Truyền thông chính sách cần thực hiện “từ sớm, từ xa”

Các chuyên gia pháp luật và lĩnh vực truyền thông cho rằng, việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ cho truyền thông dự thảo chính sách còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Quang cảnh các đại biểu tham dự cuộc hội thảo.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại cuộc hội thảo bàn về giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào chiều nay 31/5, do Bộ Tư pháp tổ chức.

Truyền thông chính sách tác động lớn đến xã hội

Vụ trưởng Phổ biến, Giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc, Vụ phó Phổ biến, Giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Phổ biến, Giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, đề ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện.

Trong đó, nhóm giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách pháp luật. Một năm trôi qua, 8 nhóm giải pháp đã được triển khai thực hiện, với vai trò chủ trì của Bộ Tư pháp, đã gặt hái được những kết quả, thành công nhất định; nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Phó Vụ trưởng Phổ biến, Giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên cho biết, tại nhiều diễn đàn, cuộc họp quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn coi trọng công tác truyền thông chính sách, pháp luật với phương châm truyền thông phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch để người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định.

Quyết định số 407/QĐ-TTg được coi là một trong những “cú hích”, giải pháp quan trọng, cấp bách để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước

Thực tế vừa qua, theo báo cáo của Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật, hiện nay có thực tế là hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bộ đã bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với các chính sách cần truyền thông, chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực của ngành, đồng thời phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

Ngoài ra, theo ông, bộ còn quan tâm huy động sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số.

TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp phát biểu.

Cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động huy động nguồn lực

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Duy Lãm cho rằng, việc huy động nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách về cơ bản vẫn phải từ ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra còn có thể huy động các nguồn từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hỗ trợ công tác truyền thông chính sách.

Ông cho biết, tùy từng nội dung chính sách để huy động nguồn lực hỗ trợ truyền thông chính sách từ các chủ thể phù hợp. Bộ nào chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thì bộ đó phải chịu trách nhiệm huy động nguồn lực hỗ trợ truyền thông chính sách.

Các chuyên gia, cán bộ truyền thông và đại diện một số cơ quan báo chí tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp tăng cường huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách.

Giải pháp quan trọng được đề cập là phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách.

Các đại biểu cũng cho rằng cần khuyến khích, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia tích cực, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.

Các chuyên gia pháp luật, truyền thông và báo chí cũng nhấn mạnh, cần mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tham gia, đổi mới phương pháp tiếp nhận, xử lý, phân tích, chắt lọc thông tin về ý kiến tham gia của người dân, các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, cầu thị trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến tham gia của người dân trong xây dựng chính sách.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đa dạng hóa các cách thức, biện pháp thực hiện truyền thông dự thảo chính sách gắn với huy động nguồn lực xã hội tham gia, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là các kênh thông tin đa phương tiện.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều