Xây dựng nếp sống văn hóa đô thị - Thực trạng và giải pháp

(Mặt trận) - Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh, mạnh ở nhiều địa phương, vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa đô thị là yêu cầu cần thiết. Xây dựng nếp sống văn hóa đô thị và văn hóa quản lý ở các đô thị thực chất là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa mà các ngành, các cấp cùng có trách nhiệm thực hiện. Bài viết nhận diện về thực trạng xây dựng nếp sống văn hóa đô thị hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số nội dung xây dựng nếp sống văn hóa, nhằm tạo nguồn lực xây dựng đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài khảo sát mô hình xử lý rác thải nhựa tại HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.  
Thực trạng đô thị và nếp sống văn hóa đô thị

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa là quy luật tất yếu của sự phát triển. Ở nước ta, từ sau năm 1975 khi kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước tiến hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị để cân bằng trở lại nhịp sống đô thị do hậu quả của chiến tranh kéo dài đã để lại những ảnh hưởng nặng nề trong đời sống đô thị, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa. Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển thúc đẩy mọi lĩnh vực của đời sống thêm năng động, nhịp sống đô thị đã chuyển sang một giai đoạn mới của nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn, hệ thống các đô thị không chỉ tăng về số lượng mà xu hướng liên kết giữa các đô thị để mở rộng phạm vi hoạt động, giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cũng đang phát triển mạnh. Mật độ dân cư thay đổi theo chiều hướng tăng dần ở các đô thị: Nếu như vào năm 1980, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 19%, năm 2013, tỷ lệ này đạt gần 34%, tăng 1%/năm, đến năm 2020 đã đạt tỷ lệ là 40%. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tập trung cao nhất tại vùng Đông Nam Bộ (chiếm tới 64.15%). Đặc biệt, hệ thống đô thị Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong 20 năm qua. Nếu như năm 1999, cả nước chỉ có 629 đô thị, năm 2015 có 787 đô thị, đến tháng 12/2020 có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2009 - 2019 là 2,64%/năm, gấp hơn hai lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp sáu lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn cùng giai đoạn.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB): Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất các nước Đông Nam Á. Về kinh tế: Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 lần đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Hệ thống đô thị quốc gia đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, là những trung tâm động lực phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước1. Chỉ tính riêng năm 2020: 2 đô thị đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội đã chiếm 42,4% tổng nộp ngân sách cả nước.

Do tác động của công cuộc đổi mới và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước, hệ thống đô thị ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng, mở rộng và nâng tầm cao mới với nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế như các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, khu đô thị mới, các công trình công sở cơ quan, khu chung cư nhà cao tầng, khu trung tâm thương mại lớn, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí… đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân.

Thực trạng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị

Thực chất, đô thị Việt Nam tốc độ phát triển mạnh về số lượng, lớn về quy mô, nhưng trên thực tế do nước ta thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trên nền tảng của một nước nông nghiệp, trong đó cư dân nông nghiệp chiếm đa số (trước đây là 75-80% dân số, hiện nay là trên 60% dân số, chủ yếu là cơ chế tam nông: Nông dân, nông nghiệp, nông thôn). Chính vì vậy, đô thị Việt Nam hiện nay có đặc trưng là: chưa cắt đứt hoàn toàn với mô hình văn hóa nông thôn, nông dân, nông nghiệp (nông thôn hóa đô thị), mỗi đô thị Việt Nam đang tồn tại song song giữa những yếu tố văn hóa làng/xã và văn hóa đô thị phố/phường.

Cư dân sống ở đô thị có trình độ tri thức cao so với mặt bằng dân trí chung, có điều kiện tiếp xúc với trình độ văn minh bên ngoài thuận lợi hơn ở nông thôn, nhu cầu văn hóa, nhu cầu vui chơi giải trí, mức hưởng thụ văn hóa của người dân đô thị cũng chênh lệch cao hơn so với dân cư ở các khu vực khác. Lối sống, nếp sống đô thị có tính bao dung, tính thoảng, mở, dễ tiếp biến, chuyển hóa tinh hoa văn hóa ngoại sinh vì vậy người dân đô thị dễ tiếp xúc và tiếp thu các loại hình, giá trị văn hóa mới tiến bộ trong xu thế giao lưu tiếp biến mạnh mẽ, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng tác động của văn hóa và lối sống tiêu cực, văn hóa ngoại lai xâm nhập, chi phối mạnh mẽ.

Đô thị mang tính đại chúng, đa văn hóa, đa tôn giáo, do đó đô thị không chỉ là nơi tập trung các mối quan hệ kinh tế - chính trị - văn hóa, mà còn là nơi cọ sát nhiều luồng văn hóa trong và ngoài quốc gia. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đã và đang làm thay đổi tập quán kinh doanh, sản xuất của người dân đô thị theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đa thành phần, đa dạng dịch vụ theo quy luật kinh tế thị trường. Người dân đô thị ngày càng chú trọng đến chất lượng các loại hình dịch vụ văn hóa, có điều kiện để chọn lựa các phương thức hưởng thụ giá trị văn hóa khác nhau. Trong tổ chức đời sống văn hóa đô thị, cộng đồng cư dân đô thị về cơ bản đã khắc phục được tác phong sản xuất nhỏ, trì trệ, luộm thuộm, manh mún; hình thành nên tác phong công nghiệp, hiện đại; xây dựng được ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân và ý thức cá nhân về thực hiện nếp sống văn hóa đô thị.

Tình trạng di dân và di chuyển lao động từ nông thôn tới các đô thị lớn và trung tâm công nghiệp, dịch vụ với quy mô ngày càng lớn và đa dạng, số lượng người nông thôn di cư vào thành phố ngày càng đông, gây nên những tác động xáo trộn và ảnh hưởng đến nhiều mặt diện mạo đời sống đô thị. Số đông các gia đình đang sinh sống ở các đô thị phần lớn là các cư dân vùng nông thôn chuyển về làm ăn sinh sống, do vậy cư dân ở đô thị vẫn còn mang theo nhiều tập quán, thói quen của văn hóa làng, xã. Từ nông thôn di cư về làm ăn sinh sống ở các đô thị, mặc dù đã trải nghiệm qua thời gian nhưng cư dân đô thị vẫn không quên nếp sống làng quê, thôn dã (thật thà, chất phác, mộc mạc, bình dị…). Khối phố vẫn mang tính cộng đồng làng xã, các gia đình đều quan tâm lẫn nhau, thăm hỏi chuyện trò, có ấm trà, chén nước, miếng ăn ngon vẫn sẵn lòng mời nhau như ở chốn làng quê, một nhà có công việc đại sự thường được cả phố đều hướng vào lo toan, giúp đỡ. Nhưng vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, sử dụng các phương tiện nghe nhìn công suất quá tải, dịch vụ internet… có nơi gây bức xúc cho những cư dân cùng phố.

Tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái, quý trọng đạo lý trong ứng xử giữa người và người là những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy. Bên cạnh đó còn tồn tại một số nhược điểm của nếp sống tiểu nông (nông dân, thôn quê) cùng với những tập quán và thói quen lạc hậu có tác động xấu đến nếp sống đô thị, biểu hiện như: ý thức chấp hành, thực thi luật pháp, và tuân theo các quy định về quản lý hành chính đô thị, các thủ tục pháp lý trên mọi phương diện của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ý thức của một bộ phận người dân trong đời sống sinh hoạt còn bộc lộ những điểm yếu (thực hiện nếp sống văn hóa chưa tốt, đổ rác chưa đúng nơi quy định, xả nước bẩn ra môi trường, ý thức thực hiện văn hóa giao thông, văn minh đô thị nơi công cộng... còn yếu, còn bất cập với xu thế tiến bộ của đô thị văn minh và phát triển).

Một số biến đổi trong lối sống, nếp sống văn hóa đô thị

Đô thị hóa, công nghiệp hóa là quá trình mang tính quốc tế hóa, kết quả của nó là tạo ra trên phạm vi quốc tế nền văn minh đô thị và lối sống công nghiệp thị dân có tác dụng đẩy lùi văn hóa bản địa cổ truyền. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trên diện rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước hiện nay đang phá vỡ sự yên tĩnh, thanh bình của vùng thôn quê, đồng thời mở cửa tạo cơ hội cho nông dân ở các vùng nông thôn di cư mạnh về thành phố, làm cho nếp sống văn minh vốn đã có của các đô thị không còn định hình và ổn định được như trước. Một vấn đề có tính quy luật là tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa càng nhanh, mạnh thì các giá trị văn hóa truyền thống càng bị suy giảm và tan loãng nhanh hơn.

Về hưởng thụ nhu cầu văn hóa, cư dân đô thị đang bị phân hóa, một bộ phận cư dân đô thị ở những thành phố lớn có lối sống lành mạnh, có điều kiện tiếp thu các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, luôn cập nhật thông tin, có điều kiện nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần. Một bộ phận khác, nhất là giới trẻ đang bị ảnh hưởng lối sống ngoại lai, chưa coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một bộ phận cư dân đô thị còn lại, do thu nhập thấp nên mức hưởng thụ văn hóa tinh thần còn nghèo nàn. Số dân cư này phổ biến ở vùng ngoại thành và các quận, huyện ven đô đang trong tiến trình đô thị hóa.

Đặc thù của nhịp điệu đời sống đô thị hiện nay có nguy cơ đang ngày càng đánh mất tính cộng đồng, tính tập thể, tính nhân văn của văn hóa làng xã trong nếp sống, lối sống người dân đô thị: Tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân mật với lối sống nhân nghĩa “bán anh em xa mua láng giềng gần”,“tối lửa, tắt đèn đều có nhau”, “thương người, thương mình”, “thương người như thể thương thân”... bị chi phối mất dần thay vào đó là những quan hệ đứt đoạn, ẩn danh, là sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm và có phần thực dụng. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, mạnh ở một số vùng ngoại vi, vùng ven đã có những tác động ảnh hưởng đến việc xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại có bản sắc dân tộc tại khu vực đô thị, tạo nên những biến đổi, cụ thể:

Biến đổi về môi trường văn hóa: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại về văn hóa. Tác động của quá trình này đã làm cho các giá trị văn hóa truyền thống dễ bị mai một dần, các sản phẩm văn hóa “độc hại”, lai căng, đồi trụy nằm ngoài tầm kiểm soát len lỏi vào đời sống xã hội của mỗi đô thị đang làm vẩn đục tâm hồn, cốt cách một bộ phận con người. Hiện nay, tại một số đô thị trong đời sống sinh hoạt văn hóa đang nảy sinh những hiện tượng văn hóa không phù hợp với văn hóa dân tộc như: các loại hình văn hóa phẩm độc hại “trái luồng” xâm lấn, gồm: sách báo, băng đĩa, báo chí xuất bản lậu, xuất hiện trò chơi điện tử, máy tính, các trò chơi giải trí được thưởng bằng tiền tại vũ trường, trên internet... Văn hóa đọc, văn hóa viết, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc ít được quan tâm, lối sống lạnh lùng có phần vô cảm trong một bộ phận giới trẻ đã xuất hiện.

Biến đổi về lối sống, nếp sống gia đình đô thị: Trên thực tế ở nhiều nơi, nhất là ở các đô thị lớn, đời sống gia đình đã có biểu biện của sự khủng hoảng. Quá trình công nghiệp hóa gia tăng làm cho các gia đình đô thị phải phân công lại sức lao động, nhu cầu văn hóa, nhu cầu du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi giải trí ngày càng tăng lên. Trong mỗi gia đình, sự thay đổi về đạo đức, lối sống cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Để thỏa mãn nhu cầu vật chất ngày càng tăng, các thành viên trong một số gia đình kiếm tiền, làm giàu dưới các hình thức khác nhau, thậm chí hy sinh các nhu cầu bình thường trong cuộc sống làm giảm sút tình cảm ảnh hưởng đến sự gắn bó thân mật của các thành viên trong gia đình.

Trong thời kỳ đổi mới, đô thị nước ta đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ phản ánh nhịp điệu phát triển mới của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, môi trường văn hóa đô thị đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều biểu hiện tiêu cực của lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội đang có nguy cơ làm xói mòn những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc. Xu hướng phát triển của các đô thị trong thời gian tới tiếp tục đặt ra những thuận lợi, những khó khăn thách thức mới đòi hỏi các ngành, các cấp, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, tìm ra các mô hình mới, các nội dung và biện pháp tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Xây dựng một môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, tiến bộ là tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển kinh tế, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đối với khu vực văn hóa ở địa bàn nông thôn và các địa bàn khác trong cả nước.

Giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng

Nếp sống nơi công cộng là bức tranh phản ánh diện mạo đô thị và nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội, nơi diễn ra những sinh hoạt xã hội, như: rạp hát, rạp chiếu bóng, nhà ga, siêu thị, chợ, công viên, khu vui chơi giải trí… cần xây dựng cho mỗi người có ý thức hiểu biết và tôn trọng luật pháp, tôn trọng các quy tắc trật tự, vệ sinh, an toàn giao thông. Tổ chức tốt các dịch vụ vệ sinh ở những nơi công cộng. Sử dụng những quy tắc, quy định, tín hiệu để hướng dẫn nếp sống nơi công cộng. Chú ý đến cảnh quan chung, ngoài sạch sẽ còn phải chú ý đến đẹp, phù hợp với thẩm mỹ, từ kiến trúc nhà cửa, khuôn viên gia đình, đường phố, ngõ phố theo quy hoạch, đến nếp ăn, mặc, ở, đi lại và giao tiếp giữa người với người. Nếp sống văn minh nơi công cộng phải thể hiện văn minh, lịch sự trong quan hệ giao tiếp giữa người với người; giữ vệ sinh chung, bảo vệ môi trường; bảo vệ tài sản công cộng, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội.

Xây dựng, bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với truyền thống bản sắc dân tộc

Phải sưu tầm, khai thác các phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, từng dân tộc, đưa các phong tục tập quán truyền thống hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Cải tạo những tập quán lạc hậu, xây dựng tập quán mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại, văn minh, tiến bộ. Nội dung này được tập trung vào: việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội, mừng thọ, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. Giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng niu quý trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, loại bỏ những phong tục tập quán xấu, lối sống, nếp sống, tập tục lạc hậu không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình đô thị

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách cho từng thành viên. Mối quan hệ gia đình là mối quan hệ nhân bản sâu sắc. Gia đình tốt thì xã hội tốt, hạt nhân xã hội là gia đình, muốn củng cố xã hội thì đầu tiên chúng ta phải củng cố gia đình. Củng cố gia đình là củng cố hạt nhân của xã hội. Do đó, xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải chú trọng xây dựng gia đình văn hóa mang sắc thái văn minh đô thị (văn minh, lịch sự, thương người, hiếu khách...). Ngành văn hóa phải có trách nhiệm tham mưu định hướng xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình và nếp sống văn minh nơi công cộng đô thị với những tiêu chí phù hợp với sự phát triển.

Làm rõ đặc trưng để triển khai vận dụng thực hiện xây dựng gia đình văn hóa và con người trong xã hội phát triển

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải gắn với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn mặc, đi lại, quan tâm các nhu cầu văn hóa, tạo sự hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần cho con người, việc hình thành nhân cách con người có nếp sống văn hóa đô thị là mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Cần quan niệm văn hóa là con người, những giá trị văn hóa nằm ngay trong từng con người, được trưởng thành, tôi luyện từ đời sống xã hội cần phải được bồi dưỡng, phát huy trong hiện tại và trong tương lai. Sự phát triển một xã hội xét đến cùng là sự phát triển của mỗi con người.

Tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới để xây dựng lối sống, nếp sống đô thị văn minh

Tầm nhìn xây dựng nếp sống đô thị phải được mở rộng và gắn với tầm nhìn của khu vực và quốc tế, hướng tới tương lai và hiện đại nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc, chống xu hướng lai căng, thiếu định hướng về lối sống, nếp sống và thẩm mỹ. Cần giáo dục ý thức trân trọng, bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa hiện có do lịch sử để lại, kế thừa và xây dựng các giá trị văn hóa mới đáp ứng cho yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của từng đô thị. Xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị văn minh trên cơ sở kế thừa lối sống, nếp sống tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc lối sống văn minh nhân loại, khắc phục xu hướng đoạn tuyệt với giá trị truyền thống và xu hướng “ngoại hóa” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa.

Quan tâm đến vùng ven với ý nghĩa là sự đan xen văn hóa của đô thị và nông thôn

Trong công tác xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị, ngoài những đặc điểm chung cần phải quan tâm đến những đặc điểm riêng mang tính chất không ổn định, đa dạng và thay đổi nhanh chóng của các vùng ven, vùng mới đô thị hóa. Đó là quá trình chuyển hóa: cái cũ chưa mất đi, cái mới đang hình thành và phát triển nhưng chưa đủ sức mạnh khẳng định. Đó là sự thay đổi một nếp cũ lên phố là một quá trình thay đổi không thể một sớm, một chiều. Vì vậy, các tiêu chí để xây dựng văn hóa ở những nơi này phải là sự kết hợp hài hòa giữa hai nội dung của Làng (thôn, ấp, bản) văn hóa với Tổ dân phố văn hóa vốn có những đặc thù riêng.

Xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị phải kết hợp giữa “xây” và “chống”

Tuy lấy “xây” để “chống” và lấy “chống” để “ xây”, nhưng trong mối quan hệ này, chúng ta luôn lấy xây làm trọng, như: Xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xây dựng các điển hình tiên tiến, xây dựng gương người tốt, việc tốt… thực chất là xây dựng những pháo đài chống lại tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào đời sống văn hóa đô thị.

Xác định xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa đô thị là cuộc vận động lâu dài, do đó phải phát huy phương châm xã hội hóa, vai trò nhà nước chỉ định hướng, chỉ đạo, dẫn dắt, hỗ trợ, yếu tố quan trọng để giữ vững sự tồn tại lâu dài của lối sống, nếp sống văn hóa đô thị là trách nhiệm của cộng đồng, của các tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội (kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trên địa bàn cơ sở). Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần đưa nội dung cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị vào các chương trình công tác cùng với xây dựng quy hoạch và phát triển đô thị. Chủ động chỉ đạo quy hoạch, huy động sức mạnh tổng lực của nhân dân để xây dựng nếp sống văn hóa đô thị. Xây dựng, phát triển đô thị phải phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và tâm lý, tính cách, phong tục, tập quán của cộng đồng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và giảm thiểu các bất cập của đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa của đất nước, hướng về xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, là cơ sở để hình thành nếp sống văn minh đô thị.

Trần Thị Tuyết Mai

Tiến sĩ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều