Đà Nẵng: Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) - Trong giai đoạn 2019-2021, nhờ quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể và các địa phương, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân mà công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng.

Qua 3 năm triển khai kế hoạch giảm nghèo, đã trợ giúp cho 8.488 hộ thoát nghèo (trong đó 926 hộ thoát nghèo theo chuẩn Trung ương) và có 1.320 hộ nghèo phát sinh. Đến cuối năm 2021, toàn thành phố còn lại 4.507 hộ nghèo còn sức lao động, đạt tỷ lệ 1,5%; 2.968 hộ nghèo không còn sức lao động, chiếm tỷ lệ 1,1%; 2.913 hộ cận nghèo chuẩn thành phố, chiếm tỷ lệ 0,97%.

Những chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2019-2021, tính đến cuối năm 2021 cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: chỉ tiêu về vốn, y tế, giáo dục, chính sách bảo trợ xã hội đảm bảo 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận; chính sách về nhà ở vượt 109,17%; 95% chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo đã được hỗ trợ giải quyết; 100% con hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được chính sách ưu đãi giáo dục về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn được hỗ trợ vay vốn; 100% hộ nghèo thuộc gia đình chính sách người có công thoát nghèo.

Các chính sách mang tính đặc thù của thành phố trong việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo, như: trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất, nhà ở, y tế, giáo dục, phương tiện sinh kế, vốn vay ưu đãi,... cùng với phương pháp và cách thức tổ chức triển khai thực hiện năng động, sáng tạo, chặt chẽ, sát với từng hộ nghèo cũng mang lại hiệu quả thiết thực, toàn diện và bền vững.

Nhiều mô hình hiệu quả giúp hộ nghèo có điều kiện tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, vươn lên thoát nghèo được các hội, đoàn thể, địa phương đã xây dựng và nhân rộng. Điển hình như: Mô hình cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp được Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh triển khai thông qua các hình thức “tổ góp vốn xoay vòng”, “giúp nhau lập nghiệp”; mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, “Tổ liên hợp sản xuất nấm linh chi, may thảm chùi chân và đệm lốp ô tô” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; mô hình “Phụ nữ giúp việc nhà” của quận Hải Châu; mô hình nhóm dịch vụ vệ sinh “sạch và gọn”; trồng hoa cúc vàng, nấm rơm, rau sạch, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi bò, gia cầm của huyện Hòa Vang; mô hình “Mỗi chi bộ giúp đỡ một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương” của quận Sơn Trà...

Mô hình trồng hoa cúc giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thành phố đã chi ngân sách hơn 186 tỷ đồng cho 74.686 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ; thực hiện chính sách hỗ trợ riêng của thành phố cho 95.330 người với số tiền 91 tỷ đồng; gần 12 nghìn lượt lao động được vay vốn ưu đãi với số tiền 45,6 tỷ đồng. Sở LĐ-TB&XH Thành phố đã kịp thời triển khai hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho các đối tượng; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có kế hoạch đẩy mạnh triển khai hoạt động đào tạo, đào tạo lại cho những lao động nghỉ việc, mở các phiên tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hằng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; tích cực phối hợp tổ chức ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm tại địa phương... Qua đó, đã đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho gần 1.000 người nghèo; giới thiệu việc làm cho 6.179 lao động nghèo, cận nghèo.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố chưa thật sự bền vững. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi không kịp thời, hiệu quả quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế; một số chính sách giảm nghèo còn mang tính hỗ trợ “cho không”, dàn trải, chưa thật sự khơi dậy sự chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân. Việc vận động người nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm cho người lao động nghèo còn gặp khó khăn, hạn chế nhất định; một số địa phương lúng túng trong thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo.

Mặt khác, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 trong ba năm qua đã tác động lớn đến đời sống người dân và kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, đầu năm 2022, toàn thành phố có hơn 17.000 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều, đây sẽ là thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững của thành phố trong thời gian tới.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, TP Đà Nẵng  ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022–2025 và triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kế hoạch nêu rõ, các sở, ngành, UBMTTQVN thành phố và các tổ chức chính trị - xã hộiphát huy sáng kiến trong xây dựng, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, phấn đấu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Huy động các doanh nghiệp, tập thể, cả nhân trong và ngoài nước có những việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức trí tuệ, của cải vật chất hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.

UBND các quận, huyện, xã, phường đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực nhằm giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững. Gắn phong trào thi đua với các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Đồng thời, quan tâm giải quyết tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, tiếp tục triển khai cuộc vận động "Vì người nghèo" nhân Tháng cao điểm "Vì người nghèo" hằng năm.

Để thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua…

Cùng với đó, các hoạt động cần được tổ chức thiết thực, hiệu quả, sâu rộng với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, tránh hình thức, lãng phí; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện phong trào thi đua ở một số địa phương, đơn vị hằng năm và tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hằng năm, giữa kỳ, giai đoạn vào năm 2025.

UBND thành phố giao các sở, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện phong trào thi đua phù hợp với chức năng nhiệm vụ và thực tiễn từng địa phương để phong trào đạt được kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Thành phố. 

Hải Yến - HQ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều