Vai trò và trách nhiệm của Mặt trận các cấp trong triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành hệ thống cơ chế chính, sách phát triển mọi mặt của đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần vào củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, bảo vệ an toàn an ninh biên giới quốc gia.
Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.  
Vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu phát triển toàn diện đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước, tăng cường kết nối với các vùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc… gắn với vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong triển khai Chương trình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao nhiệm vụ thuộc Tiểu dự án 3 (Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình) của Dự án 101 (Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình) với mục tiêu thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra. Các nội dung cụ thể của Tiểu dự án 3 của Dự án 10, đó là: nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho các địa phương; tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng. Tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Chương trình; tuyên truyền biểu dương thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình;…

Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong năm 20222 để triển khai thực hiện và giám sát Chương trình trong hệ thống Mặt trận các cấp gồm các nội dung: (1) Công tác tuyên truyền (tuyên truyền về Chương trình; tuyên truyền công tác vận động Nhân dân tham gia triển khai thực hiện Chương trình; công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu; phản ánh vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện giám sát Chương trình); (2) Công tác tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, hội thảo, biên soạn tài liệu (tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng, phương pháp tuyên truyền vận động về Chương trình; Biên soạn tài liệu về tổ chức triển khai thực hiện và giám sát Chương trình; tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác tổ chức triển khai thực hiện giám sát Chương trình); (3) Xây dựng mô hình điểm về công tác giám sát tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (hướng dẫn xây dựng mô hình nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); (4) Tập trung giám sát việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình tại một số địa phương, công tác phân bổ nguồn vốn, tư vấn, chuẩn bị đầu tư và triển khai một số công trình, dự án trọng điểm thuộc Chương trình; xây dựng một số công trình của các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (5) Công tác khảo sát, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đối với việc triển khai Chương trình (khảo sát tình hình thực tế, nắm thông tin, phát hiện những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở, xây dựng, ban hành báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân liên quan đến việc triển khai Chương trình; kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết); (6) Công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết (tổ chức kiểm tra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Chương trình, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các nội dung Chương trình năm 2022, dự kiến công tác năm 2023).

Việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, đơn vị trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác triển khai thực hiện và giám sát Chương trình, trên cơ sở đó, kiến nghị những giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện và giám sát Chương trình, ngày 31/10/2022, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đầu tiên về phát huy vai trò của Mặt trận đối với nhiệm vụ triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hội thảo đã nhận được tham luận của 16 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, trong đó có 6 Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, 8 Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và 2 Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Các tham luận đánh giá các kết quả đã đạt được trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ở các địa phương được thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư trong thời gian qua, nhất là kết quả đạt được trên các lĩnh vực: xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giảm nghèo bền vững… với các nội dung cụ thể: Hỗ trợ xây dựng và phổ biến, nhân rộng mô hình sản xuất; hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư cho sản xuất; đầu tư các công trình phục vụ đời sống như điện sinh hoạt, cấp nước sinh hoạt tập trung; bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ cho người dân… qua đó tạo chuyển biến trên tất cả mọi mặt đời sống chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp được triển khai hiệu quả. Đối với cấp tỉnh, trên cơ sở định hướng nội dung giám sát, phản biện xã hội của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp lựa chọn nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân để thực hiện giám sát: Giám sát việc công khai, minh bạch trong triển khai xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; Luật Hợp tác xã, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã chú trọng vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, chính sách ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số; dự án làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; việc điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc đền bù giải phóng mặt bằng… Thông qua việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong triển khai Chương trình, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp trên có thẩm quyền xem xét giải quyết, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, dự án, tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền còn chưa quan tâm đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ công tác giám sát của Mặt trận; Việc tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi còn lúng túng, chưa đưa ra được tiêu chí lựa chọn nội dung cho phù hợp, một số nơi còn làm hình thức, thụ động, chưa làm tốt việc theo dõi kết quả kiến nghị sau giám sát, làm giảm hiệu quả việc giám sát; Chất lượng giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Những giải pháp trọng tâm thực hiện Chương trình trong thời gian tới

Tại Hội thảo Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực phía Bắc do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/10/2022 tại tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nội dung các văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời nắm chắc việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương hằng năm để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; cần lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình. Từ đó, tìm ra các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc cần có chương trình phối hợp cụ thể. Chính quyền cần tạo các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện tốt chức năng giám sát. Mặt trận thường xuyên trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với chính quyền để thực hiện tốt công tác nắm tình hình Nhân dân, tập hợp, phản ánh và giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri và Nhân dân. Đặc biệt là tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để cấp ủy, chính quyền trả lời những vấn đề người dân bức xúc kiến nghị tại cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tổ chức tập huấn, kỹ năng giám sát cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách và không chuyên, đặc biệt cho các đối tượng là thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở để trang bị kiến thức, hiểu dự án để thực hiện giám sát hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai trên địa bàn.

Chú thích:

1. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025.

2. Kế hoạch số 595/KH-MTTW-BTT (6/9/2022) của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai thực hiện và giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.

Đặng Hồng Vân

Tạp chí Mặt trận, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều