Ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, con người đạt được những thành tựu mang tính đột phá trên các mặt của đời sống xã hội. Nhưng cũng chính thời điểm này, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn về suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6/2017. Ảnh: Thành Trung

Biến đổi khí hậu trái đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu, gồm: khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định, tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biến đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thế xuất hiện trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đôi khi còn được coi là sự nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân thứ nhất của sự nóng lên toàn cầu là do ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên, như: phát thải khí mêtan từ Bắc cực và các vùng đất ẩm ướt, núi lửa... tuy nhiên nguyên nhân này chỉ là một phần rất nhỏ. Nguyên nhân thứ hai, là do các hoạt động của con người gây ra. Rõ rệt nhất là sự ô nhiễm do con người tạo ra: Một là, đốt các nguyên liệu hóa thạch (than, dầu). Khi các nhiên liệu hóa thạch này được đốt sẽ thải carbon dioxide - đây là một loại khí nhà kính làm giữ nhiệt trong khi quyển của Trái đất. Hai là, quá trình khai thác mỏ khiến khí mêtan bên trong lớp vỏ trái đất thoát vào bầu khí quyển và bổ sung vào các khí nhà kính khác. Nguyên nhân thứ ba quan trọng nhất đó là dân số, dân số càng đông, nhu cầu thực phẩm, điện, vận tải càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, nguyên liệu hóa thạch được tiêu thụ ngày càng nhiều dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Báo cáo lần thứ 5 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) về “Triển vọng môi trường toàn cầu” (GEO-5), đã cảnh báo các hệ thống môi trường của Trái đất đang bị đẩy tới giới hạn vật lý và sinh học cao nhất. Biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của tầng ô-zôn, các nguồn hải sản giảm mạnh và sự tuyệt chủng của hàng loạt động vật là những đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất. Môi trường toàn cầu đã ở thời điểm bước ngoặt nguy hiểm.

Đồng thời, cũng theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/5/2014 cho biết, phần lớn trong số 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia trên thế giới đang trong tình trạng vượt quá mức độ cho phép về độ ô nhiễm; chỉ có 12% dân số được sống trong bầu không khí đạt các tiêu chuẩn quy định của WHO, số còn lại phải sống ở những nơi có không khí ô nhiễm nặng nề, khiến họ thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và các trọng bệnh khác.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động lên đời sống của con người, đó là: bão lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên, các vùng khí hậu cũng như các mùa trong năm thay đổi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp. Ở Việt Nam, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hiện tượng thiên nhiên bất thường, điển hình là lũ quét xảy ra tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, 60 hộ đã bị lũ cuốn sạch nhà cửa, hàng trăm hộ khác bị sập nhà, 7 cây cầu bị lũ cuốn trôi, có hàng chục người chết. Trong năm 2008 thời tiết nước ta cũng đã có những biến đổi bất thường. Đầu năm 2008, các tỉnh miền Bắc đã bị 40 ngày rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đồng thời, chúng ta cũng đã chứng kiến những biến đổi bất thường của thời tiết qua đợt mưa lớn trái mùa từ ngày 30/10 đến 1/11/2008. Riêng tại Thủ đô Hà Nội lượng mưa lên đến 500mm đã gây ra cảnh lụt trầm trọng, gây thiệt hại cả người và tài sản của nhân dân...

Tác động của biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thiên tai khó lường, gây thiệt hại nặng nề về người và sản xuất nông, lâm, thủy sản. Chỉ tính riêng năm 2016, thiên tai, bão, lũ, lụt đã gây thiệt hại lớn: làm 253 người chết và mất tích; 377 người bị thương; gần 5,15 nghìn ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 381,7 nghìn ngôi nhà bị ngập, tốc mái; 520,4 nghìn ha lúa, 148,5 nghìn ha hoa màu và 387,945 ha cây công nghiệp, ăn quả, cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 75,3 nghìn con gia súc, 1.746,3 nghìn gia cầm bị chết... Tổng thiệt hại ước tính là 38.981 tỷ đồng (Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV). Các chuyên gia môi trường quốc tế cũng đã cảnh báo, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong và thiệt hại bình quân hàng năm là 1,9 tỷ đôla Mỹ - tương đương với 1,3% GDP. Trên thực tế, những nhận định, dự đoán này đã trở thành những vấn đề hiện thực của tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đến Việt Nam. Đặc biệt, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế, chiếm 1/3 GDP của cả nước. Theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Tác động mạnh nhất đến thành phố là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Tình trạng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn, nước biển dâng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân Thành phố. Trên một km2, Thành phố Hồ Chí Minh  có số dân, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông gấp 17 lần bình quân cả nước. Đây thực sự là những thách thức rất lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho Thành phố nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

Trước những diễn biến nguy hiểm của biến đổi khí hậu các quốc gia trên thế giới đã cùng nhau ngồi lại bàn giải pháp tích cực để ứng phó. Việt Nam cũng là một trong những nước rất tích cực trong việc tham gia Công ước Biến đổi khí hậu và đã ký phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào ngày 16/11/1994; nước ta cũng đã chính thức ký Nghị định thư Kyôtô vào tháng 11/1998. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những văn bản quan trọng mang tính định hướng, như: Chỉ thị số 36/CT-TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị 36 nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nội dung Nghị quyết đã nêu rõ: Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và mỗi người với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Ngày 2/12/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Ngày 21/1/2009, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Chỉ thị 29 đã đánh giá công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm 2004 - 2009; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, bảo đảm phát triển bền vững của đất nước.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014:… Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (Điều 4).

Mới đây nhất là Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đã xác định:

…Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân…

...Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường.

Chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định trách nhiệm, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong hệ thống quản lý hành chính 4 cấp của nước ta, xã phường là cấp cơ sở có nhiệm vụ quản lý, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, xã phường vẫn chưa phải là cấp gần dân nhất, tổ chức gần và trực tiếp nhất với dân là khu dân cư. Khu dân cư không phải là một cấp chính quyền nhưng là một địa bàn hết sức quan trọng, ngoài sự quản lý của Nhà nước còn có các hoạt động tự quản, tự điều hành của nhân dân thông qua các tổ chức xã hội và cá nhân, và có vai trò của 110.000 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Trong nhiều năm qua, nội dung bảo vệ môi trường đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lồng ghép trong các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì. Nội dung tuyên truyền của Ban Công tác Mặt trận đã bám sát định hướng của Đảng và những quy định của Nhà nước được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường (như Điều 34: Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, Điều 52: Bảo vệ môi trường nơi công cộng, Điều 53: Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, Điều 54: Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường...). Ngoài những vấn đề môi trường nói chung, những nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu cũng được tuyên truyền rất cụ thể, thiết thực với người dân, như: tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống của con người; khuyến khích người dân tiêu dùng các sản phẩm tái chế từ chất thải, sản phẩm hữu cơ, bao gói dễ phân huỷ trong tự nhiên (hạn chế sử dụng bao, túi ni lông), khuyến khích tiêu dùng sản phẩm được cấp nhãn sinh thái và sản phẩm thân thiện với môi trường; vận động người dân tự giác hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính; sử dụng tiết kiệm điện, nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt; khuyến khích nhân dân sử dụng những nguồn nhiêu liệu sạch thân thiện với môi trường, như: đun nấu bằng khí biôga, hạn chế đốt rơm, rạ...; đã phối hợp vận động nhân dân giữ gìn và tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn; không phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép; tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây xanh tại nơi ở và các khu đô thị, thành phố góp phần điều hoà khí hậu và hạn chế sự gia tăng các khí nhà kính.

Trong thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường Ban Công tác Mặt trận đã thể hiện vai trò chủ trì phối hợp hành động giữa các tổ chức thành viên, gắn với đối tượng đặc thù, như: phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân,… Do đó việc vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, bám sát theo yêu cầu thực tiễn. Một số phong trào đã được Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai đạt kết quả tốt, như:

Hội Phụ nữ: có cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2009 với 8 tiêu chí, đó là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp, tuyến đường phụ nữ tự quản, “Nói không với túi nilong khi đi chợ”, phụ nữ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Hội Phụ nữ đã xây dựng được nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, như: mô hình “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh”, mô hình “Bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường”, mô hình “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải” được tổ chức có hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước, mô hình “Hầm Biogas” ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Tháp, Cần Thơ… mô hình “Nhà tiêu sinh thái” ở các tỉnh Quảng Trị, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… mô hình “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng”. Đây là tên một công trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì. Sau 5 năm thực hiện, mỗi đoạn đường, góc phố của Thủ đô đều được gắn tên của các chi hội, tổ phụ nữ. Câu nói "Phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng" đã trở thành khẩu hiệu tuyên truyền có tác dụng tốt đến với mỗi người dân…

Đoàn Thanh niên: các hoạt động về bảo vệ môi trường được các cơ sở Đoàn thường xuyên tổ chức với những hoạt động cụ thể có ý nghĩa thiết thực làm sạch môi trường, như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”; “Hành trình xanh”; Phát động phong trào trồng cây xanh, nạo vét kênh mương nội đồng, thu gom rác thải các loại.

Hội Nông dân: có phong trào thực hiện nền nông nghiệp sạch, “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”, tạo thói quen vệ sinh làng xóm thành nét văn hóa thôn quê, xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nhằm tăng cường trách nhiệm, thu hút mọi nguồn lực, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư sống trên địa bàn tích cực tham gia, ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường nông thôn.

Hội Người cao tuổi: có phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội đã vận động hội viên người cao tuổi và nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, cây trái, hoa màu,… để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các cây cầu trong khu dân cư; vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh tự hoại, thu gom rác, làm hàng rào cây xanh, trồng hoa, kiểng trong sân nhà, góp phần tạo vẻ mỹ quan xanh - sạch - đẹp.

Hội Khuyến học: là một tổ chức xã hội tập hợp những người tự nguyện phấn đấu cho phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Các trung tâm học tập cộng đồng tuy có thể được chính quyền địa phương hỗ trợ với mức độ nào đó, nhưng chủ yếu là do dân tự tổ chức và duy trì, theo nguyên tắc dân cần gì thì học nấy, trước hết là về sản xuất, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là một mô hình tốt, và có thể thông qua đó mà thực hiện việc giáo dục môi trường trong cộng đồng.

Ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam căn cứ theo nội dung Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường đã tích cực vận động người dân tại cơ sở phát huy vai trò giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã bị phát hiện và buộc phải dừng hoặc tạm dừng hoạt động. Những việc làm tích cực đó đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải độc hại, hạn chế sự thay đổi khí hậu, tạo thành phong trào bảo vệ môi trường sâu rộng tại cơ sở. Công tác giám sát, phản biện xã hội được đẩy mạnh; các kiến nghị được xử lý kịp thời góp phần hạn chế các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xâm hại tài nguyên thiên nhiên, giải quyết hài hòa các mâu thuẫn, xung đột… Trong thời gian vừa qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản và thức ăn gia súc (do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện).

Từ năm 2006, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 31 tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng "Mô hình điểm lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", "Mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường" tại 64 khu dân được lựa chọn. Năm 2017, Ban Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường của UBTWMặt trận Tổ quốcVN tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn 49 tinh, thành phố duy trì, và xây dựng mới các mô hình điểm, cụ thể: 1. Duy trì và nhân rộng mô hình “Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 2. Duy trì và và nhân rộng mô hình “Khu dân cư thực hiện giữa hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu”. 3. Xây dựng mới mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 4. Xây dựng mô hình điểm vận động nhân dân thay đổi thói quen, tập quán tổ chức việc tang không đảm bảo vệ sinh, môi trường và xây dựng mô hình văn minh, tiến bộ (hỏa táng).

  Tại các khu dân cư nói chung và tại các tỉnh, thành tiến hành xây dựng mô hình điểm nói riêng, Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở đã có sự linh hoạt, sáng tạo trong các phương thức tuyên truyền. Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp các thành viên đưa nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt, hội họp ở khu dân cư; đặc biệt tuyên truyên sâu rộng, và nâng thành "chiến dịch" trong dịp kỉ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6 hàng năm. Ngoài việc tuyên truyền tại các buổi họp dân, Ban Công tác Mặt trận còn đến từng hộ dân để trực tiếp tuyên truyền, cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức. Nếu trước đây rất ít người dân quan tâm đến môi trường, hoặc nếu có thì cũng hiểu không đầy đủ (qua khảo sát, đa số người dân khi được hỏi đều nghĩ môi trường chỉ đơn giản là rác và nước thải), nhưng đến nay bằng hoạt động thông tin tuyên truyền tại khu dân cư những vấn đề môi trường nóng bỏng hiện nay đến được với người dân và được họ quan tâm. Bằng những chiến dịch rộng khắp trên toàn quốc nhân ngày Môi trường Thế giới, nội dung Ngày Môi trường Thế giới các năm đã được người dân biết đến trong đó có nội dung biến đổi khí hậu.

Như vậy, trong thời gian qua với những hoạt động tuyên truyền, vận động cụ thể, thiết thực, phù hợp, bền bỉ theo kiểu mưa dầm thấm lâu của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành một hoạt động được xã hội hoá cao, tạo cho người dân ý thức quan tâm và có trách nhiệm với môi trường sống đặc biệt là có những hành động tích cực hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

ThS. Vũ Thị Minh Phương

Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu Khoa học, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều