Ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong phát triển Chính phủ điện tử trên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp

(Mặt trận) - Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ đã có Nghị quyết 36a do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/10/2015. Tính đến quý II/2017, việc thực hiện những nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các Bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành.

Cụ thể, có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng chính quyền điện tử. Theo đó các tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tại Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử đã ứng dụng hiệu quả các tính năng của truyền thông đa phương tiện (TTĐPT) trong việc truyền thông đến người dân, doanh nghiệp.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 4 cấp độ

Một trong những nội dung quan trọng mà Cổng Thông tin Đồng Tháp thực hiện đạt hiệu quả là cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 4 cấp độ (1,2,3,4) theo hướng “đơn giản hóa”, “hướng đến sự tiện ích cho tổ chức và cá nhân”. Năm 2017, Cổng Thông tin đã triển khai thực hiện thí điểm sản phẩm TTĐPT đối với 3 thủ tục hành chính được người dân quan tâm và thực hiện nhiều nhất là cấp đổi giấy phép lái xe¸ cấp phiếu lý lịch tư pháp - Trường hợp cá nhân uỷ quyền và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Cổng Thông tin đã tiến hành thực hiện thí điểm về đồ họa chuyển động đối với các thủ tục hành chính này.

Hình 1: Đồ họa chuyển động về cấp lý lịch tư pháp

Với cách làm này, người dân sẽ rất thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, bởi qua đồ họa, người dân vừa được nghe hướng dẫn bằng âm thanh và nhìn các thao tác bằng hình ảnh như được thị phạm thực tế v.v..

Cập nhật nội dung văn bản, hoạt động điều hành, ý kiến trả lời của chính quyền

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp đăng tải gần như tất cả những quyết định, văn bản… mà lãnh đạo UBND tỉnh đã ký trong ngày. Cuối giờ chiều người dân, doanh nghiệp đã đọc được các thông tin đó. Thực hiện phương châm chuyển dần từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp cái độc giả cần”, “chủ động cung cấp thông tin và cung cấp thông tin theo địa chỉ”, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã chính thức phát hành Bản tin hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh hằng ngày (từ tháng 9/2015), Bản tin tuần (từ tháng 5/2015) và Bản tin tháng (từ tháng 4/2017) gửi các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã, cơ quan báo chí và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thông qua hệ thống thư điện tử đến trên 1.000 địa chỉ e-mail và đăng tải đồng thời lên Cổng Thông tin điện từ qua Bản tin tổng hợp của trang chính (www.dongthap.gov.vn), facebook (https://www.facebook.com/cttdongthap) phục vụ độc giả.

­Văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và có ấn định thời gian cụ thể đối với các ý kiến thắc mắc, các kiến nghị của người dân và các nội dung liên quan được đăng công khai lên Cổng Thông tin để người dân nắm, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện. Hằng tháng, Cổng Thông tin công bố tổng hợp kết quả xử lý. Hầu hết ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đều được giải quyết, trả lời trước và đúng hạn; đối với trường hợp trễ hạn, người đứng đầu chính quyền tỉnh phê bình và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nhờ đó, những ý kiến của người dân được giải quyết đến nơi đến chốn.

Để tạo sự hấp dẫn về hình thức chuyển tải, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đối với công chúng, các sản phẩm đa phương tiện trên Cổng thông tin Đồng Tháp thường được kết hợp đa dạng các yếu tố như chữ viết, hình ảnh tĩnh, âm thanh, đồ họa, video. Ví dụ, sử dụng biểu đồ minh họa cho các số liệu về tăng trưởng kinh tế: so sánh thứ hạng, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số "Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh" (PAPI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) v.v…; hoặc sử dụng 4 yếu tố  chữ viết, hình ảnh tĩnh, âm thanh, đồ họa chuyển động khi đưa tin về Homestay – Bước phát triển mới cho du lịch Đồng Tháp, đăng ngày 11/10/2016.

Hình 2: Sản phẩm đa phương tiện  Homestay – Bước phát triển mới cho du lịch Đồng Tháp

Hiệu quả truyền thông cho người dân và doanh nghiệp

Tính đến nay, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp đã có trên 10 năm hoạt động, nhưng trong 2 năm gần đây, từ khi triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm TTĐPT, chất lượng của tác phẩm, sản phẩm làm ra ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của công chúng. Đến nay, tổng số lượt truy cập Cổng Thông tin điện tử tỉnh đạt gần 19 triệu. Dựa theo phân tích của Google Analytic - từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2017, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp thu hút gần 380.000 người dùng, tăng gần 120.000 người dùng; với số phiên là 1.545.000, tăng 321.562; có gần 4.385.000 lượt xem trang (pageview), tăng gần 262.000 lượt xem trang so với cùng kỳ năm trước. Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp đứng đầu các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ngoại trừ thành phố Cần Thơ). Nếu so với Cổng Thông tin điện tử cấp tỉnh đứng sau liền kề là An Giang thì Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp cao hơn 353 hạng. So với Cổng Thông tin đứng cuối bảng của khu vực là Trà Vinh, thì Đồng Tháp cao hơn 5.396 bậc (thời điểm so sánh là ngày 22/10/2017). Qua khảo sát cho thấy, công chúng đánh giá về chất lượng sản phẩm TTĐPT trên Cổng Thông tin điện tử đạt loại tốt chiếm 33,5%; loại khá 54,4%%; loại trung bình 11,2%; loại kém không đáng kể (0,9%).

Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp đã có mặt trên mạng xã hội thông qua fanpage (đạt trên 20.000 lượt thích), youtube (đạt gần 18.000 lượt xem), zalo. Vì vậy, thông tin nói chung, sản phẩm TTĐPT nói riêng khi được chia sẻ trên mạng xã hội đều được cộng đồng mạng hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, có những sản phẩm thu hút hàng trăm ngàn lượt like.

Từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2017, thông qua nhiều kênh tương tác, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp nhận 663 ý kiến, tất cả đều được tiếp thu, xem xét, trả lời đầy đủ và nghiêm túc. Nếu như thời điểm tháng 6/2015 đến tháng 6/2016, qua trang chính Cổng Thông tin, email của Ban Biên tập và đường bưu chính, Cổng Thông tin tiếp nhận 138 ý kiến của độc giả; 36 ý kiến của báo, đài trong và ngoài tỉnh thì giai đoạn tháng 6/2016 đến tháng 6/2017, ý kiến của độc giả Cổng (gửi qua trang chính, facebook, email, đường bưu chính) là 392 (tăng gần 140 ý kiến so với cùng kỳ năm trước) và ý kiến của báo, đài trong và ngoài tỉnh là 97 (tăng gần 61 ý kiến so với cùng kỳ năm trước).

Những số liệu đó phần nào cho thấy hiệu quả bước đầu trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử đến cho người dân và doanh nghiệp tại Đồng Tháp. Sản phẩm truyền thông đa phương tiện bởi vậy cần được chú trọng đầu tư, đổi mới, đáp ứng nhu cầu và điều kiện tiếp nhận của công chúng trong thời đại công nghệ số hiện nay.

TS. Lê Thu Hà

 Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguyễn Công Minh

Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều