Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác đặc xá, giảm án

(Mặt trận) - Những năm gần đây, công tác đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù đã mang lại cho họ cơ hội sớm trở về xã hội, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Từ chính sách nhân đạo đó của Đảng và Nhà nước, các phạm nhân đã quyết tâm cải tạo, hoàn lương để có cơ hội được hưởng đặc xá. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác đặc xá, góp phần quan trọng vào thành công của một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước ta, bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.

Thực hiện công tác đặc xá năm 2021

Ngày 30/6/2021, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021 để thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2021). Đây là việc làm thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

Theo quy định tại Luật Đặc xá năm 2019, thì đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Việc đặc xá được áp dụng đối với những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Đặc xá mang ý nghĩa xã hội và nhân đạo cao cả, xuất phát từ việc công nhận và tôn trọng các quyền về con người được ghi nhận trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và được cụ thể hóa trong các nguyên tắc khoan hồng khi xử lý tội phạm của Bộ luật Hình sự.

Có thể nói, không có một biện pháp cưỡng chế, răn đe hay giáo dục, cải tạo nào có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tâm lý của người phạm tội như công tác đặc xá, bằng việc những phạm nhân được trực tiếp chứng kiến việc trả lại tự do cho những phạm nhân được hưởng đặc xá.

Theo Báo cáo của Bộ Công an1, trong gần 10 năm (2009 - 2017) với 7 lần đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đã có khoảng 87.000 phạm nhân được đặc xá, (trong đó khoảng 50.000 người, bằng 57% có việc làm và thu nhập ổn định khi trở lại cộng đồng).

Ngày 30/8/2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người, Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2021. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ để trở lại làm người có ích cho xã hội.

Trong thời gian qua, công tác đặc xá ở nước ta được nhân dân, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế hoan nghênh. Với số lượng lớn phạm nhân được đặc xá cho thấy chính sách giáo dục, cải tạo phạm nhân của Đảng và Nhà nước ta là nghiêm trị những người ngoan cố, gây nguy hiểm cho xã hội; khoan hồng cho những người biết ăn năn, hối cải để trở thành người lương thiện, thành công dân có ích. Đặc xá có ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản so với chính sách khoan hồng khác dành cho những người thực sự xứng đáng.

Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc xá được thực hiện trong những sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của Việt Nam hoặc trong trường hợp đặc biệt. Việc đặc xá, giảm thời hạn, tha tù trước thời hạn có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy cơ sở giam giữ để có thể sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng. Đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất của chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Ngoài ra, còn góp phần giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ, tạo điều kiện cho các cơ sở giam giữ nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác xét đặc xá, tha tù trước thời hạn

Với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có mạng lưới rộng khắp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác đặc xá, góp phần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Đặc xá năm 2019, đó là: "Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội".

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá

Hội đồng tư vấn đặc xá là tổ chức liên ngành bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan do Chủ tịch nước quyết định thành lập để triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá và tham mưu, tư vấn cho Chủ tịch nước trong việc thực hiện hoạt động đặc xá.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá, khi có Quyết định về đặc xá, Chủ tịch nước quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá bao gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ và các ủy viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức gồm: Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công tác pháp luật tham gia là thành viên của Hội đồng tư vấn đặc xá. Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra danh sách, văn bản đề nghị đặc xá; trường hợp cần thiết có thể yêu cầu Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá giải trình, gửi hồ sơ, cung cấp tài liệu bổ sung.

Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm tổ chức duyệt danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá do Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá trình; tổng hợp và lập danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Tại các cơ quan thành viên của Hội đồng tư vấn đặc xá đều thành lập Tổ chuyên viên do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục (ở Mặt trận Tổ quốc Trung ương thì đồng chí Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật là tổ trưởng) để tiếp nhận hồ sơ và tổ chức kiểm tra, thẩm định chặt chẽ từng hồ sơ phạm nhân đề nghị đặc xá sau khi có kết quả thẩm định của các tổ chuyên viên thẩm định liên ngành, đây là sự thẩm định lần thứ hai, sau khi tiếp nhận hồ sơ, danh sách phạm nhân đã được tổ chuyên viên liên ngành thẩm định.

Sau khi xem xét hồ sơ, Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ họp và thảo luận tập thể thống nhất danh sách trình lên Chủ tịch nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử thành viên tham gia Tổ thẩm định liên ngành

Tổ thẩm định liên ngành là tổ chức liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan do Hội đồng tư vấn đặc xá quyết định thành lập để thẩm định danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá.

Để tham gia là thành viên của Tổ thẩm định liên ngành, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường cử những cán bộ có trình độ pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác pháp luật, tư pháp để xét hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam trên toàn quốc. Các thành viên của tổ thẩm định liên ngành khi tiến hành thẩm định hồ sơ, đối chiếu với từng hồ sơ đề nghị đặc xá với hồ sơ gốc của phạm nhân; so sánh với tiêu chuẩn, điều kiện theo Quyết định của Chủ tịch nước để xét đặc xá. Chuyên viên Tổ thẩm định có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Kết quả thẩm định của các tổ thẩm định liên ngành được chuyển đến Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá theo quy định của pháp luật.

Là thành viên tham gia các tổ chuyên viên liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá, các cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình xem xét hồ sơ; bảo đảm công minh, khách quan đồng thời giám sát quá trình thẩm định hồ sơ của các cơ quan, tổ chức có liên quan; đảm bảo chất lượng trong công tác đặc xá.

Thực hiện Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng cuối tháng 7/2021, các thành viên của Tổ thẩm định liên ngành đã đi tới các trại giam, trại tạm giam để xét hồ sơ, kịp thời gian theo Kế hoạch đặc xá dịp Quốc khánh 2/9/2021. Trước khi đến các cơ sở để xét duyệt hồ sơ, các thành viên đều phải được xét nghiệm âm tính, khi đó mới được đi vào các cơ sở giam giữ. Các thành viên đi thẩm định tại các tỉnh phía Nam sau khi xét hồ sơ, trở về cơ quan đã phải thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định của pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng

Theo quy định tại Điều 34 của Luật Đặc xá: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Việc tiếp tục quản lý giáo dục người hoàn lương sau khi được đặc xá trở về là khâu rất quan trọng nhằm đảm bảo cho những người được hưởng đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, đòi hỏi các cấp, các ban ngành, đoàn thể phải cùng chung sức, đồng lòng. Điều quan trọng nhất là giúp đỡ họ có công ăn, việc làm, giải quyết được khó khăn, đồng thời tiếp tục quản lý, giáo dục, cảm hoá để họ có điều kiện thực sự hoàn lương, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Nhận thức được vị trí quan trọng của công tác “hậu đặc xá", Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động có kế hoạch phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành và nhân dân cùng tham gia, phối hợp làm tốt công tác này.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ổn định cuộc sống, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Giúp đỡ người được đặc xá trở về cư trú tại địa phương. Qua khảo sát, có hơn 95% số người được đặc xá đã hoàn lương, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn về nhiều mặt trong đó có sự đóng góp rất lớn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp.

Chú thích:

1. Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 9/5/2018 của Chính phủ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đặng Thị Kim Ngân

ThS, Ban Dân chủ pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều