Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả

Thực hiện làm theo Di chúc của Bác Hồ trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, mọi suy nghĩ và hành động. Nửa thế kỷ Bác đi xa, nhưng với mỗi chúng ta những nội dung trong Di chúc của Người vẫn mãi mãi là kim chỉ nam cho dân tộc Việt Nam.
 

Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958)

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc bất hủ. Những suy nghĩ tâm huyết, sâu xa của Người; những điều Bác căn dặn trong Di chúc vẫn là những vấn đề căn cốt, luôn mang tính thời sự đối với Đảng ta, nhân dân ta trong suốt 50 năm qua và mãi tới mai sau.

Khắc ghi lời dạy của Bác: "Dù khó khăn, gian khổ đến mấy nhân dân ta nhất định sẽ toàn thắng", tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy truyền thống quê hương “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, tính năng động, sáng tạo của vùng đất và con người xứ Quảng, Đảng bộ và nhân dân cả tỉnh đã phấn đấu đạt được những thành tích rất đáng tự hào trong hơn 22 năm tái lập tỉnh. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Đến cuối năm 2018, quy mô kinh tế của tỉnh cao nhất Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng cao, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng, cao hơn mức bình quân cả nước (58,5 triệu đồng /người), gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh.

Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến cuối năm 2018, thu ngân sách đã đạt trên 23 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.

Nghiêm túc quán triệt, học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam đã chứng minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, có tính đột phá trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ra đời đặt ra những yêu cầu mới với tính thiết thực, giúp mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện làm theo Di chúc một cách hiệu quả nhất. Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Nam đã tập trung xác định nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn những vấn đề đột phá, bức xúc của nhân dân; lựa chọn những vấn đề còn hạn chế liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, tác phong, lề lối làm việc, đoàn kết nội bộ, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên... để tập trung giải quyết và đã đạt những kết quả nhất định.

Thứ nhất, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá, cấp bách, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng suất, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, tính minh bạch và thái độ phục vụ nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản và rút ngắn thời gian về thủ tục cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch với các cơ quan trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai rà soát thủ tục hành chính và thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đặc biệt, Trung tâm Hành chính công tỉnh được thành lập, đi vào hoạt động từ đầu tháng 1/2017 được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, 18/18 huyện, thị xã, thành phố và 213/244 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”.

Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chế độ công vụ, công chức, làm thay đổi nhận thức cán bộ, công chức, viên chức từ "nền hành chính quản lý" sang "nền hành chính phục vụ", từ việc xem doanh nghiệp là "đối tượng quản lý" sang là "đối tượng phục vụ". Nhờ đó, trong 3 năm qua, chỉ số PCI của Quảng Nam thuộc tốp 10/63 tỉnh, thành phố.

Thứ hai, xác định công tác giảm nghèo là nnhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 05-NQTU về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây của tỉnh, đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả với tinh thần “Quảng Nam chung tay với người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để thực hiện, tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 là 6.450,542 tỷ đồng. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 9%, sau 3 năm thực hiện, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,49%, tiệm cận với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước là 5,35%. Đã thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng với tổng cộng 25.365/29.432 nhà với tổng kinh phí gần 642 tỷ đồng; toàn tỉnh hiện có 15.080 mẹ Việt Nam Anh hùng, 792 mẹ còn sống và được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng.

Thứ ba, xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, vấn đề bức xúc của cả hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 14/4/2017 "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021", tập trung, quyết liệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức hoàn thành việc kiểm tra, rà soát lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng đối với 62 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2016, 2017 tại 21 cơ quan, đơn vị, địa phương; tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và MTTQVN các cấp đã tăng cường công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác đối thoại với công dân, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người; rà soát, xử lý dứt điểm các đơn thư tồn đọng, xử lý kết luận sau thanh tra. Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh vào ngày 15 hằng tháng và tổ chức tiếp công dân đột xuất khi cần thiết để tiếp thu và giải quyết, xử lý các vấn đề bức xúc, nguyện vọng của nhân dân.

Trong triển khai thực hiên Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành kế hoạch số 139-KH/TU, thành lập Ban Chỉ đạo 809 và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt công tác kiện toàn, sắp xếp biên chế, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Việc tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị được hiệu quả: Khối chính quyền tinh giản được 3.087 biên chế (trong đó có 265 biên chế công chức), khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tinh giản được 95 biên chế.

Thứ tư, xác định những vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và bảo vệ môi trường là vấn đề gây bức xúc, nổi cộm nên tỉnh Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 09-NQ/TU về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020: Theo đó, tỉnh đã tập trung chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản trái phép. Việc quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản bảo đảm nguyên tắc, bảo vệ được môi trường, cảnh quan, di tích, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên khác.

Trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tỉnh ban hành quy định sử dụng đất đến năm 2020, tăng cường quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, hiện trạng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là tại vùng Đông Nam tỉnh. Đồng thời rà soát, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, các sai phạm tại các dự án quy hoạch sử dụng đất đai gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua.

Thứ năm, tỉnh Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy và biên chế; rà soát, sắp xếp giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp. Trong 3 năm, Tỉnh ủy đã ban hành 02 nghị quyết về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy; 4 quy định khung và nhiều văn bản hướng dẫn về các khâu trong công cán bộ từ tiếp nhận, quy hoạch, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ theo phân cấp quản lý; rà soát, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, mỗi cấp, ngành, đơn vị đều tổ chức những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, địa phương; các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã đi vào từng lĩnh vực của cuộc sống. Nhiều phong trao thi đua có ý nghĩa thiết thực như: “Cả nước chúng tay xây dựng nông thôn mới”, Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”; “Vì sức khỏe người cao tuổi”; “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” và các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.

Từ các phong trào thi đua rộng khắp, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực. Nhiều mô hình hay, cách làm mới, những việc làm thiện nguyện được các tổ chức, các nhân thực hiện thực sự mang lại hiệu quả thiết thực và tạo hiệu hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Điển hình như: Đảng bộ Thị trấn Đông Phú với việc xây dựng hệ thống cơ quan văn minh, duy trì làm việc ngày thứ 7 để tiếp công dân, xây dựng tuyến phố văn minh văn hóa; Đảng bộ xã Trà Tân huyện Bắc Trà My triển khai mô hình “Dân vận khéo” bằng hình thức mỗi đồng chí thành viên khối đảng, dân vận, mặt trận, đoàn thể tiết kiệm 10.000đ/tuần để nuôi heo đất xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải,Trường mẫu giáo Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh nhận đưa đón các cháu nhỏ không nơi nương tựa đi học hằng ngày. Anh Nguyễn Hoàng Thọ, Pho Giám đốc phụ trách Trung tâm văn hóa thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Nam Trà My đã âm thầm vận động, quyên góp giúp đỡ các gia đình, những người có hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống… và nhiều tấm gương khác nữa xứng đáng là “những bông hoa đẹp trong vườn Bác”.

Những việc làm thiết thực, hiệu quả, màn tính đột phá nêu trên là tiền đề để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; là sự phát huy truyền thống anh hùng, bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để chung sức xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu mạnh; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Theo Trương Thị Đan Thanh/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều