Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục

Trong tình hình mới, công tác thi đua, khen thưởng (TĐ-KT) trong ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đổi mới toàn diện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; góp phần nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục, thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952. Ảnh: internet 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng khơi dậy, phát động phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vừa chứa đựng những giá trị khoa học, nhân văn cao cả, vừa bao hàm những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn khó khăn, cam go và quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Từ đây, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nói về thi đua, Người nhấn mạnh: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hằng ngày. Thật ra công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua. Thí dụ từ trước đến nay ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn, mọi việc đều thi đua như vậy”Theo Hồ Chí Minh, công việc hàng ngày của mỗi người là nền tảng của thi đua yêu nước. Để có phong trào thi đua với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp quần chúng phải chú trọng tất cả các mặt lợi ích; phải lấy lợi ích của dân tộc làm trọng, làm điểm tương đồng, phải kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, cộng đồng. “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

Người nói: “Thi đua là cải tạo con người, càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi tiến bộ”. Theo đó, thi đua yêu nước cũng là môi trường tu dưỡng, rèn luyện con người. Qua đó, mỗi người biết nâng cao ý thức, chủ động khám phá, sáng tạo, dám hy sinh vì nghĩa cả, biết sống vì đạo lý, hăng hái làm việc tốt, biết phấn đấu để trở thành người tốt.

Người cũng chỉ rõ: “Thi đua không phải là tranh đua… không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”. Đó là “một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”. Nhờ công tác thi đua mà bản thân thi đua thể hiện rõ sức thu hút, sự huy động đối với mọi nguồn lực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và mục tiêu, nhiệm vụ cho công cuộc đổi mới.

Thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng. Khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Người nhấn mạnh: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục; động viên, khuyến khích phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, xây dựng con người mới.

Hồ Chí Minh chủ trương đa dạng các hình thức TĐ-KT, bởi “Số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”. Vì thế, bên cạnh hình thức tuyên dương Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương Người tốt, việc tốt để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội. Người đề nghị xuất bản sách người tốt, việc tốt, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, qua đó nhân lên nhiều tấm gương điển hình tiên tiến mới.

Ngày 27/3/1948, trong bối cảnh khó khăn, thách thức của những năm đầu cuộc kháng chiến kiến quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó nêu rõ “Thi đua ái quốc là gì? Là ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”(1).

Trong các giai đoạn của sự nghiệp cách mạng, có thể nói, việc tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh; mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, trở thành động lực và hành động cách mạng trong các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Để phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển, phù hợp với tình hình mới, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TĐ-KT, từ năm 1998 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác TĐ-KT. Thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác TĐ-KT, năm 2003, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng và được sửa đổi bổ sung năm 2005 và 2013. Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về TĐ-KT vào đời sống xã hội.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TĐ-KT ĐỂ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Công tác TĐ-KT của ngành Giáo dục trong những năm qua luôn được thực hiện nghiêm túc, ngày càng hoàn thiện về chất lượng, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước, thực tiễn của ngành; góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, công đoàn giáo dục, cơ sở giáo dục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên các cấp học.

Nhìn chung, công tác khen thưởng trong bình xét, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng; kịp thời phát hiện và khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, như Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xã hội hóa giáo dục”... được ngành phát động và triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của giáo dục với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên các cấp tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm học của ngành.

Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, chiến sĩ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện tích cực, bảo đảm khen thưởng kịp thời. Nhiều chính sách TĐ-KT trong ngành phát huy mạnh mẽ vai trò động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, vượt qua khó khăn để thi đua nghiên cứu, giảng dạy, đổi mới, sáng tạo phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời động viên, khích lệ học sinh, sinh viên thi đua học tập, khơi dậy tinh thần yêu nước, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua của ngành.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số, hoạt động “Sóng và máy tính cho em” trong ngành đã được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.

Trong tình hình mới, công tác TĐ-KT trong ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đổi mới toàn diện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; góp phần nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục, thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; để TĐ-KT thực sự là động lực phát triển và xây dựng con người mới.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN 
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tốt việc học tập, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác TĐ-KT; tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp về đổi mới công tác TĐ-KT gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về  việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới và nâng cao chất lượng, tổ chức hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua trong toàn ngành gắn với thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của ngành giáo dục, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động, phong trào thi đua “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”...

Thứ hai, đổi mới công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ trong công tác TĐ-KT với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Trước mắt, gắn công tác TĐ-KT với triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tạo động lực đưa sự nghiệp giáo dục đất nước phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Tiếp tục tổng kết, đánh giá đầy đủ, cụ thể những vướng mắc, bất cập trong công tác TĐ-KT của ngành để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách; bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với thực tiễn của ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quản lý công tác TĐ-KT của ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Trong tình hình mới,công tác TĐ-KT trong ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đổi mới toàn diện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; góp phầnnâng cao chất lượng chất lượng giáo dục,thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;để TĐ-KT thực sự là động lực phát triển và xây dựng con người mới.

Thứ ba, việc tổ chức các phong trào TĐ-KT phải bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hướng về cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học; quyết tâm, quyết liệt khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Quan tâm hơn nữa đến công tác TĐ-KT khu vực giáo dục ngoài công lập, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác TĐ-KT. Coi kết quả công tác TĐ-KT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, công chức, viên chức, nhân viên cơ sở giáo dục; tiêu chí để bề bạt, bổ nhiệm và thực hiện các chế độ đãi ngộ.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác TĐ-KT của ngành ngày càng chuyên nghiệp, đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác TĐ-KT về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, kiến thức về công tác TĐ-KT. Nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng TĐ-KT từ cấp sở, phòng đến các cơ sở giáo dục trong đề xuất, tham mưu nội dung các phong trào thi đua, xét công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng; chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác TĐ-KT, có giải pháp kịp thời đưa TĐ-KT ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Triển khai phần mềm quản lý, lưu trữ các dữ liệu về TĐ-KT trong toàn ngành để tạo thuận lợi trong việc tra cứu và thống kê.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về TĐ-KT trong ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong công tác TĐ-KT; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng các quy định về TĐ-KT; phát hiện những và chấn chỉnh những biểu hiện chạy theo thành tích, thực hiện hình thức - “làm cho có”, mâu thuẫn nội bộ...
Thứ sáu, phát huy sức mạnh tổng hợp của tổ chức Công đoàn Giáo dục với các tổ chức đoàn thể ở nhà trường trong việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục và TĐ-KT. Làm tốt công tác phối hợp giữa công đoàn với nhà trường, với cấp ủy, chi bộ, với các đoàn thể trong nhà trường và ngoài xã hội để chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng cho công đoàn viên. Qua đó, động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhiệt tình tham gia, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn và triển khai thực hiện tốt việc đổi mới công tác TĐ-KT trong giai đoạn mới./.

Theo Hồ Thị Thanh Bình/Tạp chí Tuyên giáo
______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.9, tr.71.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều