Tuyên truyền lưu động - cầu nối của Đảng với nhân dân

Với phương thức hoạt động là tiếp xúc trực tiếp với người dân, đội tuyên truyền lưu động các cấp thực sự là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
 

(Ảnh minh họa: Báo Phú Yên)

VAI TRÒ CỦA TUYÊN TRUYỀN LƯU ĐỘNG

Các đội thông tin lưu động cấp tỉnh, cấp huyện là công cụ thông tin, tuyên truyền, cổ động của cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh (thành phố) và huyện (quận). Đội có chức năng xây dựng kế hoạch hoạt động hằng tháng, hằng quý và năm để thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động trên địa bàn theo kế hoạch và phục vụ các nhiệm vụ chính trị đột xuất, cấp bách, các phong trào, các cuộc vận động lớn ở địa phương và đất nước.

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, lần đầu tiên, đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (Hà Nội) đã tổ chức diễn thuyết ở chợ Nhổn, gây ảnh hưởng lớn trong nhân dân, quần chúng nhân dân tự động biến thành cuộc mít tinh đồng thanh hưởng ứng, hô vang khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật - Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”(1). Sau đó, đội mở rộng hoạt động thường xuyên trong các xí nghiệp, trên đường phố và ngoại ô, có biểu ngữ và truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ và gia nhập Việt minh để đánh Pháp đuổi Nhật.

Đến năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời điểm quyết liệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo việc thành lập Tổng cục Thông tin để đẩy mạnh công tác thông tin cổ động.

Sau năm 1975, lực lượng thông tin cơ sở và thông tin lưu động tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền khôi phục đất nước sau chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng phát triển với sức chuyển tải thông tin lớn, tốc độ nhanh, diện phủ sóng rộng khắp, nhưng ở các tỉnh, thành phố, quận, huyện trên cả nước, hoạt động của đội tuyên truyền lưu động vẫn rất cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Về thông tin cổ động bằng tin tức, các đội viên phải viết các loại tin như tin ngắn, tin sâu, tin tường thuật, tin tổng hợp và tin người tốt, việc tốt. Các bản tin được viết có thể sử dụng ở các buổi hoạt động của đội, phát trên các bản tin ở đài phát thanh, truyền thanh của các đài phát thanh của tỉnh, huyện, xã hoặc dán trên trạm tin, bảng tin, gửi các cơ quan thông tin đại chúng.

Về thông tin cổ động bằng lời nói trực tiếp, là dùng lời nói tác động trực tiếp đến đối tượng ở cơ sở thông qua các hoạt động của đội như: thông báo các văn bản của Đảng, Nhà nước; tin tức ở cơ sở, giải thích các điều mục của chính sách, pháp luật liên quan đến từng cộng đồng, gia đình, cá nhân ở cở sở; kể chuyện các điển hình, vụ việc, vấn đề… Yêu cầu của hình thức này là phải nói tập trung vào một chủ đề, một vấn đề trong phạm vi nhất định, không lan mam, dàn trải. Phải chuẩn bị kỹ càng nội dung trình bày và hiểu kỹ đối tượng người nghe (mục đích nghe, số lượng người nghe, những vấn đề liên quan bức thiết đến đời sống của họ). Phải tìm hiểu phong tục địa phương, tâm lý, thói quen của người dân nơi đây. Chuẩn bị các tài liệu minh họa sinh động, cụ thể, chính xác, dễ hiểu; chọn địa điểm thích ứng, thuận tiện cho mọi đối tượng. Chủ động, khiêm tốn trong mọi tình huống. Giọng nói truyền cảm, cử chỉ thân thiện, đúng mực.

Về thông tin cổ động bằng các hình thức trực quan thông qua các khẩu hiệu, tranh cổ động, tranh hiếm họa, triển lãm nhỏ, xe hoa và xe loa phóng thanh.

Về thông tin cổ động bằng các hình thức văn nghệ, sử dụng các loại hình văn nghệ để tuyên truyền như tấu, hát (dân ca, hát mới, hát chèo, hát ví dặm…); ngâm thơ, ca dao, hò, vè, múa, hoạt cảnh; trích đoạn tuồng, chèo, cải lương, kịch ngắn, tạp kỹ (xiếc, ảo thuật…). Đặc biệt, cần triệt để sử dụng và phát huy ưu thế của các làn điệu dân ca, dân vũ, các làn điệu, tiết mục âm nhạc ở địa phương; nghiên cứu phổ lời có nội dung tuyên truyền phù hợp.

Hình thức cổ động tổng hợp là sự kết hợp nhuần nhuyễn các hình thức thông tin tuyên truyền - cổ động trong một chương trình với tên gọi là câu chuyện thông tin. Câu chuyện thông tin là sự phản ánh thực tế tình hình các lĩnh vực khác nhau ở địa phương, được sáng tác, biên tập, trình diễn, lấy việc hỏi - đáp, đối thoại giữa các nhân vật là chính; kết hợp với các hình thức trực quan, tiết mục văn nghệ một cách hợp lý, sinh động, nhằm truyền tải các nội dung thông tin tuyên truyền, cổ động một cách chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, có lý, có tình, có sức thuyết phục nhưng rất nhẹ nhàng, gần gũi.

Nội dung tuyên truyền của đội thông tin lưu động bao gồm: chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chính sách dân tộc và tôn giáo; phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; an toàn giao thông; chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống ma túy; bảo vệ môi trường; chủ quyền biển, đảo...

Các hoạt động tuyên truyền lưu động không chỉ góp phần cổ vũ trực tiếp các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của địa phương mà còn phê phán các hiện tượng tiêu cực trên địa bàn, đồng thời phối hợp được nhiều hoạt động của các thành viên ở cơ sở tham gia, vừa thu hút đông đảo người dân đến xem, vừa đạt được mục đích của công tác tuyên truyền.

Công tác thông tin tuyên truyền cổ động do tác động trực tiếp tới quần chúng, không những phản ánh các hành động tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân các dân tộc trong quá trình thực hiện từng công việc cụ thể, trong đời sống hằng ngày. Đây là cơ sở thực tiễn để cấp ủy, chính quyền đề ra mục tiêu điều chỉnh tiến độ, chỉ đạo biện pháp thực hiện nhiệm vụ thích hợp.

Thực tế cho thấy, đội tuyên truyền lưu động có sức lôi cuốn rất lớn với quần chúng nhân dân và đạt được hiệu quả nhất định. Phương châm hoạt động của đội là đúng và hay; trong đó, lấy đúng làm đầu, hay thì cố gắng. Hằng năm, các đội tuyên truyền lưu động từ tỉnh đến cấp huyện, thị, thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể sát với nhiệm vụ yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mình. Ngoài ra, căn cứ vào từng nhiệm vụ chính trị cụ thể của tỉnh, của đất nước, các đội thông tin cổ động còn chủ động phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền tuyên truyền các sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh bằng tuyên truyền miệng, cổ động trực quan để mọi người dân được biết và thực hiện. Đội tuyên truyền lưu động các cấp thực sự là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Với phương thức hoạt động là tiếp xúc trực tiếp với người dân, các đội viên vừa truyền tin tức từ cấp trên tới cơ sở, vừa phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ chung để chính quyền, quần chúng tại cơ sở theo dõi và kiểm chứng thực tế ở địa bàn, vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng và các ý kiến đóng góp của nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ ở từng thời điểm, từng địa bàn và hoàn cảnh cụ thể. Đội có trách nhiệm phản ánh, báo cáo với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan để kịp thời có sự điều chỉnh, giải pháp, hướng dẫn dư luận và định hướng hoạt động của quần chúng theo hướng tích cực.

YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỘI TUYÊN TRUYỀN LƯU ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, mô hình của đội tuyên truyền lưu động hiện nay cần được tổ chức theo phương châm “3 gọn”.

Thứ nhất, gọn về biên chế, tổ chức. Mỗi đội gồm 5-7 người, mỗi người giỏi một việc, biết nhiều việc như biên tập viết tin, kể chuyện, giải thích, kẻ vẽ, sử dụng nhạc cụ, trang âm, ca hát, trình diễn…

Thứ hai, gọn về trang thiết bị biểu diễn. Tất cả những trang thiết bị biểu diễn như trang âm, nhạc cụ, máy phát điện, bộ triển lãm… cần đảm bảo tính “cơ động”, gọn gàng trên vai người đội viên lội suối, trèo đèo đến từng làng, bản, hoặc theo xe lưu động đến với mọi địa bàn.

Thứ ba, gọn về chương trình. Chương trình hoạt động của đội tập trung thông tin, tuyên truyền, cổ vũ cho một nhiệm vụ chính trị được giao. Vì vậy, chương trình tập trung cho một chủ đề, có thời gian từ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ.

Để hoạt động đội tuyên truyền lưu động ở cơ sở đạt hiệu quả, các hình thức hoạt động của đội phải đáp ứng những yêu cầu: Đúng - Trúng - Hay - Tiết kiệm - Hiệu quả.

Đúng, là nội dung thông tin, tuyên truyền, cổ động đúng với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đúng với các quy định, pháp luật của Nhà nước; đúng với yêu cầu và sự chỉ đạo hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương; đúng với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đúng với yêu cầu và quy định khoa học kỹ thuật; đúng với hoàn cảnh cụ thể của đồng bào ở từng địa bàn, cơ sở.

Trúng, nội dung thông tin để tuyên truyền, cổ động đề cập trúng vấn đề mà nhân dân quan tâm; giải quyết trúng vấn đề tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của dân, có lý có tình; nêu trúng giải pháp, được thuyết minh bằng những lý lẽ có giá trị, được đưa ra trúng thời điểm để định hướng suy nghĩ hành động của quần chúng.

Hay, hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn, có lý lẽ sắc bén, có sức truyền cảm mạnh mẽ làm cho người nghe, người xem dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Tiết kiệm, mọi chi phí để xây dựng một chương trình hoạt động ở bất kỳ hình thức nào đều ở mức thấp nhất; xây dựng chương trình kịp thời nhất; huy động được lực lượng xã hội tham gia, hỗ trợ cả về tri thức, nhân lực và tài chính.

Hiệu quả, là công cụ tuyên truyền, cổ động trực tiếp của Đảng và chính quyền tới dân, phản ánh trung thực tình hình tư tưởng và mọi hoạt động trong cuộc sống của nhân dân để các cấp có sự chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế, nhân dân hưởng ứng thực hiện sôi nổi.

Có thể khẳng định, hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động của đội tuyên truyền lưu động luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng. Bởi lẽ, đây là công cụ chỉ đạo thông tin tuyên truyền vận động trực tiếp của Đảng, chính quyền tới quần chúng nhân dân ở cơ sở, góp phần để nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh nhất định. Xây dựng đội tuyên truyền cổ động từ tỉnh xuống cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, đội cũng có thể tổ chức cho nhân dân sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng, tạo điều kiện cho người dân không chỉ hưởng thụ giá trị văn hóa mà còn truyền bá những giá trị văn hóa mà họ sáng tạo ra.

____________________________

(1) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2012, t.1 (1926-1945), tr.262.

Theo PGS. TS. Hoàng Quốc Bảo/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều