Tỉnh Đắk Lắk chủ động thúc đẩy liên kết vùng và kết nối kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về liên kết vùng và kết nối kinh tế, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực tham gia nhiều chương trình hợp tác, liên kết mang tính chất nội vùng và liên vùng, đồng thời chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối kinh tế trong và ngoài nước, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của vùng Tây Nguyên.
 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019 tại thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 10-3-2019_Ảnh: TTXVN

Một số kết quả đạt được thời gian qua

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 13.125,37km2, dân số hơn 1,9 triệu người. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, nơi giao nhau giữa quốc lộ 14 với quốc lộ 26 và quốc lộ 27, nối Buôn Ma Thuột với các thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Pleiku (tỉnh Gia Lai), kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đắk Lắk có 73,4km đường biên giới tiếp giáp với Cam-pu-chia, là tỉnh nằm trong Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam và được xác định là một cực phát triển của khu vực này. Đó là những điều kiện để Đắk Lắk mở rộng cơ hội kết nối kinh tế và hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Về liên kết vùng và kết nối kinh tế trong nước:

Trong hơn mười năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tham gia ký kết và thực hiện nhiều chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và vùng lân cận, như Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk (ký kết năm 2009); Chương trình liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hòa - Bình Thuận - Ninh Thuận - Đắk Lắk - Phú Yên (ký kết năm 2012); Chương trình hợp tác phát triển giữa năm tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên (ký kết năm 2014); Hợp tác phát triển du lịch Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk (ký kết năm 2016). Qua triển khai thực hiện, một số nội dung, chương trình hợp tác đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, xúc tiến thương mại, đầu tư...

Về kết nối giao thông, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã thống nhất đề xuất với Trung ương đầu tư hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng thúc đẩy phát triển của vùng Tây Nguyên, tăng cường giao thương của các tỉnh trong khu vực với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực du lịch, các bên liên kết chặt chẽ để thực hiện các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, bản sắc du lịch của mỗi địa phương; liên kết xây dựng các tua (tour), tuyến du lịch kết nối các tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh tham gia ký kết phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp và hỗ trợ thông tin kịp thời nhằm kiểm soát và ngăn chặn lây lan dịch bệnh trên diện rộng; phối hợp thực hiện thành công nhiều chương trình hợp tác về đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin về kỹ thuật thực hiện các thủ thuật trong khám, chữa bệnh.

Trong xúc tiến đầu tư - thương mại, thông qua thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết, đã thu hút được đáng kể vốn đầu tư từ các nhà đầu tư ngoài tỉnh trong các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng khu đô thị, các siêu thị, trung tâm thương mại; bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường để tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Về kết nối kinh tế và hợp tác quốc tế:

Là một tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk đã tham gia ký kết nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với một số tỉnh của Cam-pu-chia và các tỉnh nam Lào. Thông qua hợp tác, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp, giúp đỡ các tỉnh bạn trong khảo sát và xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết. Các chương trình ngoại giao văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu thể thao thường xuyên được các bên tổ chức. Hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường nước; phòng, chống xâm nhập biên giới, bảo đảm an ninh - quốc phòng; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển cũng được các bên quan tâm triển khai. Về hợp tác đầu tư, một số doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư vào ba dự án nông nghiệp trong lĩnh vực trồng cao su tại Lào và một dự án tại Cam-pu-chia, thông qua đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương của vùng dự án. Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước đã cùng đề xuất và được Chính phủ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối và phát triển du lịch.

Để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Đắk Lắk cũng chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác, kết nối với các nước ngoài khu vực. Tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gieo-la-búc (Hàn Quốc) đã ký Bản thỏa thuận về quan hệ hợp tác (tháng 8-2017); thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Gôn-bơn (Ô-xtrây-li-a) đã ký kết thỏa thuận về thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai thành phố (tháng 11-2019)... Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tham gia nhiều chương trình quảng bá địa phương ở các nước Anh, Đức, Mỹ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Niu Di-lân và Hàn Quốc.

Thông qua các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, tỉnh Đắk Lắk đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và danh mục các lĩnh vực cần thu hút đầu tư của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, giáo dục, năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, mở rộng quan hệ thương mại, thị trường xuất khẩu hàng hóa các sản phẩm chủ lực; học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp quản lý hiện đại; chuyển giao khoa học và công nghệ.

Trong mười năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được bảy dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký là 46,35 triệu USD trong các lĩnh vực chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, xử lý môi trường, giáo dục - đào tạo; thu hút được hơn 27 triệu USD hỗ trợ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và an sinh xã hội từ các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thực tế cho thấy việc liên kết vùng và kết nối kinh tế của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định, như một số chương trình hợp tác mới chỉ dừng lại ở văn bản ký kết; chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của các tỉnh tham gia liên kết và chưa thực sự là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương cũng như khu vực; nhiều nội dung hợp tác được triển khai chưa bám sát định hướng và chương trình đề ra; việc thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế của tỉnh chưa nhiều; chưa phát huy được vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ liên kết vùng và kết nối kinh tế... làm cho hiệu quả của các hoạt động liên kết, hợp tác chưa được như kỳ vọng.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là các đơn vị tham gia liên kết chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của liên kết vùng dẫn đến chưa tích cực triển khai thực hiện các nội dung đã ký kết; việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều hạn chế; cơ chế hoạt động của liên kết vùng thiếu cơ sở pháp lý; cơ chế điều phối trong liên kết vùng chưa xác định cụ thể, nhất là vai trò của đơn vị đầu mối và trách nhiệm cho từng địa phương; các chương trình liên kết, hợp tác chưa được tổng kết, đánh giá kịp thời.

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu thúc đẩy liên kết vùng và kết nối kinh tế của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được đặt ra mạnh mẽ, quyết liệt. Quyết định số 286-QĐ/TTg, ngày 9-3-2018, của Thủ tướng Chính phủ, về Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chỉ rõ: Cần phát triển kinh tế Đắk Lắk theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trên cơ sở liên kết phát huy hiệu quả tổng hợp vùng Tây Nguyên, tham gia và nâng dần vai trò của tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế của tỉnh đối với vùng Tây Nguyên, Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam và cả nước. Xác định liên kết hợp tác phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương trong nước và khu vực là một trong các giải pháp quan trọng nhằm thực hiện Quy hoạch, Quyết định số 286-QĐ/TTg yêu cầu: Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các địa phương; đẩy mạnh hợp tác phát triển với các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Duyên hải miền Trung, với các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam.

 

Đoàn voi tham gia diễu hành trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, tháng 3-2019_Ảnh: TTXVN

 Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16-12-2019, của Bộ Chính trị, về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” cũng khẳng định: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên, Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam.

Với các kết quả đạt được và những hạn chế trong thời gian qua về liên kết vùng, kết nối kinh tế; nhằm thực hiện quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ Quyết định số 286/QĐ-TTg và Kết luận số 67-KL/TW; trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chủ động thúc đẩy liên kết vùng và kết nối kinh tế, phát triển theo hướng liên kết mở, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Thúc đẩy liên kết vùng và kết nối kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh, là cơ sở để phát huy cao nhất nội lực, huy động tốt các nguồn lực bên ngoài; tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, ngành kinh tế mũi nhọn nhằm góp phần phát triển kinh tế, kết hợp với giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Những nhiệm vụ cần thực hiện

Về liên kết vùng, tỉnh xác định tập trung thực hiện liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam.

Về kết nối kinh tế: trong nước, tỉnh tập trung kết nối kinh tế với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Thủ đô Hà Nội trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh có lợi thế, nhất là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; xúc tiến thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, chế biến nông sản...; phát triển các lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch thông qua các hoạt động thúc đẩy, quảng bá du lịch, cung cấp các sản phẩm du lịch đặc trưng của Đắk Lắk. Đối với kết nối kinh tế quốc tế, tỉnh ưu tiên kết nối kinh tế trong tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển giao khoa học - công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút FDI.

Để thực hiện hiệu quả các liên kết vùng và kết nối kinh tế, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk chủ động thực hiện các giải pháp chủ yếu:

Một là, triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ quy hoạch không gian, lãnh thổ gắn với quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; chú trọng tính phù hợp giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch vùng và Quy hoạch quốc gia.

Hai là, xác định liên kết vùng và kết nối kinh tế là một động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và triển khai có hiệu quả nội dung liên kết vùng và kết nối kinh tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh dựa trên tiềm năng và lợi thế.

 

Các điểm du lịch văn hóa, sinh thái hướng về thiên nhiên, cộng đồng luôn thu hút đông đảo du khách khi đến với tỉnh Đắk Lắk (Trong ảnh: Đua thuyền thúng trong lòng hồ Khu du lịch cộng đồng Ko Tam, thành Buôn Ma Thuột)_Ảnh: TTXVN

Ba là, tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, như phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió tại Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng; khu công nghiệp Phú Xuân, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Ea Nhái, Dự án đường Đông - Tây, hồ thủy lợi Ea Tam, hồ Ea Kao, đường vành đai phía Đông, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái Cà-phê Suối Xanh, sân gôn hồ Ea Kao,... gắn với đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh (thác Dray Nur, thác Thủy Tiên, thác Krông Kmar, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Khu căn cứ kháng chiến H9, H5...), góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

Bốn là, cùng với các tỉnh đã ký kết các chương trình hợp tác, liên kết kinh tế kịp thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; rà soát, hoàn thiện quy chế, cơ chế phối hợp, nội dung trong liên kết vùng và kết nối kinh tế; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho nội dung hợp tác nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả trong thực tế đối với từng địa phương và cả vùng.

Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế nhằm thu hút FDI; hỗ trợ chuyển giao khoa học - công nghệ, thiết bị tiên tiến; mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

Năm là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn đầu tư, du lịch, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật... bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, đạo đức tốt. Xây dựng chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao về làm việc tại địa phương, nghiên cứu thực hiện cơ chế thuê, hợp tác, tư vấn đối với chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ cao phục vụ cho phát triển của tỉnh; đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh sự chủ động của địa phương, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Trung ương quan tâm một số nội dung:

Thứ nhất, sớm hoàn thành Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, trong đó xác định lợi thế so sánh của từng vùng, xác định nội dung then chốt trong liên kết vùng, phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng. Đây là các căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai lập và thực hiện Quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với định hướng phát triển của quốc gia và của vùng.

Thứ hai, nghiên cứu, ban hành các quy định pháp lý làm cơ sở để xây dựng và thực hiện liên kết vùng đạt hiệu quả; đồng thời, ban hành các chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho các vùng, các tỉnh còn khó khăn, nhất là các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên có điều kiện thúc đẩy liên kết vùng và kết nối kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và rút ngắn khoảng cách phát triển so với các vùng, các tỉnh khác trong cả nước.

Thứ ba, do điều kiện ngân sách của tỉnh Đắk Lắk còn hạn chế, kiến nghị với Trung ương cần quan tâm đầu tư các công trình thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa Đắk Lắk với các địa phương khác trong vùng, như xây dựng đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa; nâng cấp mở rộng quốc lộ 27, quốc lộ 29; xây dựng trục đường sắt Tây Nguyên qua địa bàn tỉnh (Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Bình Phước và tuyến nhánh Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa); phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế; đầu tư kết cấu hạ tầng cửa khẩu Đắk Ruê để giúp cho tỉnh đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối kinh tế với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước nhằm sớm khẳng định vị thế của tỉnh Đắk Lắk đối với vùng Tây Nguyên, Khu vực Tam giác phát triển và cả nước.

Theo TS. BÙI VĂN CƯỜNG/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều