Cải thiện tình trạng nghèo về thông tin vùng nghèo khó khăn

Nhiều địa phương trên đất nước ta còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là ở những huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Không chỉ thiếu thốn về vật chất mà tình trạng nghèo về thông tin còn gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thông tin về đời sống, kinh tế-xã hội trong và ngoài nước.

Cải thiện tình trạng nghèo thông tin

Để bù đắp những thiếu hụt về thông tin và truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Mục tiêu cụ thể gồm: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; Thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới; Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; Trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới, hải đảo; Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã; Xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử; và Lựa chọn xuất bản phẩm in để xuất bản dưới hình thức xuất bản phẩm điện tử;…

Theo đó, người nghèo, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ tiếp cận mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, các xã ngang ven biển, hải đảo thoát khỏi tình trạng đói nghèo, khó khăn. 

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ban, ngành để triển khai công tác giảm nghèo thông tin, đóng góp để hoàn thành mục tiêu chung đã đặt ra. Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, vận động, huy động nhiều nguồn lực và sự đóng góp của cộng đồng góp phần thực hiện các mục tiêu dự án. Hướng tới đối tượng truyền thông là người dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội, trong đó chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

Mặt trận các cấp đã tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình và các nội dung nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Hình thức truyền thông rất đa dạng bao gồm: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương tới cơ sở; tổ chức các cuộc thi báo chí, thi văn hoá, văn nghệ; hội nghị, hội thảo; các cuộc vận động, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; người làm công tác giảm nghèo; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về Chương trình và chính sách giảm nghèo.

 

Giúp người nghèo tiếp cận thông tin

Trong năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã mở các lớp tập tập huấn về truyền thông và giảm nghèo về thông tin triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi tập huấn này, định hướng nội dung tuyên truyền về giảm nghèo, giúp họ nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Sở Thông tin và Truyền thông đã đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin truyền thông cơ sở và chuyển đổi Đài truyền thanh cơ sở sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Dự kiến đến hết năm 2022, sẽ chuyển đổi được 42/143 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông và hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi 100% đài truyền thanh cấp xã vào năm 2025.

Tại tỉnh Thanh Hóa, nhằm nâng cao nhận thức của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo rất phong phú và đa dạng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã và các hình thức tuyên truyền khác trên địa bàn về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, như: treo băng rôn, pano truyền thông giảm nghèo ở các vị trí công cộng; tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo ở cơ sở giữa lãnh đạo các cơ quan chuyên môn với Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; phát hành tài liệu về công tác giảm nghèo, tờ rơi tuyên truyền chính sách và hướng dẫn cán bộ giảm nghèo và người dân về quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm...

 

Lớp tập huấn truyền thông và giảm nghèo về thông tin tại tỉnh Thanh Hóa

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang bị phương tiện tác nghiệp, thiết lập cụm thông tin cơ sở.       

Tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, tại đó cán bộ phụ trách văn hóa, thông tin cơ sở được truyền đạt những kỹ năng báo chí trong sáng tạo tác phẩm, kỹ năng biên tập tin, bài cho các chương trình phát thanh, đăng tải lên các trang thông tin điện tử cấp xã và các sản phẩm thông tin khác phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn nghiên cứu những văn bản của Trung ương, của tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Qua đó, định hướng nội dung tuyên truyền về giảm nghèo, giúp họ nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều