Toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp đã và đang chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch. Cùng với đó, các nguồn lực ủng hộ được Mặt trận phân bổ kịp thời tới Quỹ vaccine và các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 27/5 vừa qua.
Lời kêu gọi, lời hiệu triệu toàn dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch

Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7 nêu rõ: Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Lời kêu gọi đã chạm đến trái tim của mỗi người, là lời hiệu triệu toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung sức, đồng lòng, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.

Tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức vào ngày 27/5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, thời điểm này, đất nước rất cần sự chủ động chung tay góp sức của mỗi người dân. Những lúc khó khăn nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện khí chất, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “bầu ơi, thương lấy bí cùng”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; cùng hành động và có trách nhiệm vì đất nước, vì nhân dân.

  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cám ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch
Với trách nhiệm và vai trò của mình, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, người nước ngoài đang làm việc, sinh sống ở Việt Nam nêu cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với cộng đồng, chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, ngành y tế và của địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục chung tay góp sức, ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Các nguồn lực huy động được sẽ tập trung hỗ trợ kinh phí mua vắc - xin, máy thở và trang thiết bị y tế; hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng; động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, hoa cảm ơn Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại Lễ ra mắt “Quỹ vaccine phòng chống Covid-19”. Ảnh: Quang Vinh 
Ngay sau Lễ phát động đợt cao điểm ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, tại Lễ ra mắt “Quỹ vaccine phòng chống Covid-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp.

Phân bổ kịp thời nguồn lực ủng hộ tới Nhân dân

Tại trụ sở cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như cơ quan Mặt trận 63 tỉnh, thành phố trong cả nước những ngày sau đó đã được đón nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến ủng hộ phòng, chống dịch. Thông điệp của lòng yêu thương đã lan tỏa mạnh mẽ; thật xúc động khi được tiếp đón, tiếp nhận rất nhiều sự ủng hộ dù ít, dù nhiều từ tấm lòng của các cụ, các bác lớn tuổi đến các cháu thiếu nhi ủng hộ số tiền tiết kiệm của mình cho công tác phòng, chống dịch; từ những người có điều kiện kinh tế hay đang còn khó khăn; của các tổ chức tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân; từ các thầy cô giáo, chiến sỹ công an, quân đội đến các cầu thủ, nghệ sỹ và rất nhiều những cô bác, anh chị với nhiều nghĩa cử cao đẹp.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận số tiền ủng hộ từ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể  
Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 30/7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương lên tới trên 6.854 tỷ đồng. Trong đó, số tiền ủng hộ qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lên tới trên 783 tỷ đồng, qua Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố lên tới trên 6.071 tỷ đồng.

Từ số tiền tiếp nhận được, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời phân bổ tới Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 số tiền 1.036 tỷ đồng; phân bổ hỗ trợ mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid- 19, hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những người gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trong đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam phân bổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid -19 tới Nhân dân tỉnh Nghệ An số tiền 7 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Hậu Giang số tiền 7 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc số tiền 5 tỷ đống; Nhân dân tỉnh Bắc Giang số tiền 16,050 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Bắc Ninh số tiền 11 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Hải Dương số tiền 500 triệu đồng; Nhân dân tỉnh Đắk Lắk số tiền 1 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Đắk Nông số tiền 1 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Thái Bình 300 triệu đồng; Nhân dân tỉnh Điện Biên số tiền 5 tỷ đồng; Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 23 tỷ đồng; Nhân dân tỉnh Bình Dương số tiền 6 tỷ đồng.

  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao hỗ trợ số tiền 23 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 2/8 vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân bổ 1,7 triệu suất ăn trị giá bằng tiền là 51 tỷ đồng tiếp sức cho 17 tỉnh, thành phố có tên sau: Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Những suất ăn này sẽ được các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội mà không thuộc diện hưởng chính sách đã có.

Ngày 4/8, tại buổi gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã trao số tiền 8,547 tỷ đồng từ nguồn vận động phòng, chống dịch Covid-19 do UBTƯ MTTQ Việt Nam vận động, tiếp nhận để hỗ trợ cho gần 3.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế của 22 bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh phía Nam để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Trao số tiền hỗ trợ tới đội ngũ những người nơi tuyến đầu chống dịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, tận mắt chứng kiến những chiến sỹ quân đội, công an, các nhà báo, các đội tình nguyện viên, thiện nguyện làm việc quên mình vì nhiệm vụ, đặc biệt là các y, bác sỹ, cán bộ y tế khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít, trong thời tiết nắng nóng cao độ. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những bữa cơm hộp, cơm phần ăn vội ngay ở phòng trực trong bệnh viện dã chiến; những làn da khô sạm do mất nước, có người đã bước đi loạng choạng do làm việc quá sức. Nhưng tất cả đều không rời trận tuyến bởi một điều giản dị: các anh, các chị là lương y, niềm tin cậy của người bệnh; sự níu kéo cuối cùng của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

“Phía sau nhiều đồng chí là cha mẹ già yếu, vợ, chồng, con và những người thân trong gia đình đang phải cách ly, giãn cách xã hội với không ít khó khăn trong đời sống. Nhưng tất cả đều sẵn sàng lên đường, không chỉ là chấp hành quyết định của cấp trên mà còn là mệnh lệnh của trái tim, lương tâm của người Thầy thuốc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.

 UBTƯ MTTQ Việt Nam phân bổ số tiền ủng hộ tới 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh
Cùng với số tiền này, đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân bổ hỗ trợ tới các bệnh viện, cơ sở y tế với tổng số tiền lên tới trên 31,814 tỷ đồng. Các bệnh viện UBTƯ MTTQ Việt Nam phân bổ hỗ trợ gồm: Bệnh viện K Trung ương số tiền 2 tỷ đồng; Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội số tiền 2 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Xanh- Pôn số tiền 2 tỷ đồng; Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương số tiền 2 tỷ đồng; Bệnh viện E số tiền 1 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội số tiền 2 tỷ đồng; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương số tiền trên 1,7 tỷ đồng; Bệnh viện Phụ sản Trung ương số tiền 1 tỷ đồng; Bệnh viện Nhi Trung ương số tiền 5,5 tỷ đồng; Trung tâm Huyết học và Truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai số tiền 1 tỷ đồng; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 số tiền 3 tỷ đồng.

Sức mạnh của tình đồng chí, nghĩa đồng bào hướng về miền Nam thân yêu

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, những mệnh lệnh như thời chiến được ban hành liên tục và cụ thể sẽ giúp cho chính quyền từng địa phương tiếp tục vững tâm đối diện với thực tế dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Và trong khó khăn đó, lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp ở nhiều nơi.

Và sự lan tỏa ấy đã và đang được thể hiện mạnh mẽ khi thành phố Hồ Chí Minh trải qua khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Song song với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ trong phòng, chống dịch, mỗi cán bộ Mặt trận các cấp lại vào cuộc để huy động đồng bào cả nước hướng về nơi thân thương ấy bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của mình.

 1.765 tấn hàng hóa, được nhân dân Thanh Hóa đóng gói cẩn thận để chuyển tới nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Trong đó phải kể đến sự vào cuộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khi phát động tuần lễ "Hướng về thành phố mang tên Bác" và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân. Mỗi người một tay, góp ít thành nhiều. Từ ngày 17/7 đến ngày 23/7, Thanh Hóa đã vận động và tập hợp hơn 1.765 tấn hàng hóa, được đóng gói cẩn thận để chuyển tới Nhân dân Thành phố.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng phát động “Tuần lễ vì Thành phố mang tên Bác”, tuần lễ đã thực sự chạm đến trái tim của mỗi người và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, lan tỏa mạnh mẽ đến khắp các vùng quê xứ Nghệ, bất chấp những khó khăn mà đại dịch đang gây ra. Chỉ sau ít ngày kêu gọi, đã có hơn 351 tấn hàng các loại gửi vào miền Nam thân yêu, trong đó có rất nhiều tấn hàng củ quả, lương thực mà bà con đã gom góp ủng hộ. Và ngày 21/7, 15 container chở hơn 292 tấn hàng hóa của nhân dân Nghệ An đã đến với bà con thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cũng gửi tới thành phố Hồ Chí Minh trên 12,8 tấn mặt hàng thiết yếu và mang bản sắc địa phương; tỉnh Quảng Nam cũng gửi tới thành phố Hồ Chí Minh 428 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm; với chương trình “Nghĩa tình Quảng Trị” chung tay cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đẩy lùi Covid-19 với tổng số tiền ủng hộ hơn 2 tỷ đồng và hơn 850 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm....

  Toàn bộ số hàng hóa và hiện vật nhân dân cả nước gửi về đã được cán bộ Mặt trận trong toàn thành phố Hồ Chí Minh gửi tới tận tay người dân một cách nhanh nhất, kịp thời nhất
Có thể khẳng định, từ sự vào cuộc của Mặt trận các cấp, hình ảnh những người chị miền Bắc, những người mẹ miền Trung thức thâu đêm cùng xóm làng gói bánh trưng, rang lạc làm muối vừng, bớt gói tép khô trong bếp, quả bí đỏ vườn nhà hay lên rừng kiếm những khóm măng tươi gửi vào trong đó. Và ai cũng rưng rưng khi ngắm hình ảnh bà mẹ câm đơn thân người dân tộc thiểu số ở miền núi rừng Quảng Trị không ngần ngại trút nửa bao gạo còn lại của mẹ con chị như san bớt khó khăn cho những mảnh đời đang gặp gian khó trong kia…Rồi đến những "siêu thị 0 đồng", những suất cơm miễn phí, những quầy tạp hóa "ai cần thì lấy" và cả thông điệp giản dị “Nếu khó khăn hãy lấy đi một phần, nếu bạn ổn hãy nhường người khác” lại có sức lan tỏa rất lớn, để từ đó, hàng nghìn tấn gạo, hàng triệu tấn nông sản, thực phẩm đã được huy động nhằm san sẻ khó khăn với người nghèo.

Nhìn vào những tấm lòng, hành động sẻ chia dọc theo mảnh đất hình chữ S cho chúng ta thấy rằng tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần sẻ chia là liều thuốc tinh thần hết sức cần thiết cũng như đã kịp thời góp phần cứu giúp được nhiều gia đình. Những nỗ lực để nhanh chóng đưa tiền, lương thực, thực phẩm tới hỗ trợ những người dân nghèo, yếu thế đang từng ngày trông cậy là điều mà mỗi người cán bộ Mặt trận thấy cần làm và làm ngay khi mà nhiều con người vì hoàn cảnh không thể rời thành phố trước nguy cơ khốn đốn thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt.

 Thiết bị y tế cũng được chuyển kịp thời tới những nơi điều trị bệnh nhân 
Từ những tấm lòng hướng về thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam thương yêu đó, tính từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 4/8/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 300 nghìn tấn hàng hóa, nông sản, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cùng các thiết bị hỗ trợ phòng hộ Covid-19 từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với tổng số liền lên tới gần 174 tỷ đồng nhằm tiếp sức cùng thành phố vượt qua khó khăn của đại dịch.

Tiếp nhận tấm lòng của nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu bày tỏ, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin ghi nhận, trân quý tất cả mọi sự đóng góp hỗ trợ dành cho Thành phố từ vật chất đến tinh thần. Những lời động viên thăm hỏi, những món quà đầy ắp nghĩa tình của các địa phương là động lực to lớn  giúp Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tinh thần hướng về thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam thân yêu đó lại một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tại buổi gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào chiều ngày 4/8 vừa qua: Hiện nay, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng rất cần và rất cấp bách, Hà Nội cũng đang giãn cách triệt để theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bảo vệ an toàn cho Thủ đô cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng với Đảng bộ, chính quyền thành phố, ngành y tế và cả hệ thống chính trị. Nhưng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam còn cần hơn, cấp bách hơn.

 "Tôi mong muốn và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tỉnh, thành phía Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid - 19 và phải chiến thắng cho bằng được như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 
Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho nhân dân. Đặc biệt cần kêu gọi các tầng lớp nhân dân tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau và ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Tôi mong muốn và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tỉnh, thành phía Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường. Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid - 19 và phải chiến thắng cho bằng được như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

6 nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận các cấp trong thời gian tới

Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy lùi đại dịch. Trong đó:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: thực hiện thông điệp “5K + vắc-xin”, các quy định về cách ly, giãn cách xã hội; đề cao tinh thần tự quản, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan.

2. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động thiêt thực, phù hợp với từng địa phương như: quyên góp ủng hộ kinh phí, vật tư, thiết bị y tế, hàng hóa thiết  yếu; tham gia các tổ Covid cộng đồng và chốt kiểm dịch Covid khi có yêu cầu; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở nơi cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, khuyến khich, động viên các tổ, nhóm thiện nguyện hoạt động theo hướng dẫn của chính quyền…(ngày 2/8/2021, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đã phân bổ 1,7 triệu suất ăn trị giá bằng tiền là 51 tỷ đồng cho các tỉnh phía Nam hỗ trợ người dân)

3. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; có hình thức phù hợp biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có công lao đóng góp chung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

4. Phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ thiết lập "đường dây nóng" đặt tại cơ quan Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp để tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp về phòng, chống dịch bệnh, y tế, an ninh trật tự, đời sống nhân dân, để chủ động giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người gặp khó khăn do dịch bệnh.

5. Về phân bổ, sử dụng kinh phí vận động quyên góp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch; ưu tiên hỗ trợ lương thực, thực phẩm hoặc suất ăn, nhu yếu phẩm cho những người đang gặp khó khăn, người chưa thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

6. Những nội dung cấp thiết, vượt khả năng và thẩm quyền của Mặt trận Tổ quốc, cần báo cáo ngay với cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương xem xét chỉ đạo giải quyết; tuyệt đối không được để trường hợp nào quá khó khăn mà không được trợ giúp.

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều