Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội

(Mặt trận) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc quy tụ sức mạnh toàn dân tộc để đi tới đồng thuận xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn phát huy tốt vai trò của mình trong công tác này thì tổ chức của Mặt trận phải mạnh, bộ máy phải hoạt động có hiệu quả và đội ngũ cán bộ tài giỏi, tâm huyết, trách nhiệm, thực đức thực tài. Bài viết đưa ra những giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Đỗ Văn Chiến làm việc với Uỷ ban Bầu cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhận thức về "đồng thuận xã hội"

Đồng thuận xã hội là mục tiêu và động lực của đổi mới; đó là kết quả và cũng là điều kiện đảm bảo ổn định chính trị - xã hội. Đây phải là ổn định tích cực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đem lại sự thụ hưởng lợi ích chính đáng cho người dân, làm cho họ thực sự ở vị thế người chủ và làm chủ trong một xã hội dân chủ với thể chế chính trị, thể chế Nhà nước dân chủ - pháp quyền. Đồng thuận xã hội (hay xã hội đồng thuận) là chỉ số tổng hợp, lấy đó làm thước đo thành tựu của đổi mới trên mọi phương diện: kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa - con người - môi trường cũng như quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta qua các triều đại đều ý thức rõ và thường xuyên chăm lo cho “quốc thái dân an”, “thái bình thịnh trị”, “trên dưới đồng lòng”, “kỷ cương phép tắc nghiêm minh” để “xã tắc vững bền”, “lòng dân yên ổn, hòa hợp”, tạo ra thế an cư lạc nghiệp, gây dựng sự hưng thịnh phồn vinh của quốc gia - dân tộc.

Cái gốc của đồng thuận xã hội là lòng dân, an sinh để an dân và yên dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết. Phải vị công vong tư, phải dĩ công vi thượng, phải quang minh chính đại. Phải như thế và chỉ như thế mới không màng danh hám lợi, tuyệt đối đứng ngoài vòng danh lợi.

Nhắc lại nguyên lý phân phối công bằng như một điểm nút tạo nên an nguy trong xã hội mà các bậc tiền bối hằng quan tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết:

“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.

Trong xã hội hiện đại và với tư duy phát triển, chúng ta phấn đấu cho sự giàu có, dư thừa nên phải vượt qua cái thiếu và ngưỡng nghèo nhưng phải giàu có, dư thừa một cách văn minh, đúng chân lý (quy luật), hợp đạo lý (đạo đức) nên càng phải phấn đấu cho chuẩn mực công bằng và làm yên lòng dân.

Do đó, xây dựng đồng thuận xã hội cần đến một hợp lực của khoa học - đạo đức - văn hóa, làm cho những tác nhân này thấm sâu vào trong kinh tế và chính trị để dân không chỉ được thụ hưởng lợi ích, mà còn thực sự là chủ thể, không chỉ là chủ thể quyền lực mà còn là chủ thể xây dựng, sáng tạo và phát triển. Yêu cầu xây dựng đồng thuận xã hội như thế là hướng vào dân, trọng dân đi liền với trọng pháp để vì dân.

Mọi giải pháp và điều kiện để tạo dựng và củng cố đồng thuận xã hội theo đúng tư tưởng, triết lý, chủ thuyết và minh triết Hồ Chí Minh đều chỉ xoay quanh chữ DÂN, đều tựa vững chắc trên nền móng DÂN CHỦ và ĐẠI ĐOÀN KẾT.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội

Để đồng thuận xã hội từ một ước nguyện trở thành hiện thực thì phải nỗ lực hành động. Đây là hành động chung của toàn dân, toàn xã hội, là cộng đồng trách nhiệm của tất cả mọi người cùng góp sức vào, tự giác tự nguyện, đồng tâm nhất trí trên tinh thần hợp tác, đoàn kết, có tổ chức, có lãnh đạo, có phối hợp một cách khoa học. Vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước, vì một tương lai, triển vọng tốt đẹp của dân tộc mà đồng thuận xã hội là điểm chung, mục đích, mục tiêu chung quy tụ mọi lực lượng, mọi cá nhân và tổ chức. Đó là chữ “đồng” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra một cách tinh tế và Người làm hết sức mình, nỗ lực thực hành nêu gương suốt đời về đoàn kết.

Người đã đúc kết thành chân lý:

“Đoàn kết - Đoàn kết - Đại đoàn kết

Thành công - Thành công - Đại thành công”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, chia rẽ mất đoàn kết là suy yếu, kết cục là thất bại.

Để đoàn kết phải thấm nhuần và thực hành chữ “đồng”: đồng tâm, đồng chí, đồng lòng để đồng hành. Cùng thống nhất hành động, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung, cho sự nghiệp chung được cố kết bởi lợi ích chung - đó là sự liên kết, gắn kết tạo nên sức vững bền của đồng thuận xã hội.

Đoàn kết và đồng thuận thúc đẩy lẫn nhau, từ xa xưa trong lịch sử đã trở thành giá trị đặc sắc của truyền thống dân tộc, của văn hóa Việt Nam, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam.

Thấu hiểu điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đoàn kết ở tầm tư tưởng lớn, một đường lối chính trị chiến lược, một chủ trương, chính sách lâu dài, nhất quán, chứ không phải biện pháp, sách lược nhất thời. Dĩ nhiên, trong tư tưởng và phương pháp Hồ Chí Minh, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của từng giai đoạn lịch sử, Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, tranh thủ tối đa mọi lực lượng, mọi nguồn lực vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc… nên trong đoàn kết toàn dân tộc có bao hàm cả vận động, thuyết phục, lôi kéo những đối tượng, những đồng minh nhất thời, tạm thời nhưng cần thiết và có thể, vì lợi ích của sự nghiệp chung, phải tranh thủ để tăng thuận lợi, giảm khó khăn, tăng sức mạnh cho phong trào cách mạng. Người chú trọng thêm bạn, bớt thù, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, nhắc nhở chúng ta làm binh vận, địch vận là vì vậy. Đoàn kết thì phải rộng lòng, thật lòng chứ không thể hẹp hòi, định kiến, để không rơi vào đơn độc, cô độc. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là thống nhất ở chiến lược và sách lược.

Ta hãy nhớ lại sự kiện năm 1941, khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, từ ngày 10/5 đến ngày 19/5/1941 ở Pắc Bó, Cao Bằng để chuyển hướng chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc, giành cho được độc lập.

Người đã cùng Trung ương quyết định thành lập Mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh. Đó là một quyết định lịch sử, nhờ đó mà Cách mạng Tháng Tám thành công. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã huy động được toàn thể dân tộc Việt Nam - 20 triệu người nhất tề đứng dậy dưới ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh do Đảng lãnh đạo, giành chính quyền về tay nhân dân trong cả nước khi thời cơ đến, tình thế cách mạng đã chín muồi. Chỉ chưa đầy hai tuần lễ mà cách mạng đã thành công trong cả nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận xét, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi “như một cái chớp mắt của lịch sử”. Có được kỳ tích ấy là nhờ cả một quá trình chuẩn bị 15 năm (1930 - 1945), lúc đó, Đảng ta mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên, quân đội cách mạng chưa đầy một tuổi với vũ khí thô sơ, nhưng được toàn dân đồng lòng, 20 triệu đồng bào, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, gái trai… tất cả đứng dậy theo lời hịch cứu nước của Việt Minh mà chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do. Đây là một ví dụ kinh điển của đồng thuận xã hội.

Mặt trận Việt Minh là một tổ chức liên hợp hết sức rộng rãi, bao gồm tất cả mọi tổ chức đều lấy mục đích “cứu quốc” làm tên gọi chung, từ Hội Nhi đồng cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, cho đến Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, binh sĩ, thương gia, trí thức… cứu quốc. Ngày 6/6/1941, sau Hội nghị Trung ương VIII, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi tới toàn thể đồng bào trong cả nước với những lời lẽ thống thiết, truyền cảm hứng tới mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”1.

Trong bức thư nổi tiếng này, sau khi nêu lên tình cảnh khổ nhục của dân ta “một cổ hai tròng, đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật” và ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, Người phân tích: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu lửa nóng”2.

Người kêu gọi: “Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đang sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!

Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên!

Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật!”3.

Đồng thuận xã hội không chỉ cần thiết trong công cuộc đấu tranh giải phóng, mà luôn cần thiết trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, nhất là ở thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt của phát triển trong đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Mặt trận đóng vai trò quan trọng và có tác dụng ngày càng to lớn, quy tụ sức mạnh toàn dân tộc vào đoàn kết để đồng thuận. Có thể hình dung rõ vai trò và tác dụng to lớn của Mặt trận như thế nào?

Trước hết, Mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội, là liên minh giai cấp - dân tộc và xã hội rộng lớn nhất trong hệ thống các tổ chức, đoàn thể của dân lập ra ở nước ta.

Là một liên minh nên sứ mệnh của Mặt trận là tập hợp lực lượng toàn dân và thực hành chiến lược đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kể cả đoàn kết các tôn giáo. Mặt trận phản ánh tiếng nói, nguyện vọng, ý chí và tình cảm của toàn dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là giá trị văn hóa điển hình, nổi bật nhất của dân tộc, từ truyền thống đến hiện đại.

Người dân không chỉ tham gia vào một hay một số đoàn thể nhất định để biểu thị lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của mình, mà thông qua hoạt động của tổ chức để thực hiện vai trò tham chính của công dân đối với Nhà nước và chế độ của mình. Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội - nghề nghiệp của dân đều là những tổ chức thành viên của Mặt trận. Do đó, đối với người dân, Mặt trận là nơi thể hiện lợi ích, quyền lực của họ. Mặt trận quan tâm bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của dân. Còn đối với dân tộc và xã hội, Mặt trận là một kênh quan trọng để liên kết nhân dân, dân tộc với Đảng và Nhà nước trong mọi chương trình hoạt động vì sự phát triển cộng đồng, vì phục vụ nhân dân, trong đó có khối liên minh Công - Nông - Trí thức làm nòng cốt.

Mặt trận cũng là một thiết chế quyền lực đặc trưng và đặc thù. Đặc trưng bởi đây là quyền lực nhân dân, quyền lực xã hội của chủ thể rộng lớn là toàn dân. Đây là quyền lực ngoài Nhà nước, có quan hệ giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước do dân ủy thác để không xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực. Đặc thù bởi Mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất, nó cũng có tính chất của quyền lực công, quyền lực công cộng của cả cộng đồng dân tộc (kể cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài) nhưng nó khác với bộ máy công quyền và hoạt động của công chức nhà nước trong bộ máy quyền lực.

Những đặc trưng, đặc điểm đó của Mặt trận cho thấy Mặt trận là cơ sở xã hội rộng lớn nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, đồng thời là cơ sở, môi trường xã hội rộng lớn nhất cho xây dựng đồng thuận xã hội.

Thứ hai, trong cơ cấu của Mặt trận không có cá nhân mà là một tập hợp lớn các tổ chức, đoàn thể. Mỗi tổ chức, đoàn thể tham gia vào Mặt trận với tư cách là một thành viên của liên minh.

Trường hợp cá nhân tham gia vào Mặt trận chỉ là đặc thù: Một số trí thức, nhân sĩ tiêu biểu, một số đại biểu dân tộc thiểu số và tôn giáo, một số doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, một số đại biểu cho khối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên tính đa dạng thành phần xã hội - nghề nghiệp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Do các thành viên của Mặt trận là tổ chức chứ không phải cá nhân, nên mỗi tổ chức dù là thành viên của Mặt trận nhưng vẫn tổ chức và hoạt động độc lập theo hệ thống dọc của tổ chức mình. Tham gia vào hoạt động Mặt trận để nói lên tiếng nói của tổ chức mình, thể hiện lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng trong tổ chức đó.

Quan hệ giữa các thành viên với Mặt trận là quan hệ hợp tác, phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung là Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận. Bước tiến của dân chủ ở nước ta trong điều kiện một Đảng cầm quyền không thể không nói tới vai trò của Mặt trận, nhất là Mặt trận ở địa phương và cơ sở, hoạt động của cơ quan Mặt trận (Ban Công tác Mặt trận) tại các khu dân cư, trong tự quản và hòa giải những mâu thuẫn, xung đột nảy sinh trong nội bộ nhân dân.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo nguyên tắc dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân quyết và dân hưởng, góp phần không nhỏ vào tạo lập ổn định chính trị - xã hội, không để xảy ra “những điểm nóng” gây mất ổn định, đó chính là thực hiện đồng thuận xã hội.

Mặt trận và các tổ chức thành viên có hệ thống rộng rãi khắp cả nước, ở tất cả các cấp, từ Trung ương tới cơ sở. Do đó, Mặt trận và các tổ chức có mối liên hệ khăng khít với đông đảo quần chúng hội viên, đoàn viên không chỉ trong phạm vi hệ thống chính trị, mà còn trong cộng đồng xã hội.

Chính điều đó làm cho Mặt trận có nội dung phong phú và các hình thức đa dạng để tiến hành tập hợp quần chúng thành các phong trào xã hội, phát huy khả năng, tiềm năng to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đoàn kết dân tộc, trong các hoạt động vì an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho đồng bào vùng khó khăn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, huy động các nguồn lực vào mục đích nhân đạo - từ thiện, phục vụ trực tiếp cuộc sống của người dân. Nhờ làm tốt những công việc đó mà uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận được nâng cao, được nhân dân tin tưởng. Đó là đóng góp to lớn của Mặt trận vào xây dựng đồng thuận xã hội.

Ở nước ta, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, mục đích đổi mới rất phù hợp với lòng dân nên Ý Đảng - Lòng Dân trở thành Phép Nước, nhân dân tham gia, nhập cuộc với đổi mới rất sớm, tự giác, chủ động và sáng tạo bởi đổi mới là đòi hỏi thiết tha của lòng dân, là cơ hội, môi trường và động lực cho sự phát triển của dân chủ, của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần to lớn tạo ra môi trường, điều kiện để nhân dân bộc lộ sáng kiến, tài năng của mình trong sự nghiệp đổi mới là sự nghiệp của toàn dân vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là hướng đích của đồng thuận, là điều kiện và là kết quả của đồng thuận.

Mặt trận trong khi thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, tiến hành các công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn dân, tổ chức các phong trào và lực lượng nhân dân, dựa vào dân và các hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn lực của nhân dân để phục vụ dân… đã trực tiếp tham gia vào xây dựng đồng thuận xã hội.

Những điều kiện đảm bảo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội

Muốn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đồng thuận xã hội cần phải xác lập và thực hiện những điều kiện đảm bảo. Những điều kiện cũng đồng thời mang tính chất và ý nghĩa của những giải pháp hành động. Chỉ có hành động thì khả năng mới chuyển hóa thành hiện thực, nguyện vọng, ước muốn và ý chí mới được thực hiện, trở thành kết quả.

Những điều kiện ấy, Mặt trận phải chủ động tạo ra bằng các nỗ lực hoạt động xã hội hóa như các phong trào, các cuộc vận động, các chủ trương, biện pháp huy động nguồn lực, song mặt khác, các điều kiện được xác lập và thực hiện còn đòi hỏi sự phối hợp chung của toàn hệ thống chính trị, của xã hội, từ Đảng - Nhà nước - các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân, các cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia, ủng hộ (các nhà hảo tâm, các “mạnh thường quân”). Sở dĩ phải như vậy vì đồng thuận xã hội là kết quả được tạo ra từ những đóng góp, phấn đấu nỗ lực chung của tất cả mọi lực lượng, mọi cá nhân chứ không thể chỉ một vài tổ chức và cá nhân mà thành.

Cần thống nhất nhận thức trong xã hội, trước hết trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị rằng, ai cũng muốn được sống trong bầu không khí đồng thuận xã hội, do vậy mọi người đều phải có trách nhiệm xây dựng đồng thuận xã hội. Bác Hồ chỉ nói một điều giản dị mà vô cùng sâu sắc: “Việc nước là việc chung, ai ai cũng phải tham gia gánh vác, góp phần vào thực hiện”. Lời kêu gọi của Người hướng tới tất cả toàn quốc đồng bào là vì vậy.

Do đó, có thể đề cập tới một hệ điều kiện, cũng đồng thời là hệ giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức mà Đảng ta nêu lên từ Đại hội XI “phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa” xoay quanh một chủ đề lớn: Quan hệ giữa dân chủ với đoàn kết và đồng thuận trong đổi mới, hội nhập để phát triển.

Đây là một trong những nội dung căn bản của đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả của Mặt trận. Đây còn là vấn đề cốt yếu của lý luận dân chủ, xây dựng nền dân chủ, hoàn thiện thể chế dân chủ - pháp quyền ở nước ta. Cần thông qua tuyên truyền, giáo dục, vận động, nhất là tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, thường xuyên, bền bỉ hàng ngày để từ người dân đến nhà lãnh đạo hiểu rõ rằng, dân chủ là tiền đề của đoàn kết và đồng thuận. Phải đảm bảo dân chủ thực chất thì mới có đoàn kết thực chất, đồng thuận thực chất và vững bền. Do đó, phải khắc phục triệt để dân chủ hình thức, phải xử lý nghiêm minh theo luật pháp mọi hành vi lợi dụng dân chủ để phá hoại dân chủ, gây rối, gây mất ổn định làm ảnh hưởng tới sản xuất, làm tổn hại tới cuộc sống của dân.

Tiền đề dân chủ có đảm bảo tốt thì mới có thể kêu gọi, tập hợp dân đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết, đại đoàn kết là sức mạnh đồng tâm nhất trí để có đồng thuận. Đoàn kết và đồng thuận là những chỉ số, những thước đo chính xác của dân chủ, của phát triển.

Nó chứa đựng trong đó những kết quả, thành quả chung của xã hội tạo ra về thực hiện quyền của dân, về tôn trọng và thực hiện lợi ích của dân và giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân - tập thể - xã hội, mối quan hệ giữa quyền, thẩm quyền và trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ không chỉ đối với người giữ chức vụ, mà còn đối với người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “Dân đã có quyền hưởng dân chủ thì dân cũng phải tự giác thi hành nghĩa vụ của người chủ”.

Để thực hiện điều kiện thứ nhất rất quan trọng này, Đảng phải nêu gương tiên phong gương mẫu, vì “lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp lòng dân nhất”, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đảng không chỉ nêu gương mà còn phải chịu trách nhiệm về tôn trọng Hiến pháp, luật pháp, Đảng không mắc vào vi hiến trong các quyết định và việc làm của mình. Đảng chịu trách nhiệm cao nhất trước dân tộc và nhân dân về mọi quyết định của mình4. Hiến pháp đã thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng, nhưng Hiến pháp cũng đưa ra những chế định pháp lý rõ ràng vừa để bảo vệ Đảng, vừa để đòi hỏi, nhắc nhở Đảng không phạm sai lầm. Theo đó, Đảng quan tâm lãnh đạo xây dựng đồng thuận xã hội và Đảng chịu trách nhiệm trước tình trạng suy giảm đồng thuận hay để mất đồng thuận xã hội đó, dẫn tới mất ổn định, bất an và bất ổn. Nhà nước trong chức trách thẩm quyền quản lý phải làm thật tốt các công việc thể chế hóa, pháp chế hóa, bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp và giữ vững nguyên tắc thượng tôn pháp luật để bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân.

Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân về ý thức dân chủ, ý thức pháp luật, tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và Quy chế của đoàn thể.

Riêng với Mặt trận, phải phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn về dân chủ và pháp luật, quan hệ giữa Mặt trận với Ủy ban dân nguyện của Quốc hội để tập hợp và giải quyết tối đa các đề nghị, khuyến nghị chính đáng của dân. “Sao cho được lòng dân” phải là điều tâm niệm thường xuyên để cùng xây dựng, cùng bảo vệ đồng thuận xã hội.

Thứ hai, nhanh chóng xác lập, thực hiện và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Về lâu dài cần phải xây dựng một đạo luật về kiểm soát quyền lực, làm tất cả để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, gây dựng kỷ cương, phép tắc, trật tự an toàn xã hội, đó là môi trường pháp lý của đồng thuận xã hội.

Trong cơ chế kiểm soát quyền lực phải ràng buộc pháp lý đối với cả tổ chức, cơ quan quyền lực lẫn cá nhân có chức, có quyền.

Phải tăng quyền hạn, thẩm quyền, nâng cao vị thế của Mặt trận trong hoạt động kiểm tra, giám sát quyền lực. Đã coi trọng dân và đề cao dân thì phải coi trọng và đề cao tổ chức đại diện của dân, đó là Mặt trận, là các đoàn thể nhân dân. Đó cũng là cách thức, phương thức để thông qua Mặt trận, nhân dân thực hiện quyền dân chủ đại diện xã hội rộng lớn nhất, nhân dân gián tiếp tham gia kiểm soát quyền lực khi họ ủy thác và tin cậy giao cho Mặt trận thực hiện.

Trong cơ chế kiểm soát quyền lực, phải khẳng định và minh định rõ ràng quyền tham gia trực tiếp của người dân, của mọi công dân. Đó cũng là phù hợp với xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp trong phát triển dân chủ và tăng cường chức năng xã hội của Nhà nước trong phục vụ dân. Muốn vậy, phải chấn chỉnh việc tiếp dân thực chất chứ không hình thức, tự giác chứ không chiếu lệ, thường xuyên chứ không thất thường.

Thứ ba, phải đẩy mạnh đến cùng, thấu đáo, triệt để cuộc chiến chống tham nhũng. Tham nhũng là phản cảm xã hội lớn nhất đối với người dân và xã hội, là xa lạ, đối lập với dân chủ, là độc tố phá hoại nặng nề đoàn kết và đồng thuận xã hội.

Chống tham nhũng thành công là điều mong đợi lớn nhất của toàn dân, là sức mạnh thực tế lớn nhất để gây dựng lòng tin của dân với Đảng và chế độ, đó cũng là đảm bảo tốt nhất để xây dựng đồng thuận xã hội.

Phải chống tham nhũng như chống một kẻ thù nguy hiểm tàn phá chế độ. Trừng trị tham nhũng như trừng trị tội ác phản quốc hại dân, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng làm gì”; “Phải giết đi những con sâu để cứu cả cánh rừng”.

Phải đề phòng và xử lý nghiêm minh, công khai, kịp thời đối với những kẻ tham nhũng, từ tham nhũng vặt đến tham nhũng lớn (kinh tế), cả tham nhũng trong chính sách, trong chính trị.

Phải đảm bảo thu hồi tối đa tiền của bị mất mát do tham nhũng gây ra, dùng số tiền khổng lồ đó trả lại cho dân bằng cách đầu tư vào an sinh xã hội cho dân thụ hưởng. Chỉ như vậy mới là triệt để, từ tuyên bố đến hành động, từ xử tù đến tịch thu, thu hồi tài sản cho Nhà nước, xã hội và nhân dân. Đây là một điều kiện then chốt, là minh chứng cho sự phối hợp cao nhất toàn Đảng, toàn dân trong chống tham nhũng, thể hiện sự nhất quán quyết tâm - tín tâm - đồng tâm từ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, xã hội và toàn dân để xây dựng đồng thuận xã hội.

Thứ tư, phải có sự chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân, của Nhà nước và Mặt trận vào nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh. Có như vậy mới có một xã hội đồng thuận, mới xây dựng thành công đồng thuận xã hội. Mặt trận làm tốt công việc góp sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là minh chứng tốt nhất về phát huy vai trò Mặt trận trong xây dựng đồng thuận xã hội.

Nổi lên một vấn đề bức xúc về lý luận, đó là tạo ra đoàn kết nhất trí cao trong xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng Đảng về văn hóa, nhất là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền.

Mặt trận phải tư vấn tốt cho Đảng để mở cuộc vận động giáo dục sâu rộng trong Đảng, trong dân về trọng danh dự, lương tâm, liêm sỉ, biết nhục khi tham nhũng, khi mưu toan nhóm lợi ích, làm điều bất minh, bất chính, bất nghĩa. Phải phối hợp đồng bộ pháp luật và đạo đức để Đảng trong sạch, vững mạnh. Điều lệ Đảng phải nhấn mạnh, bổ sung về đạo đức và chế tài trừng trị thói vô đạo đức.

Thứ năm, xây dựng tổ chức mạnh nhờ cán bộ tốt. Phong trào mạnh cũng nhờ có cán bộ tốt. Dân tin tưởng, hăng hái, ủng hộ Đảng, bảo vệ Đảng khi dân nhận thấy cán bộ đảng viên, công chức có lòng dạ trong sáng, thực sự tận tụy, trung thành vì nước, vì dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng đồng thuận xã hội thì tổ chức của Mặt trận phải mạnh, bộ máy của Mặt trận phải hoạt động có hiệu quả và đội ngũ cán bộ Mặt trận tài giỏi, tâm huyết, trách nhiệm, thực đức, thực tài.

Do đó, một mặt Mặt trận phải nỗ lực tự đổi mới, tự vượt lên để trưởng thành, mặt khác, Đảng, Nhà nước, toàn dân phải hết lòng quan tâm, giúp đỡ Mặt trận, tháo gỡ những rào cản cả vô hình lẫn hữu hình từ bấy lâu nay làm cho Mặt trận không thể bứt phá ra khỏi bệnh hành chính, quan liêu, hình thức, lệ thuộc trong công tác giám sát, phản biện, kiểm soát quyền lực. Mặt trận là hình ảnh của dân tộc, của nhân dân nên phải làm cho Mặt trận thực chất, thực lực, thực quyền. Cần đầu tư đúng mức cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, tăng cường nghiên cứu lý luận về Mặt trận cũng như nghiên cứu khoa học về dân chủ, dân vận, đoàn kết và đồng thuận. Đó là hệ điều kiện - giải pháp cần và đủ đảm bảo cho việc phát huy vai trò Mặt trận trong xây dựng đồng thuận xã hội hiện nay.

Hoàng Chí Bảo

GS, TS, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Chú thích:

1,2.    Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H.2006, tr.279.

3.       Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.279-280.

4.       Khoản 3 Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều