Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới

(Mặt trận) - Quá trình công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế đặt ra hàng loạt vấn đề về đô thị hoá, về môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống, lao động, nghề nghiệp, sức khoẻ, tới sự công bằng xã hội… Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định của đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, nhiệm kỳ 2019-2024, sáng 21/12. 

Tiếp tục đổi mới phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động

Phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên không chỉ là phương thức hoạt động mà là nguyên tắc làm việc cơ bản, là nhiệm vụ của Mặt trận. Phối hợp và thống nhất hành động được tiến hành từ Trung ương đến cơ sở trên những lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, như: tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, thực hiện quyền giám sát hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước theo quy định của pháp luật, phát động các cuộc vận động toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cải thiện đời sống nhân dân.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp cần thực hiện tốt vai trò chủ trì và thống nhất hành động giữa các thành viên theo chương trình chung mang tính đặc thù của Mặt trận, liên quan đến các tầng lớp nhân dân, hoạt động trên phạm vi cả nước. Mặt trận không làm những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên để tránh sự chồng lấn nhiệm vụ, lại bỏ chức năng, nhiệm vụ chính của mình. Vai trò chủ trì của Uỷ ban Mặt trận phải xây dựng thành kế hoạch (5 năm, hàng năm) để tránh sự bị động của các tổ chức thành viên. Một trong những nguyên tắc của phối hợp và thống nhất hành động là Mặt trận phải tôn trọng tính độc lập của các tổ chức thành viên trong Mặt trận (Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Quan hệ này diễn ra trong quá trình phối hợp thực hiện chương trình hành động đã được Đại hội đại biểu Mặt trận nhất trí thông qua. Đồng thời, phối hợp thực hiện chương trình do các tổ chức thành viên đề ra mà Mặt trận cam kết ủng hộ và dõi theo khích lệ. Mối quan hệ hỗ trợ qua lại diễn ra qua nhiều nội dung phong phú, linh hoạt khiến cho sức mạnh khối đại đoàn kết được nâng lên không ngừng, hướng vào mục tiêu chung và góp sức xây dựng từng thành viên vững mạnh.

Tiếp tục đổi mới phương thức quan hệ giữa Mặt trận với Đảng

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận"1. Mặt trận vừa tiếp nhận từ Đảng sự lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết, vừa tiếp nhận những gợi ý để Mặt trận thảo luận theo tinh thần giám sát và phản biện, nêu chính kiến, trình bày những sáng kiến, nguyện vọng từ đại biểu và nhân dân. Đảng tôn trọng tính tự nguyện xã hội, tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tích cực, sáng tạo và lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, hiệu quả của công tác Mặt trận, kết quả đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc có quan hệ mật thiết với sự đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.

Nhiều nghị quyết của Đảng đã khẳng định: Đảng tôn trọng tính tự nguyện xã hội, tính tự chủ và tự quản của các tổ chức quần chúng do dân trực tiếp lập ra; chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng không lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể bằng những hình thức và phương pháp giống như lãnh đạo chính quyền. Đảng cũng không lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc giống như lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Đảng áp dụng những hình thức, phương pháp thích hợp trong quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện tốt cùng một lúc vai trò đặc biệt - vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Để lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải ở trong Mặt trận và là một tổ chức thành viên của Mặt trận. Đảng tham gia Mặt trận một cách bình đẳng và có nghĩa vụ như mọi thành viên khác, nhưng là thành viên hoạt động tích cực nhất, gương mẫu nhất. Cấp uỷ Đảng phải giáo dục, vận động đảng viên gương mẫu thực hiện chương trình hành động chung của Mặt trận đã được các thành viên thoả thuận.

Tiếp tục đổi mới phương thức quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước

Mặt trận và Nhà nước đều là thành viên của hệ thống chính trị. Tuy chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt động của Mặt trận và Nhà nước khác nhau, nhưng đều là công cụ để nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sự phối hợp giữa Mặt trận và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật là một tất yếu, là xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi tổ chức, của Mặt trận và của cả Nhà nước.

Phối hợp với Nhà nước là một phương thức hoạt động quan trọng của Mặt trận, vì những nhiệm vụ trong chương trình công tác của Mặt trận có được thực hiện tốt hay không là tuỳ thuộc vào việc Mặt trận phối hợp có hiệu quả với Nhà nước và chỉ khi nào Mặt trận thực hiện tốt sự phối hợp với Nhà nước thì lúc đó Mặt trận mới phát huy được chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Sự phối hợp với Mặt trận còn là nhu cầu tự thân của các cơ quan nhà nước. Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhà nước có dựa vào Mặt trận thì mới phát huy đầy đủ quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của toàn dân, đó cũng chính là sức mạnh của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý của mình.

Sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc kết hợp các biện pháp quản lý của Nhà nước với phong trào hành động của nhân dân, thu hút sự tham gia tự giác và trực tiếp của nhân dân làm cho kỷ cương phép nước và ý nguyện lòng dân gặp nhau, làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được mở rộng, đi đến thống nhất ý Đảng, lòng dân, phép nước.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động trong hệ thống tổ chức bộ máy của Mặt trận

Mặt trận có bộ máy hoàn chỉnh 4 cấp và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư là cánh tay nối dài làm cho công tác Mặt trận đến với từng cơ sở, từng gia đình. Quan hệ từ Trung ương cho tới Ban Công tác Mặt trận là quan hệ hướng dẫn thực hiện nội dung nghị quyết, chương trình hoặc nghiệp vụ; tạo dựng sự liên kết hành động thống nhất, nhịp nhàng giữa các địa phương, giữa các vùng miền, giữa các tầng lớp nhân dân. Mặt trận không có chỉ tiêu “pháp lệnh” chỉ có chỉ tiêu hướng dẫn, nhưng nhờ tính tự giác, tự nguyện của đội ngũ cán bộ tận tâm tận lực, nhờ tinh thần thi đua, động viên khích lệ mà kết quả thường vượt trội.

Quan hệ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới thực hiện chủ trương, chương trình hành động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên, thực hiện chế độ báo cáo và kiến nghị với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên về các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trao đổi kinh nghiệm, phối hợp và giúp đỡ nhau trong hoạt động.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trong việc thông báo tình hình; phản ánh tình hình; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động; phối hợp và tổ chức các phong trào hành động có tính toàn dân trong cả nước hoặc từng địa phương. Thực hiện tốt mối quan hệ này sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống Mặt trận.

Trong hoạt động của mình, Mặt trận luôn hướng về từng đối tượng và có nội dung phương thức vận động cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện. Mặt trận cổ vũ phương pháp hội ý, trao đổi, bàn bạc cởi mở, chân thành, dân chủ; đối thoại, giải trình cặn kẽ, có lý có tình. Cán bộ Mặt trận các cấp phải luôn tránh xa thói hách dịch, quan liêu; quán triệt và thể hiện phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân, “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Để xứng đáng là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận phải sâu sát, lắng nghe, thấu hiểu những điều mà người dân đang băn khoăn, lo âu, bức xúc…; có bản lĩnh nói lên tiếng nói trung thực của nhân dân: “Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại”2.

Mặt trận Tổ quốc cần trực tiếp đi sát các tầng lớp nhân dân, góp phần khơi dậy ý thức làm chủ của từng người dân, lắng nghe và tập hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước. Việc tập hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân cần đổi mới theo hướng lắng nghe trực tiếp ý kiến của mọi lớp người thông qua đối thoại trực tiếp và các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức, lắng nghe những ý kiến còn khác nhau. Điều quan trọng là Mặt trận dám phản ánh với Đảng và Nhà nước những ý kiến đó một cách trung thực, khách quan. Đó là những hoạt động thiết thực để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần làm trong sạch Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực xã hội khác. Đây là yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân đang gửi gắm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để tiếp tục đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới, cần chỉ rõ nguyên nhân của việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kết quả tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn một số mặt hạn chế. Làm được điều đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giành được sự ủng hộ của nhân dân, hoạt động của Mặt trận sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Lê Mậu Nhiệm

TS, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Khoản 4 Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr. 246.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr. 311.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thông báo số 160-TB/TW, ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị, Thông báo Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kết luận của Bộ Chính trị Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Số 62- KL/TW, ngày 8/12/2009.

3. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011).

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều