Xây dựng bản sắc Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Xác định bản sắc của bảo tàng là một nhiệm vụ quan trọng và được xem là yếu tố cốt lõi tạo nên thương hiệu, có vai trò quyết định thành công. Bản sắc có tác động lớn đến sự phát triển của các loại hình thiết chế văn hóa, nhưng riêng đối với bảo tàng, có một ý nghĩa đặc biệt. Việc tạo dựng bản sắc bảo tàng đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu thỏa đáng và sự quyết tâm, đồng lòng cao của cả tập thể, đồng thời phải có phương pháp, lộ trình phù hợp để hiện thực hóa trong từng hoạt động của bảo tàng.
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham quan Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Khởi nguyên của bảo tàng gắn với sự đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ của công chúng, vì thế người ta gọi nơi trưng bày bộ sưu tập là “tủ tò mò” hay “phòng kỳ thú”. Sự quý hiếm, khác lạ, độc đáo của bộ sưu tập, sự sáng tạo trong trưng bày và các sản phẩm, dịch vụ là “thỏi nam châm” hút công chúng. Giống như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình, mỗi bảo tàng là một chỉnh thể “độc nhất vô nhị” về cả nội dung, hình thức và cách thức phản ánh hiện thực. Đến với bảo tàng, công chúng luôn đem theo nhu cầu khám phá cái mới lạ, cảm thụ cái đẹp, nhận thức thế giới và bản thân, giải trí và kết nối cộng đồng,… Ngôn ngữ bảo tàng là ngôn ngữ trực quan, tác động trực tiếp đến cảm xúc của công chúng. Nếu bảo tàng không có gì đặc sắc hoặc là bản sao của một bảo tàng khác, thậm chí là bản cóp nhặt từ các bảo tàng đã có thì nó không khác gì một bức tranh vẽ vụng về, hoặc một bức tranh sao chép bán trên hè phố.

“Bản sắc” là một khái niệm phức tạp và có nhiều cách định nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cách tiếp cận. Theo Từ điển Tiếng Việt, bản sắc là “màu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính”1.

Bản sắc bảo tàng là sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng chủ đạo của bảo tàng, được cụ thể hóa thành các nguyên tắc xây dựng và hoạt động, tạo nên giá trị đặc sắc và phong cách riêng của bộ sưu tập, thủ pháp trưng bày, thiết kế nhà bảo tàng và không gian bảo tàng, các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, cách thức phục vụ công chúng, bộ nhận diện thương hiệu, những yếu tố làm nên sự khác biệt và hấp dẫn của bảo tàng.

“Bản sắc của bảo tàng được xác định trên những sưu tập và trọng tâm trưng bày cụ thể. Hình ảnh, truyền thông và văn hóa ứng xử là các công cụ để xây dựng bản sắc của một bảo tàng. Hình ảnh trước hết là thiết kế thị giác của tòa nhà, trang thiết bị, logo, bìa thư, bãi đậu xe… Truyền thông là toàn bộ chiến lược truyền thông của bảo tàng, chẳng hạn thông qua quảng cáo và quan hệ công chúng. Cuối cùng, văn hóa ứng xử điển hình của một tổ chức trong lĩnh vực tiếp thị chính là công cụ cho các chiến lược quảng cáo và truyền thông. Trong lĩnh vực nhân sự, văn hóa đó được xác định trong cách ứng xử hàng ngày giữa các nhân viên với nhau và với công chúng. Bản sắc một bảo tàng quyết định thành công của bảo tàng đó. Điều này không chỉ phụ thuộc vào bảo tàng mà còn phụ thuộc vào cả vị trí địa lý của bảo tàng”.

Cơ sở quan trọng nhất để xác định bản sắc bảo tàng là nội dung bộ sưu tập - yếu tố cơ bản tạo nên thông điệp mà bảo tàng muốn chuyển tải tới công chúng. Chẳng hạn, bộ sưu tập về văn hóa các dân tộc Việt Nam là ngôn ngữ của một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng; hay bộ sưu tập về chứng tích cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam tự nó đã nói lên tính chất vô nhân đạo, phi nghĩa của bom đạn Mỹ và trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và gìn giữ nền hòa bình của chúng ta hôm nay. Để diễn đạt hiệu quả nội dung bộ sưu tập và thông điệp của bảo tàng, đòi hỏi phải có thủ pháp trưng bày phù hợp, các hoạt động bổ trợ đặc thù. Ngoài nội dung bộ sưu tập, các yếu tố cơ bản tác động đến việc xác định bản sắc bảo tàng còn phải kể đến: mục tiêu của bảo tàng; đặc điểm đối tượng mục tiêu mà bảo tàng hướng tới; quan điểm của cơ quan chủ quản và lãnh đạo bảo tàng; các nguồn lực của bảo tàng hiện có và có khả năng huy động,… Các yếu tố trên đặt ra những yêu cầu về mô hình, giải pháp và cách thức xây dựng một bảo tàng lý tưởng, đòi hỏi người quản lý phải tìm ra tư tưởng chủ đạo cho việc thực hiện. Sự sáng tạo trong tư tưởng chủ đạo của bảo tàng bao giờ cũng là một giải pháp độc đáo, tối ưu. Xác định bản sắc bảo tàng phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc các tiền đề, đồng thời dự báo được xu thế vận động và phát triển của nhu cầu xã hội, của bản thân bảo tàng.

Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sứ mệnh diễn giải và chuyển tải đến công chúng niềm tự hào về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc như một trong những cội nguồn tạo nên sức mạnh, bản sắc và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam; là không gian đối thoại, tái nhận thức những vấn đề lịch sử và xã hội, chống lại các biểu hiện kỳ thị và tham gia vào việc hòa hợp dân tộc, hòa hợp cộng đồng.

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng chủ đạo, có ý nghĩa định hướng xuyên suốt trong việc xác định nội dung, hình thức, phương thức tổ chức hoạt động của Bảo tàng. Đại đoàn kết toàn dân tộc là sự gắn kết của các cư dân có chung ý thức quốc gia - dân tộc với nhau và với cộng đồng quốc gia - dân tộc, cùng chia sẻ những niềm tin, giá trị, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, bản sắc dân tộc, sẵn sàng hợp tác và hành động vì vận mệnh, lợi ích của đất nước, đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ với các thành viên khác trong cộng đồng. Đại đoàn kết gắn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất trong đa dạng, bình đẳng và dân chủ, đề cao tính tương đồng và tôn trọng sự khác biệt, chia sẻ và gắn kết cộng đồng với tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, hài hòa trong quan hệ giữa cá nhân - tập thể - dân tộc.

Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính cộng đồng sâu sắc, thông qua việc trao quyền và tạo cơ chế thuận lợi để cộng đồng tham gia vào các hoạt động của bảo tàng với mục tiêu hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng, cho cộng đồng và của cộng đồng. Việc sưu tầm, tuyển chọn chủ đề, cách thức trưng bày, xây dựng đề cương triển lãm,... về nhóm xã hội nào thì phải có tiếng nói và sự tham gia của chính nhóm xã hội đó. Họ sẽ đồng hành với bảo tàng để kể câu chuyện về chính bản thân họ. Hoạt động của bảo tàng cũng phải hướng tới giải quyết những vấn đề nổi cộm liên quan đến sự gắn kết cộng đồng.

Nội dung trưng bày của bảo tàng phải phản ánh toàn diện về nguồn gốc, tư tưởng và các biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực tiễn đời sống xã hội qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt từ khi có Đảng, truyền thống đoàn kết được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành một đường lối chiến lược đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng sáng lập, tổ chức và lãnh đạo đóng vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng, vun đắp và nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong nội dung và hình thức trưng bày vì thế phải phản ánh được tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, tính dân tộc, tính nhân dân của tổ chức Mặt trận. Đoàn kết trong xã hội đương đại là một nội dung trọng tâm trong trưng bày và trở thành không gian của tinh thần hòa giải, hợp tác, chia sẻ và chống mọi biểu hiện kỳ thị. Hơn nữa, trong trưng bày cần có cách tiếp cận mới, đa chiều, đa tuyến, kết hợp cách tiếp cận lịch sử với tiếp cận nhân học văn hóa, nhân học xã hội, lấy con người làm trung tâm, đem hơi thở cuộc sống hiện đại vào bảo tàng. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa trưng bày theo tiến trình lịch sử với trưng bày theo vấn đề, giữa trưng bày thường xuyên với trưng bày có thời hạn, giữa trưng bày trong nhà với trưng bày ngoài trời.

Tư tưởng chủ đạo của bảo tàng còn được thể hiện thông qua các biểu tượng và bộ nhận diện thương hiệu. Bằng ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc, tòa nhà và không gian bảo tàng phải thực sự trở thành “Ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ở đó, công chúng có thể cảm nhận về sự phong phú, đa sắc của các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo... gắn kết trong một tổng thể quốc gia - dân tộc thống nhất, hài hòa và bền chặt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, các vùng miền của đất nước, cảnh quan và kiến trúc, thẩm mỹ và công năng... Không gian bảo tàng phải tạo được cảm giác gần gũi, thân quen với khách tham quan; có không gian trải nghiệm, khám phá và sáng tạo; sử dụng công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong đầu tư, vận hành, bảo trì; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động bảo tàng và phục vụ công chúng, chú trọng các điều kiện phục vụ, hỗ trợ người khuyết tật. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đồng bộ, thống nhất từ tên bảo tàng, logo, slogan, tòa nhà, cách bài trí không gian, thủ pháp trưng bày, đồng phục nhân viên và tông màu chủ đạo... nhằm tạo được hiệu ứng xúc cảm mạnh mẽ, chuyển tải hiệu quả tư tưởng chủ đạo đến công chúng.

Lãnh đạo dân chủ được xem là phong cách lãnh đạo cơ bản trong việc quản trị, điều hành hoạt động của bảo tàng. Theo đó, cần tạo môi trường và cơ chế để cán bộ bảo tàng chia sẻ ý kiến và quan điểm, khuyến khích các ý tưởng, sáng kiến mới và được tạo điều kiện tham gia vào các quyết định quản lý của bảo tàng. Tăng cường phương pháp làm việc nhóm, ý thức cộng đồng trách nhiệm, qua đó nuôi dưỡng sự gắn kết, hòa nhập giữa các thành viên với nhau, giữa các cá nhân với tập thể. Lãnh đạo bảo tàng phải là người mẫu mực về nhân cách, tư duy đổi mới, phương pháp làm việc, biết lắng nghe và giải quyết hài hòa, thấu đáo công việc cũng như các mối quan hệ, do đó họ có sứ mệnh truyền nhiệt huyết, cảm hứng và là người quy tụ các thành viên trong đơn vị thành một tập thể đoàn kết. Mối quan hệ dựa trên tinh thần trao quyền, hợp tác, chia sẻ và đồng hành giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa cán bộ bảo tàng với công chúng là cơ sở để hình thành nên văn hóa của tổ chức với giá trị cốt lõi là đoàn kết.

Việc tạo dựng bản sắc bảo tàng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu thỏa đáng và sự quyết tâm, đồng lòng cao của cả tập thể cán bộ, viên chức, đồng thời phải có phương pháp, lộ trình phù hợp để hiện thực hóa trong từng hoạt động của bảo tàng.

Chú thích:

1. Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học , 2003, tr.31.

2. James D. Fearon: “Bản sắc là gì (như từ ngữ bây giờ chúng tôi sử dụng)?” (What is identity (as we now use the word)?, https://web.stanford.edu/group/fearon-research/cgi-bin/wordpress/wp-content/uploads/2013/10/What-is-Identity-as-we-now-use-the-word-.pdf

3. Michael Hogg and Dominic Abrams: Social Identifications: A Social Psychology of Intergroup Relations and Group Processes. London: Routledge, 1988, tr.2.

4. Francis M. Deng: War of Visions: Conflict of Identities in the Sudan. Washington, DC: Brookings, 1995, tr.1.

5. Richard Jenkins: Social Identity. London: Routledge,1996, tr.4.

6. Alexander Wendt: “Anarchy is What States Make of It”, International Organization 46, 1992, tr.397.

Chu Văn Khánh*, Bùi Thị Hoàn**

* ThS, Phó Giám đốc Trung trâm Bồi dưỡng cán bộ và NCKH MTTQ Việt Nam

** Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều