùng miền khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thu nhập thấp, người dân ít có điều kiện để đến trường học, bên cạnh đó là những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu nên hiểu biết về pháp luật, ý thức về quyền con người, thực hành dân chủ trong lĩnh vực văn hóa còn hạn chế. Ở nhiều vùng, người dân sống, sinh hoạt theo thói quen, kinh nghiệm dân gian và những luật lệ được trao truyền từ thế hệ trước để lại. Với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, lời nói, hành động của già làng, trưởng bản, bậc cao niên mang tính đại diện, biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của họ. Truyền thống văn hóa tộc người với những phong tục tập quán lâu đời có sức mạnh hơn những điều khoản, quy định trong các đạo luật được ban hành. Vì thế, việc thực hành quyền dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bài toán cần có thời gian cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm cao của mỗi người dân.

Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước thường lợi dụng vấn đề tự do dân chủ, tự do trong sáng tạo văn hóa, nấp sau những hình tượng, biểu tượng, kí hiệu của văn hóa (nhất là trong văn học - nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc…) để mua chuộc, lôi kéo văn nghệ sĩ, trí thức tạo ra những tác phẩm có nội dung thiếu lành mạnh, những tư tưởng chính trị phản động, xâm hại lợi ích dân tộc, hủy hoại môi trường văn hóa, đầu độc tâm hồn, nhân cách con người. Mặt khác, một số văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, do thiếu bản lĩnh chính trị, lợi dụng vấn đề dân chủ, quyền con người, quyền tự do ngôn luận, đã có những lời nói, hành động sai trái, như thành lập hội đoàn văn nghệ độc lập, xuất bản, dịch thuật những cuốn sách có nội dung đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây hoang mang dư luận.

Trong thời gian qua, mặc dù các chủ trương, đường lối, chính sách về bảo đảm quyền văn hóa, nhất là quyền tự do trong sáng tạo, bình đẳng trong hưởng thụ thành quả văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn đời sống văn hóa cũng như nhu cầu văn hóa của người dân. Còn có sự mất cân bằng, sự chênh lệch lớn trong hưởng thụ, tiếp cận văn hóa giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người dân các vùng miền khác (vùng đồng bằng, đô thị). Một số chính sách, văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực văn hóa còn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khó xử lý hoặc mức xử phạt quá nhẹ, không mang tính răn đe, ít tính thuyết phục, như những quy định trong lĩnh vực cấp phép trong biểu diễn, trình diễn nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, thi sắc đẹp, người mẫu; những quy định trong quản lý, xử phạt vi phạm của hoạt động kinh doanh karaoke; trong duyệt, phát hành phim nước ngoài; trong xuất bản, phát hành sách; trong bảo tồn không gian, cảnh quan di sản văn hóa; trong ứng xử văn hóa nơi công cộng,… Chính việc chậm ban hành các văn bản luật cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thiếu những chế tài trong xử lý hành vi vi phạm, nên trật tự, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực văn hóa ở một số nơi còn bị buông lỏng, xem nhẹ. Một số cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, trong công tác quản lý để thực hiện những hành vi xấu, đầu độc không gian, môi trường văn hóa, gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành và tổ chức đời sống văn hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa còn hạn chế. Ở một số địa phương, đội ngũ cán bộ văn hóa thiếu về cơ cấu, số lượng, yếu kém về chuyên môn, thiếu tinh thần nêu gương, có những hành động vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, lối sống…

Những hiện tượng trên là những rào cản lớn trong việc thực thi dân chủ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực văn hóa; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền chính đáng của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và tiếp nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và thời đại.

 Cán bộ Đồn Biên phòng A Nông (tỉnh Quảng Nam) phối hợp cùng người có uy tín tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới đoàn kết, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống _ Ảnh: TTXVN
3- Thời gian tới, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế trong lĩnh vực văn hóa, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hình thành nhân cách con người Việt Nam. Các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương cần phổ biến, giáo dục sâu rộng cho quần chúng nhân dân những kiến thức cơ bản về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và tiếp cận các giá trị văn hóa. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo những điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia với tư cách là chủ thể của đời sống văn hóa. Tôn trọng và bảo đảm quyền văn hóa của người dân trong sáng tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị, sản phẩm văn hóa trong cộng đồng. Không can thiệp một cách quá sâu, quá thô bạo; tránh cách làm thay, nghĩ hộ nhân dân trong tổ chức, điều hành đời sống văn hóa. Cấp ủy đảng và chính quyền cần tôn trọng, phát huy quyền làm chủ và tinh thần sáng tạo, chủ động của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ hai, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý văn hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, đầy đủ, hiện đại, phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực văn hóa, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó cá nhân được thực hành, bảo đảm tốt nhất quyền dân chủ, quyền văn hóa. Trong quản lý, điều hành, người cán bộ cần phải bám sát đời sống thực tiễn, dự báo được xu hướng phát triển của các hiện tượng văn hóa mới để có cơ chế, chính sách phù hợp; tránh những bất đồng, xung đột về lợi ích trong văn hóa.

Thứ ba, phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là lối ứng xử trọng nghĩa tình, đạo lý, đề cao tinh thần khoan dung văn hóa, đề cao lợi ích tập thể, lợi ích của quốc gia; đồng thời, cần khắc phục và loại trừ triệt để những thói quen, hành vi, nếp nghĩ tùy tiện, tâm lý cục bộ địa phương, sự áp đặt chủ quan, duy ý chí, làm mất đi tinh thần dân chủ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Tích cực tiếp thu những giá trị, tinh hoa văn hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là tinh thần tự do, dân chủ, pháp quyền, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đề cao những giá trị của quyền con người trong tiếp cận văn hóa.

Thứ tư, có chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe và trừng trị nghiêm minh những kẻ lợi dụng tinh thần tự do, dân chủ trong văn hóa để tự ý thành lập những hội, đoàn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược các lợi ích chính đáng của người dân; những hoạt động tài trợ về tài chính của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cho những sản phẩm kém giá trị, chứa đựng những tư tưởng, nội dung thiếu lành mạnh, đả kích Đảng, chế độ, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, “giải thiêng” hình tượng các anh hùng dân tộc,… đều nấp sau chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Những sản phẩm kém giá trị này được quảng bá trên các mạng xã hội, nhằm hủy hoại và đầu độc môi trường văn hóa, gây hoang mang, dao động, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền.

Ngày nay, văn hóa được xem là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm” Việt Nam. Để văn hóa phát triển xứng tầm với tiềm năng, truyền thống hào hùng của lịch sử dân tộc, thực hành tốt dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, pháp chế trong lĩnh vực văn hóa là một trong những điều kiện rất quan trọng để phát huy sức sáng tạo vô tận trong nhân dân, góp phần phát triển bền vững đất nước./.

----------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232
(2) Chính phủ: Báo cáo tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2,3,4,5,7,8 Quốc hội khóa XIV, (Báo cáo số 216/BC-CP, ngày 14-5-2020), tr. 137
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 70-71.

Theo TS. NGUYỄN HUY PHÒNG/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều