Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Trước thềm chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-3/11, phóng viên TTXVN tại London đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long về chuyến đi này.
 Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp?

Nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm và dự Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Glasgow từ ngày 31/10- 3/11. Sau gần 2 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, chuyến đi của Thủ tướng có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.

Năm nay, ngoài các phiên họp theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nước chủ nhà Anh đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) vào ngày 1-2/11 để khởi động cho Hội nghị COP26. Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần này có đại biểu từ 197 nước thành viên tham gia UNFCCC, gần 100 nguyên thủ và lãnh đạo Chính phủ các nước, hàng trăm các tổ chức quốc tế, và cơ quan thông tấn báo chí thế giới. 

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực, và một đối tác tin cậy và có trách nhiệm. Đây cũng là dịp để ta thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Xin Đại sứ cho biết các hoạt động chính trong chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và ý nghĩa của các hoạt động đó?

Trong 3 ngày công tác tại Scotland, Thủ tướng sẽ có nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo COP26 và các hoạt động tiếp xúc cấp cao song phương với Lãnh đạo các nước và các hoạt động bên lề khác, trong đó có dự bữa sáng cùng lãnh đạo một số nước theo lời mời của Thủ tướng Anh Borris Johnson.

Trước ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp gỡ thân mật cộng đồng người Việt tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Đây là hoạt động quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước. 

Thủ tướng và đoàn cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước như dự Lễ ra mắt đường bay thẳng Việt Nam - Anh và Lễ ký công bố Tổng đại lý của hãng Bamboo Airways, và chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng cũng sẽ dự Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam và nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh và quốc tế, qua đó củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng sẽ có buổi làm việc với ông Pascal Soriot, Tổng giám đốc Công ty AstraZeneca, và dự Lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa AstraZeneca với các đối tác Việt Nam. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác về chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và vaccine giữa AstraZeneca và Việt Nam, hướng tới việc đảm bảo khả năng tự chủ về thuốc và vaccine, là tiền đề để chúng ta sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Xin Đại sứ cho biết những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH?

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi BĐKH, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với BĐKH. Năm 2020, Việt Nam nộp Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Ban Thư ký Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC). Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới nộp và là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng có thể nói rằng chúng ta đã và đang thực hiện tốt những nghĩa vụ quốc tế của mình trong lĩnh vực này nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới về ứng phó với BĐKH, đồng thời giải quyết và khắc phục các tác động tiêu cực của BĐKH đang diễn ra tại Việt Nam. Các nỗ lực của Việt Nam thực hiện UNFCCC đã được ghi nhận tại các diễn đàn quốc tế và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các cam kết về chống BĐKH.

Xin Đại sứ cho biết hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực BĐKH đã đạt được những kết quả gì và kế hoạch hợp tác trong thời gian tới?

Năm 2010, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký thỏa thuận Quan hệ Đối tác chiến lược, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới. Trong thỏa thuận này, phát triển bền vững, trong đó có chống BĐKH, là một lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Hai nước đã có nhiều chương trình, dự án hợp tác trong vấn đề BĐKH, như các hoạt động đối thoại, trao đổi chính sách, nghiên cứu cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Anh cam kết hỗ trợ chiến lược tăng trưởng kinh tế thích ứng với BĐKH và ít phát thải carbon của Việt Nam, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển giao khoa học-công nghệ và tài chính xanh, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế về ứng phó BĐKH. 

Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng phối hợp trên các diễn đàn quốc tế như thông qua việc tham gia và thực hiện Công ước khung của LHQ về BĐKH, Thỏa thuận Paris về BĐKH và các Hội nghị, cam kết quốc tế khác.

Đối với Anh, Việt Nam được biết đến là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nhưng cũng là nước có tiềm năng lớn để chuyển đổi sang năng lượng sạch thông qua việc loại bỏ dần điện than và tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và năng lượng mặt trời. Nhiều tập đoàn năng lượng của Anh đã và đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, trong đó có các dự án về điện gió ngoài khơi, là một trong những thế mạnh của Anh- quốc gia hiện dẫn đầu thế giới về điện gió ngoài khơi với công suất khoảng 10GW. Chính phủ Anh cam kết sẽ tăng gấp 4 lần công suất này vào năm 2030, tạo ra đủ năng lượng để cung cấp cho mọi gia đình ở Anh.

Trong thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác và đối thoại về ứng phó và giảm thiểu tác động của BĐKH ở cấp kỹ thuật. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. 

Việt Nam mong muốn Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon và nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH, nhất là tại các khu vực đang ngày càng chịu các tác động nặng nề của BĐKH và nước biển dâng.

Chuyến đi của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng truyền thông điệp tới người dân và doanh nghiệp Anh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về chống BĐKH và những chính sách của Việt Nam thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hợp tác hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều