Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân: Cơ hội và thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, trung tuần tháng 4/2023, quy mô dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người, xếp thứ 15 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam xuống phố cổ vũ đội tuyển quốc gia (Ảnh: Tiến Tuấn)

Như vậy, Việt Nam đã trở thành “cường quốc dân số”, xét theo cả quy mô và thứ bậc. Cũng cần nói thêm rằng, từ giữa thế kỷ trước đến nay, dân số thế giới chỉ tăng 3,2 lần còn Việt Nam, mặc dù có thời gian dài chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn, thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình từ năm 1961, dân số vẫn tăng lên 4 lần! Kết quả này chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng phát triển giống nòi bền vững của dân tộc ta. Theo dự báo, dân số nước ta tiếp tục tăng, đạt quy mô lớn nhất khoảng 117 triệu người vào năm 2066 (1); sau đó giảm dần, đến năm 2079 mới xuống dưới 100 triệu(2). Như vậy, quy mô dân số nước ta sẽ duy trì ở mức trên 100 triệu trong khoảng 55 năm.

Câu hỏi đặt ra là: 100 triệu dân mang lại những cơ hội nào và đặt ra thách thức gì đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước? Có thể nhận thấy ngay rằng, con số 100 triệu dân không tự nói lên cơ hội hay thách thức. Để phát hiện, nhận rõ cơ hội hay thách thức, cần gắn quy mô dân số lớn này với bối cảnh kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay và tương lai.

NHỮNG CƠ HỘI

Trước hết, với 100 triệu dân, Việt Nam là một thị trường có nguồn nhân lực lớn. Ngày nay, mỗi năm, chỉ cần cung cấp cho mỗi người Việt Nam 10USD sản phẩm hay dịch vụ nào đó, đã có thể thu về cả tỷ USD! Vì vậy, bên cạnh mở rộng thị trường ra thế giới, chúng ta đang có cơ hội lớn để phát triển thị trường ngay trong nước. Tương tự, nếu mỗi người đóng góp một khoản tiền nhỏ, xã hội đã có một khoản tiền lớn để tập trung giải quyết một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, mỗi người Việt Nam chỉ góp 20.000 đồng, cả nước đã có 2.000 tỷ đồng, đủ để xây một cây cầu lớn. Sức ép của quy mô dân số lớn cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sáng kiến, thậm chí mở ra cuộc cách mạng kỹ thuật, đột phá tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách mạng Xanh là một ví dụ. Đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra những giống mới và năng suất cao (chủ yếu là cây lương thực), bắt đầu khoảng giữa thế kỷ trước. Dễ hiểu, Mexico và Ấn Độ thuộc nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới là hai trung tâm của cuộc cách mạng này.

Việt Nam đạt 100 triệu dân vào giữa thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng”, nghĩa là thời kỳ tỷ lệ những người trong độ tuổi có thể có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) trong tổng dân số rất cao, trên 66%. Năm 1979, tỷ lệ này chỉ có 52,2% (3) nhưng hiện nay là 67,5% (1). Sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn và “cơ cấu dân số vàng” đã mang lại cho nước ta nguồn lao động dồi dào. Nếu cùng 100 triệu dân, năm 1979 chỉ có 52,2 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 64 nhưng năm 2023 có 67,5 triệu người, nhiều hơn tới 15,3 triệu người so với số liệu giả định, tương đương 29,3%! Đây chính là “dư lợi” do “cơ cấu dân số vàng” mang lại. Để tận dụng hiệu quả “dư lợi” này, cần nâng cao: (1) Tỷ lệ những người trong nhóm tuổi từ 15 đến 64 có khả năng làm việc; (2) Tỷ lệ những người “có khả năng làm việc” có việc làm và (3) Tỷ lệ những người “có việc làm” làm việc với năng suất, thu nhập cao.

Kết quả của chính sách đổi mới đã và đang tạo ra những điều kiện để Việt Nam nâng cao 3 tỷ lệ nói trên. Nhờ thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có tiến bộ nên sức khỏe của người dân ngày càng tốt lên. Tuổi thọ trung bình của nước ta năm 2020 đạt 73,7 năm (cao hơn mức bình quân của thế giới). Trong các thành phần của “Chỉ số phát triển con người” (HDI), chỉ số sức khỏe cao nhất, đạt 0,826(4). Sức khỏe được cải thiện nên tỷ lệ những người trong độ tuổi (từ 15 đến 64) có khả năng lao động rất lớn. Ngay nhóm dân số cao tuổi, nhiều người cũng đủ sức khỏe để tham gia lực lượng lao động. Năm 2020, người lao động cao tuổi chiếm tới 8,7% lực lượng lao động của cả nước (gần 4,8 triệu người)(5).

Trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, dân số đông, mật độ cao, thị trường lớn và lao động dồi dào,… là những yếu tố hấp dẫn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam cũng có đủ nhân lực để phát triển nền kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Chính vì vậy, việc làm được mở rộng nên người có khả năng làm việc được đảm bảo việc làm khá đầy đủ. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chỉ ở mức 2,48%; lao động thiếu việc làm cũng chỉ chiếm 2,52% những người trong độ tuổi lao động đang có việc làm(5).

Cơ cấu lao động nước ta đang dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại, hiệu quả, năng suất cao. Năm 2000, tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ mới đạt 37,7%; năm 2020 đã tăng lên 66,9%(5)! Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa cao (các nước phát triển, khoảng 96 - 97%). Điều này có nghĩa là dư địa cho dịch chuyển cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế còn rất lớn. Hơn nữa, thuận lợi cơ bản của Việt Nam khi đạt 100 triệu dân là mức sinh ở nước ta đã giảm, thấp. Gần 20 năm nay, bình quân mỗi bà mẹ sinh khoảng 2 con, mô hình gia đình nhỏ trở nên phổ biến. Ít con, các gia đình chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện cho con được giáo dục, đào tạo tốt hơn. Đây là yếu tố cơ bản, tiên quyết nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Từ năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta đã đạt 0,703 và được xếp vào nhóm nước có HDI cao. Trình độ học vấn của người dân được nâng cao dần, tỷ lệ lao động có việc làm có trình độ chuyên môn kĩ thuật từ sơ cấp trở lên, tuy còn thấp nhưng tăng nhanh. Năm 2010, tỷ lệ này mới có 14,7% nhưng năm 2020 đã đạt 24%. Những yếu tố trên góp phần cải thiện đáng kể năng suất lao động. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong 10 năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 2,5 lần(6).

Như vậy, dân số đông, lực lượng lao động dồi dào nhưng được đảm bảo việc làm, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ, cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng hiện đại, hiệu quả là những nhân tố trực tiếp thúc đẩy “bứt phá” tăng trưởng kinh tế của nước ta. Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, năm 2021 đạt 1.149 tỷ USD, gấp 14,4 lần so với năm 1990 và Việt Nam đã lọt vào tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới(7), thứ hạng này sẽ tiếp tục được cải thiện nhanh. Quy mô dân số và kinh tế lớn góp phần củng cố vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực cũng như nâng cao tiềm lực bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

NHỮNG THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG

Tuy nhiên, 100 triệu dân cũng đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trước hết, về an ninh lương thực, năng lượng và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nhiều năm nay, an ninh lương thực của nước ta được giữ vững. Việt Nam luôn thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Song cũng phải lường đến những thách thức trong tương lai: Một là, diện tích đất trồng lúa bình quân đầu người thấp nhưng quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ sẽ yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp. Riêng giai đoạn (2000-2020), diện tích đất trồng lúa giảm gần 327,3 nghìn ha(8),(9). Hai là, Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển từ năm 2007 đã đưa ra  báo cho thấy  Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, 7,14 % diện tích đất nông nghiệp bị tác động của việc dâng mực nước biển dâng (10). Ba là, quy mô dân số lớn, tiếp tục tăng dẫn tới tổng cầu về lương thực ngày càng tăng, trong khi đó tổng cung bị đe dọa chững lại hoặc giảm bởi diện tích bị thu hẹp, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh,... Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, vẫn là một câu hỏi có ý nghĩa. Câu hỏi tương tự cũng đặt ra đối với an ninh năng lượng trong bối cảnh các nguồn lợi tự nhiên (than đá, dầu, khí) cạn dần, nhưng nhu cầu năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng rất lớn và tăng nhanh.

Nhiều nước quy mô dân số lớn nhưng mật độ dân số không cao. Chẳng hạn, năm 2020, mật độ dân số của Nga là 8,8 người/km2, Brazin: 25 người/km2, Mỹ: 36 người/km2,…Ngay Trung Quốc, với hơn 1,4 tỷ dân nhưng mật độ dân số cũng chỉ có 149 người/km2. Trong khi đó, mật độ dân số của Việt Nam lên đến 295 người/km2, gấp khoảng 5 lần mật độ chung của thế giới(9). Mật độ dân số cao phản Ánh sự mất cân đối giữa số dân và tài nguyên đất, đất đai càng trở nên quý hiếm, đắt đỏ. Việc tranh chấp, tranh giành, đầu cơ, “sốt giá” đất diễn ra thường xuyên và phức tạp.  “Giải phóng mặt bằng” ở những nơi mật độ dân số cao ảnh hưởng đến nhiều người dân hơn, khó khăn hơn, làm chậm quá trình xây dựng, phát triển.

Với 100 triệu dân, tất yếu dẫn đến quy mô sản xuất và tiêu dùng lớn. Do đó, chất thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng cũng rất lớn và tăng nhanh. Chẳng hạn, giai đoạn (1989-2015), dân số tăng lên 1,42 lần(11); sản lượng lương thực tăng 2,55 lần nhưng phân hóa học tăng 29 lần và thuốc trừ sâu tăng 24,2 lần(12)! Rõ ràng, ô nhiễm đất, nước, không khí là thách thức lớn đối với phát triển bền vững của nước ta.

Chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta tăng lên nhưng chưa cao. Năm 2021, chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung của các quốc gia Đông Nam Á và xếp thứ 115 trong tổng số 191 nước so sánh trên thế giới (13). Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật thấp và tập trung nhiều trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tận dụng được thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững ngay cả khi thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” trôi qua thì chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cao mang tính quyết định. Nhưng nâng cao chất lượng hàng chục triệu lao động, hàng trăm triệu dân lại là thách thức vô cùng to lớn.

Một hiện tượng xã hội đặc sắc của thế giới trong thế kỷ 21 là già hóa dân số. Cùng với xu hướng chung này của thế giới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi (NCT) Việt Nam không ngừng tăng lên. Điều khác biệt ở đây là Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ NCT trong tổng dân số tăng nhanh nhất thế giới. Nếu như tỷ lệ NCT từ 10% (bắt đầu bước vào quá trình già hóa) tăng lên 20% (dân số già), nước Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ: 69 năm,… thì nước ta chỉ cần 25 năm (2011-2036)(14)! Già hóa là thành tựu của phát triển. NCT là kho tàng tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu NCT ở nước ta vẫn tiếp tục làm việc tạo thu nhập và cống hiến cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, già hóa cũng đặt ra những thách thức, như: Làm thế nào để đảm bảo cho hàng chục triệu người cao tuổi có an sinh thu nhập, khỏe mạnh, phát huy được khả năng, kể cả đáp ứng nhu cầu làm việc có thu nhập và được sống trong môi trường xã hội thân thiện, hòa thuận giữa các thế hệ?

Rõ ràng, quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số biến đổi nhanh vừa mang lại những cơ hội lớn và những thách thức gay gắt trong quá trình phát triển của nước ta. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp  hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, tháng 10 năm 2017, đã chỉ rõ: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW về công tác dân số trong tình hình mới cho thấy, việc quán triệt sâu sắc quan điểm nói trên, cụ thể hoá từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống cần được Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp chú trọng, quan tâm hơn nữa./.

ThS. Bác sĩ Nguyễn Doãn Tú
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số 

Theo Tạp chí Tuyên giáo

------------

  1. Tổng cục Thống kê: Dự báo dân số Việt Nam, giai đoạn 2019-2069, H, 11/2020.
  2. UN. World Population Prospects 2019. https://population.un.org/wpp/
  3. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Dân số Việt Nam 1/10/1979, H, 1983.
  4. Tổng cục Thống kê Tổng cục Thống kê: Báo cáo “Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, H, 2021.
  5. Tổng cục Thống kê: Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020, Nxb. Thống kê, H, 2021.
  6. Báo Nhân dân (điện tử): Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất ASEAN, ngày 29/11/2022.
  7. World Bank.GDP, PPP (Curent International $)- Vietnam

    https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.PP.CD?locations=VN

  8. Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê năm 2001, Nxb. Thống kê, H, 2002.
  9. Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê năm 2020, Nxb. Thống kê, H, 2021.
  10. Nguyễn Thế Chinh: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nước ta: Thực trạng, những vấn đề mới đặt ra và giải pháp, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, ngày 17/6/2020.
  11. Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Thống kê, H, t.2, 12/ 2004 và 6/2015
  12. Báo cáo ngành phân bón.
  13. (13) UN. Viet Nam is well placed to regain Human Development momentum: UNDP

https://www.undp.org/vietnam/press-releases/viet-nam-well-placed-regain-human-development-momentum-undp (9/9/2022)

(14) UNFPA: Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, H, 7/2011.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều