Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong tình hình hiện nay

Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ “…chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sau 15 năm tổ chức triển khai Nghị quyết 24, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS& miền núi (MN) đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện.

 

Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ “…chú trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu…”.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sau 19 năm tổ chức triển khai Nghị quyết 24, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm.

Theo kết quả điều tra 53DTTS năm 2019, dân số DTTS có 14,2 triệu người, 3,4 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong đó có 06 dân tộc có trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc có dưới 10.000 người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ); 05 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Tuổi thọ trung bình của người DTTS hiện nay là 69,9 tuổi (thấp hơn so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước 73,2 tuổi).

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS không còn lưu giữ được, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó. Đồng bào dân tộc Mông, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong tình yêu, hôn nhân.

Trước kia, ở các phiên chợ các chàng trai, cô gái thường thổi kèn lá để tìm bạn tình; khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu; đi chơi hội Gầu tào, họ dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình… Nhưng nay, nhiều nơi nhất là lới thanh, thiếu niên đã “quên” dùng nhạc cụ “khèn”, “lá” “sáo”, “đàn môi”…. Việc thổi kèn, thổi sáo hay hát tỏ tình đang bị mai một trong cuộc sống. Không chỉ ở cộng đồng người Mông, trong các cộng đồng Thái, Mường, Tày, Cao Lan… nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ, hay sử dụng nhạc cụ dân tộc… cũng đang mất dần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ mai một về âm nhạc, ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người, cũng đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Dân tộc Bố Y có hơn 2.000 người, thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (ở Lào Cai) và Bố Y (ở Hà Giang). Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày… Ở một số địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch...

 Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: baobacgiang.com.vn
Bên cạnh đó, không gian văn hóa bị tác động, xáo trộn, sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, dẫn đến thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống... Hệ lụy của nó dẫn đến việc thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hóa truyền thống, đối diện với nguy cơ bị xâm lấn, đồng hóa bởi nhiều yếu tố văn hóa khác; một số lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị ảnh hưởng, pha trộn lai tạp với bản sắc văn hóa của các dân tộc sống đan xen như giữa dân tộc La Ha với dân tộc Thái ở Tây Bắc…; nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun… nhiều người cho rằng đó là sinh hoạt văn hóa của người Thái. Hiện nay, từ nhà cửa, trang phục, cưới hỏi, ma chay… của người Ơ Đu ở huyện Tương Dương (Nghệ An) đều pha trộn, vay mượn của người Thái và người Khơ Mú trong vùng và họ cũng dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.

Đồng bào DTTS đa số sinh sống thành cộng đồng ở 4 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Trong đó: Khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số người DTTS cao nhất (khoảng 7,0 triệu người), tiếp đến là khu vực Tây Nguyên (khoảng 2,2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,1 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,3 triệu người), số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các DTTS đều sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh.

Sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào dân tộc ít người. Một số phong tục tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao đang bị biến tướng một cách phản cảm, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, như tục “bắt vợ”, “kéo vợ” của đồng bào Mông, hay tục uống rượu “khát vọng”, “tắm tiên” của đồng bào Thái… Thực tế hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người già, cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình, rồi những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản mà thôi.

Quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển. Hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc đang có nguy cơ biến mất, hoặc biến dạng rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.

PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA, XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, một trong những nhiệm vụ và giải pháp về công tác dân tộc trong thời gian tới là phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể:

Một là, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN gắn với di tích lịch sử văn hóa ở từng vùng, từng địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào DTTS bằng nhiều phương thức như: Ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách xã; các ban, bộ ngành Trung ương phối hợp chỉ đạo, tăng cường luân chuyển sách báo và phát triển hệ thống các điểm phục vụ lưu động tại cơ sở; chú trọng đến các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS&MN.

Hai là, có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ba là, tăng cường công tác truyền thông bằng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao năng lực cho các phóng viên, biên tập viên các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS.

Bốn là, hỗ trợ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS .

 Tiết mục đấu chiêng của đồng bào Cor huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Tấn Khâm
BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Cụ thể hóa Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Quốc hội Khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025. Trong đó, dành riêng Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" ; với mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Đối tượng của dự án là 3.434 xã đặc biệt khó khăn theo Quyêt định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ với 19 nội dung. Dự án sẽ ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các DTTS có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các DTTS rất ít người; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, ngành Văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực, khai thác bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành tài sản và thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống của đồng bào, thì chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh, xây dựng được một chiến lược, lộ trình phát triển rõ ràng, bài bản.

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020", bước đầu cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS còn không ít những khó khăn, bất cập; Cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn coi nhẹ vị trí, vai trò của công tác văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí đầu tư hạn hẹp…

Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của một dân tộc, bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình trong đó vai trò của lực lượng thanh niên vô cùng quan trọng. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần có sự tham gia của cộng đồng người dân đặc biệt là đội ngũ đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số mang yếu tố quyết định, vì chính họ là chủ nhân của di sản hiện tại và tương lai.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư cả trong thực thi, xây dựng môi trường bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; đảm bảo kinh phí để đồng bào thực hiện, bởi việc bảo tồn để phát triển cần có sự đầu tư có tính căn cơ trong nghiên cứu. Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vừa có tính định hướng, vừa gợi mở, tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức và chủ động tham gia;

 

Theo Đinh Xuân Thắng/Tạp chí Tuyên giáo

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều