Vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo đa chiều ở vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, điều này được thể hiện thông qua các chính sách, các chương trình hành động và các dự án hỗ trợ cho người nghèo. Thành công của chính sách xóa đói, giảm nghèo của nước ta giai đoạn vừa qua đã phần nào làm giảm bớt những rủi ro và nguy cơ đói nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội nâng cao trình độ học vấn, tiếp cận với việc làm, ổn định cuộc sống.
Ảnh minh họa: Internet 
Vai trò của hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo đa chiều ở vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo cho Nhân dân, trong đó có người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 40 chương trình và dự án liên quan đến giảm nghèo, trong đó có thể kể đến: Chương trình 135 (phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn); Chương trình 30A (hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo); Chương trình 975 (phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí một số loại báo chí); Chương trình 143 (mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005); Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (chiến lược này lần đầu tiên đề cập một cách toàn diện quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng gắn liền với quá trình đạt được các mục tiêu xã hội về xóa đói giảm nghèo); Gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Các chính sách, các chương trình hành động và các dự án hỗ trợ cho người nghèo ở nước ta khá toàn diện, bao trùm lên hầu hết các khía cạnh trong đời sống xã hội, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Các hình thức tiếp cận và hình thức hỗ trợ nhằm giảm nghèo cũng đa dạng và nhiều chiều. Hơn nữa, trong những năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác giảm nghèo của cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành, triển khai có hiệu quả. Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, vận động xã hội hóa chăm lo cho người nghèo, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo; nhất là, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để có được những thành công trong công tác giảm nghèo của cả nước nói chung và của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi nói riêng đó là nhờ vào sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo; dành 21% ngân sách Nhà nước cho phúc lợi xã hội - đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Đồng thời với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả và nhiều địa phương thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng thành vùng nông thôn phát triển trù phú; đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo trước 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo.

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giảm nghèo bền vững với những cách làm sáng tạo, hiệu quả thông qua các phong trào thi đua sâu rộng của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đã tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách và đã đón nhận sự ủng hộ tích cực của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi đã ra lời kêu gọi và phát động vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, còn đào tạo hỗ trợ họ tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như: Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hộ nghèo được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất thông qua hoạt động uỷ thác của các đoàn thể với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, hướng dẫn các hộ nghèo tham gia các chương trình đề án phát triển kinh tế, xã hội, hình thành các mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, tiếp nhận, phân bổ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh vùng dân tộc thiểu số quan tâm đến công tác khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội.

Công tác giám sát cũng được quan tâm, trong giai đoạn 2016-2020, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hơn 450 cuộc giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, phát huy vai trò trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận trong giám sát việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn các tỉnh. Giám sát việc đánh giá, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm…

Trong công tác phản biện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và dự thảo các đề án chính sách liên quan đến hỗ trợ hộ nghèo và các chương trình an sinh xã hội giảm nghèo bền vững của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các chương trình, nghị quyết, đề án về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Với những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động, tiếp nhận ủng hộ và phân bổ Quỹ “Vì người nghèo”, các chương trình an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì đã góp phần quan trọng và hiệu quả vào việc triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi..

Kết quả giảm nghèo đa chiều ở các vùng dân tộc thiểu số

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin như: chính sách hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ các điều kiện học tập, chính sách nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phương tiện nghe nhìn…

Để tạo điều kiện cho người dân tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất sản xuất, khai hoang ruộng bậc thang, trồng rừng; đầu tư hệ thống hồ đập, thủy lợi, đường vào khu sản xuất, tạo điều kiện cho người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Xác định vấn đề tăng cường hệ thống cơ sở vật chất cho địa bàn miền núi là giải pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện về hạ tầng sản xuất và dân sinh cho người dân trên địa bàn, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho địa bàn này, như: Chương trình trung tâm cụm xã, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình giao thông miền núi, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, trạm y tế xã, trái phiếu Chính phủ… ưu tiên đầu tư các dự án ODA của WB, ADB qua nhiều giai đoạn. Nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân luôn được Nhà nước quan tâm bố trí, cân đối ngân sách cho các địa phương thực hiện, giai đoạn 2012 - 2018, Nhà nước đã bố trí là 630.764 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ưu tiên bố trí thực hiện cho địa bàn dân tộc, miền núi chiếm 70% tổng vốn Chương trình qua các giai đoạn; ngoài ra, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 52,5% tổng dư nợ cả nước trên địa bàn miền núi, dân tộc.

Với sự quan tâm ưu tiên đầu tư của Nhà nước, trách nhiệm chỉ đạo thực hiện của các địa phương và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào nghèo dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (trung bình khoảng 3,5%/năm), riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm qua các giai đoạn. Những chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2021 cơ bản đều đạt và thực hiện khá tốt; các chỉ tiêu chính sách về vốn, y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội đảm bảo 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ; đời sống của đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo được cải thiện trên nhiều mặt; đến cuối năm 2021, thành phố còn lại 4.500 hộ nghèo theo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 1,5% (trong đó, hơn 0,5% tỷ lệ hộ nghèo phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19). Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Đây chính là những kết quả bước đầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã làm khởi sắc bộ mặt vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo còn tập trung nhiều vào nhóm các dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Vấn đề nghèo đa chiều ở các nhóm dân tộc thiểu số đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới.

Những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ nhất, hệ thống chính sách xóa đói, giảm nghèo không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác xóa đói giảm nghèo đã được ban hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này. Kết quả tích cực của công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.

Với những ưu đãi về cơ chế, chính sách, nhất là việc điều chỉnh về mức và thời hạn cho vay hiện nay, chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội được coi là “cứu cánh” để người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thêm động lực phát triển sản xuất kinh tế hộ, từ đó có thu nhập để quay vòng vốn đúng hạn, có điều kiện để nâng cao cuộc sống. Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, địa bàn. Việc thực hiện các tiêu chí theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP đòi hỏi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội để các địa phương, nhất là các tỉnh thuộc vùng dân tộc thiểu số, vùng núi có cơ sở để thực hiện, triển khai các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn; nhưng vừa là thử thách vô cùng lớn và sẽ cần nhiều giải pháp, nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ hai, những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo trên nhiều địa bàn vùng dân tộc thiểu số chưa thật sự bền vững. Đây là thách thức lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi không kịp thời, hiệu quả quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế; các chính sách giảm nghèo bền vững còn ít được chú trọng triển khai. Một số chính sách giảm nghèo còn mang tính hỗ trợ “cho không”, dàn trải, chưa thật sự khơi dậy sự chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân. Việc vận động người nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm cho người lao động nghèo còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định; một số địa phương lúng túng trong thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Mặt khác, biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 trong các năm 2020, 2021 đã tác động lớn đến đời sống người dân và kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn các tỉnh vùng dân tộc thiểu số.

Thứ ba, thách thức thay đổi nhận thức về giảm nghèo của Việt Nam (từ giảm nghèo đơn chiều sang giảm nghèo đa chiều). Theo Tổ chức Liên hợp quốc: “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được đi khám, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền, và bị loại trừ của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Nghèo có nghĩa là dễ bị bạo hành, phải sống ngoài lề xã hội hoặc trong các điều kiện rủi ro, không được tiếp cận nước sạch và công trình vệ sinh an toàn”. Nghèo ở đây được đo lường không chỉ bằng nhóm tiêu chí thu nhập mà bằng cả nhóm tiêu chí “phi thu nhập”, bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Đó là quá trình chuyển đổi từ giảm nghèo đơn chiều (dựa vào chuẩn nghèo về thu nhập) sang giảm nghèo đa chiều bền vững. Đến nay, có trên 32 nước trên thế giới tiếp cận phương pháp nghèo đa chiều. Phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là sự thay đổi lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo.

Tại Việt Nam, chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng theo hướng sử dụng kết hợp chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc thiểu số) ở Việt Nam.

Thứ tư, những thách thức trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo về thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số hiện cao hơn 3,5 lần mức trung bình cả nước. Nhiều chỉ số về đói, nghèo; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; vệ sinh môi trường... có khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh hay giữa các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các vùng đồng bằng, đô thị. Dù 53 dân tộc thiểu số của Việt Nam chỉ chiếm 15% tổng dân số, nhưng lại chiếm 47% tổng số người nghèo ở Việt Nam và chiếm 68% số người nghèo cùng cực. Tuy điều kiện sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số đã được cải thiện từ cuối thập kỷ 90, nhưng tỷ trọng dân tộc thiểu số trong số người nghèo lại gia tăng đáng kể. Mặc dù, nguồn vốn đầu tư cho các vùng dân tộc tăng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ, cơ sở hạ tầng hàng năm bị tàn phá nghiêm trọng, từ đó đã ảnh hưởng đến chính sách giảm nghèo đa chiều ở vùng dân tộc thiểu số. Nhiều đồng bào dân tộc sống trong cảnh nghèo triền miên, họ nghèo ngay cả trong thời kỳ nền kinh tế đang đi lên, và còn nghèo hơn khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Như vậy, nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay nên việc tiếp cận với khái niệm nghèo đa chiều giúp Việt Nam hạn chế việc bỏ sót đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập, chi tiêu, mà còn là việc không được thỏa mãn các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản. Việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều là phương pháp khắc phục những bất cập và hạn chế của chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Phương pháp này giúp bảo đảm mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, do tính phức tạp trong đo lường các tiêu chí nghèo đa chiều nên cần có sự chuẩn bị từng bước trước khi triển khai đại trà. Làm sao công tác giảm nghèo phải đạt được cả 3 mục tiêu là: đo lường và giám sát nghèo, định hướng chính sách giảm nghèo và xác định được đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, cần đảm bảo tính khách quan trong việc thu thập, xử lý, tính toán, tổng hợp và báo cáo các tiêu chí nghèo. Hệ thống giám sát đánh giá cần được triển khai, vận hành gắn liền với cách tiếp cận nghèo đa chiều, trong đó sự tham gia, đồng thuận và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng.

Vũ Thị Như Hoa - PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều