Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là người dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta được hình thành một cách tự nhiên, phát triển theo từng thời kỳ với những hình thức rất đa dạng, tuỳ thuộc vào đặc điểm văn hoá của từng dân tộc, từng nhóm dân tộc cụ thể nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế cuộc sống trong nội bộ cộng đồng. Phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là người dân tộc thiểu số trong công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số mà họ là đại diện sẽ góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nước ta là quốc gia đa dân tộc gồm 53 dân tộc, các dân tộc sinh sống chủ yếu ở 52 tỉnh, 468 huyện, 5.266 xã, hầu hết địa bàn sinh sống chủ yếu ở những vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau trong tiến trình phát triển,  mỗi dân tộc thiểu số đều xuất hiện những cá nhân tiêu biểu mà uy tín, trí tuệ và sức ảnh hưởng của họ đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một gia đình, một dòng họ và lan toả mạnh mẽ đến toàn thể cộng đồng, xã hội xung quanh. Những cá nhân tiêu biểu được cộng đồng nơi họ sinh sống suy tôn; tiếng nói và hành động của họ đóng vai trò như là người đại diện, có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hoá ứng xử của cả cộng đồng đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Trong xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, do yêu cầu tự quản rất cao nên từng cộng đồng dân tộc cũng hình thành những tập tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được mọi người tự giác chấp hành, ở từng dân tộc, từng nhóm dân tộc đã suy cử ra những người am hiểu luật tục của cộng đồng để điều hành những hoạt động của cộng đồng. Những người này là các già làng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; các trưởng bản, trưởng các dòng họ ở đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc... Họ đóng vai trò như là người "nhạc trưởng" trong dàn nhạc giao hưởng, thực hiện mối giao tiếp hữu hình giữa con người với con người trong cộng đồng. Đây là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng. Họ có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều gương điển hình là người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, những người không chỉ biết làm giàu cho chính bản thân mình và gia đình mình, mà còn giúp bà con trong bản làng mình thoát khỏi cái đói cái nghèo, tiến đến làm giàu chính đáng; có những người rất năng nổ trong công tác xã hội, giành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cả cộng đồng, được cộng đồng tin yêu, mến phục, suy tôn. Đây cũng là lớp người tiêu biểu mới được cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống coi trọng, là tấm gương cho mọi người học hỏi, noi theo. Riêng đối với đồng bào dân tộc Chăm, đồng bào Khmer Nam Bộ, người có uy tín, tiêu biểu được cộng đồng kính phục là những vị chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành. Tiếng nói của họ có ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng.                                           

Trải qua 9 kỳ Đại hội từ ngày thành lập đến nay, nhận thức được vị trí, vai trò của cá nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số, Mặt trận đã hiệp thương được số lượng các cá nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở ngày một tăng và mở rộng hơn với đủ 53 dân tộc thiểu số tham gia. Cấu tạo các cá nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là xuất phát từ tính chất và từ chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà nét nổi bật là tính liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các thành viên, tổ chức và các cá nhân tiêu biểu mang tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc và tính xã hội đa dạng, là yêu cầu quan trọng của việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Vận dụng những quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để xác định các tiêu chuẩn lựa chọn các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp một cách phù hợp với từng đối tượng cá nhân tiêu biểu, từng nhiệm kỳ Đại hội và mỗi cấp Mặt trận. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung của người cán bộ, đối với các cá nhân tiêu biểu, Mặt trận các cấp đã coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện, tính thiết thực, uy tín, ảnh hưởng xã hội, tác dụng lôi cuốn đối với cộng đồng mà họ là người đại diện nhiệt tình tâm huyết với công tác Mặt trận.

Cụ thể trong nhiệm kỳ Đại hội Mặt trận các cấp (2014-2019) là 87.551 vị (trong đó, cá nhân là người dân tộc thiểu số tham gia Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 102 vị; Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh là 986 vị; Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp huyện là 8.145 vị; Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp xã là 86.463 vị). Để phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, Ban Thường trực Mặt trận các cấp đã chú trọng quan tâm bồi dưỡng và phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban là người dân tộc thiểu số để thực hiện tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giữa các kỳ Đại hội. Điển hình trong việc triển khai thực hiện công tác dân tộc trong hệ thống Mặt trận là thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hướng dẫn số 25 của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Kết luận 01 của Đoàn Chủ tịch “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”.

Trong thời gian từ năm 2015-2020, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Ban Thường trực Mặt trận các tỉnh, thành phố vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống triển khai thực hiện công tác dân tộc trên cơ sở lồng ghép triển khai các nhiệm vụ thực hiện theo Kết luận 01 của Đoàn Chủ tịch phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc thiểu số, chú trọng công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban là người dân tộc thiểu số thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động trong tất cả các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Để phát huy vai trò của các thành viên cá nhân, Ban Thường trực Mặt trận các cấp ở một số tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mời một số vị Ủy viên Ủy ban là người dân tộc thiểu số có kinh nghiệm tham gia các Hội đồng tư vấn ở cấp tỉnh, Ban Tư vấn ở cấp huyện và Tổ tư vấn ở cấp xã; tham gia các hội nghị phản biện, tham gia thành viên các đoàn giám sát và thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng… nên đã phát huy được vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban các cấp là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động của Mặt trận vẫn còn một số hạn chế như chất lượng các phiên họp Ủy viên Ủy ban chưa cao; công tác bồi dưỡng, phổ biến, nâng cao kiến thức vận động, tuyên truyền cho các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp chưa thường xuyên; chưa giao nhiệm vụ cụ thể hàng năm cho từng vị Ủy viên Ủy ban; chưa coi trọng và phát huy được trách nhiệm và nghĩa vụ của các vị Ủy viên Ủy ban trong công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc để tổng hợp ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền…

 Để tiếp tục phát huy vai trò của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp là người dân tộc thiểu số trong công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số mà họ là đại diện, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống Mặt trận các cấp cần chú trọng một số yêu cầu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để phát huy năng lực của các vị Ủy viên Ủy ban là người dân tộc thiểu số trên cơ sở thực hiện những nhiệm vụ sau: Các tài liệu của hội nghị cần gửi ít nhất trước nửa tháng đến các Ủy viên Ủy ban, kèm theo chương trình Hội nghị, đề cương gợi ý thảo luận của từng tài liệu, để nghiên cứu trước và chuẩn bị ý kiến thảo luận (gắn với tình hình địa phương, cơ sở và tổ chức nơi từng Ủy viên sinh sống và làm việc). Mỗi phiên họp thường kỳ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều ra kỷ yếu, tập hợp những văn bản chính thức đã được sửa chữa sau khi thảo luận những bài phát biểu quan trọng. Kỷ yếu được gửi đến các Ủy viên Ủy ban sau khi kết thúc hội nghị không quá 2 tháng. Mỗi kỳ họp cần bố trí thời gian để các uỷ viên thảo luận kỹ những văn bản đã gửi để tập hợp được nhiều trí tuệ của mọi người. Phát huy dân chủ, bình đẳng, khuyến khích thảo luận thẳng thắn, chân thành; tôn trọng mọi ý kiến khác nhau, không phân biệt đa số hay thiểu số, đồng tình hay phản đối. Mọi ý kiến phát biểu trực tiếp hoặc bằng văn bản đều được tổng hợp xử lý và thông báo lại kết quả xử lý cho người đề xuất. Những phiên họp bất thường sẽ thông báo trước nội dung và những vấn đề cần thảo luận đến từng Ủy viên Ủy ban để chuẩn bị ý kiến tham luận, khi cần thiết, Ban Thường trực Mặt trận các cấp tổ chức hội nghị có thể mời họp theo từng lĩnh vực để nắm tình hình và trao đổi ý kiến dân chủ, khách quan.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch phổ biến, nâng cao nhận thức đối với các vị cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc gắn với việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận chuyên trách, nội dung bồi dưỡng phải coi trọng năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp vận động, tuyên truyền; phương thức bồi dưỡng phải đa dạng thích hợp với từng đối tượng cá nhân tiêu biểu ở mỗi cấp, đảm bảo cung cấp thông tin hai chiều trên cơ sở gắn lý luận với thực tiễn để đáp ứng hiệu quả được việc bồi dưỡng có chất lượng cao.

Ba là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên cung cấp các thông tin cần thiết về hoạt động của Mặt trận cho các vị Ủy viên Ủy ban như: Các kế hoạch triển khai các phong trào, các cuộc vận động và kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, các đề cương tuyên truyền, các kỷ yếu hội nghị, hội thảo; các báo cáo hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và báo cáo tổng kết năm… để cá nhân tiêu biểu tiếp cận được những hoạt động của Mặt trận từng cấp để có những tư vấn, hiến kế hiệu quả cho Ban Thường trực Mặt trận ở mỗi cấp.

Bốn là, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phân công giao nhiệm vụ cho một số cá nhân tiêu biểu tham dự một số cuộc hội nghị, hội thảo để họ có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, tham gia giám sát, phản biện xã hội và những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực về công tác dân tộc. Đồng thời, các cá nhân tiêu biểu thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình để gương mẫu, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở mỗi cấp và từ thực tiễn tư vấn hiệu quả cho công tác Mặt trận ở mỗi cấp.

Năm là, hàng năm Mặt trận Tổ quốc từng cấp phải có trách nhiệm yêu cầu các cá nhân tiêu biểu báo cáo hoạt động của mình tham gia công tác Mặt trận (mỗi năm có ít nhất 2 lần báo cáo bằng văn bản gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp mình tham gia về kết quả hoạt động trong việc thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong năm). Đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và các tầng lớp Nhân dân để tập hợp, phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Sáu là, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, cùng cán bộ chuyên trách tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng với từng cá nhân tiêu biểu như: gửi thư chúc mừng, thăm hỏi, tặng quà nhân những ngày lễ, tết, sinh nhật hoặc lúc họ ốm đau. Giữ mối liên hệ thường xuyên với các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; nắm chắc từng cá nhân tiêu biểu về hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe và tâm tư nguyện vọng của từng người. Động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, nhất là những cá nhân tiêu biểu có những sáng kiến, đóng góp tích cực trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo.

Vũ Đăng Minh

ThS, Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều