Đưa điện lưới quốc gia đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Do đặc điểm địa hình cách trở, người dân cư trú phân tán nên nhiều khu vực miền núi nước ta nơi có chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chưa có điều kiện tiếp cận được nguồn điện lưới. Để giải quyết vấn đề này, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi  đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đến 99% các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 Kéo điện lưới về các xã, huyện vùng sâu, vùng xa. Ảnh tư liệu
Việc thiếu điện và các nguồn năng lượng đã khiến việc sản xuất của người dân vùng DTTS gặp rất nhiều khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào cũng gặp nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em. Trước khi có điện, đồng bào thiểu số chủ yếu sử dụng đèn dầu và khai thác điện từ những chiếc tuabin nhỏ lắp đặt bên các dòng suối, tuy nhiên, nguồn điện này không ổn định.

Thực hiện chủ trương của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 về việc đưa điện lưới quốc gia về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho đồng bào nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi tập quán sản xuất cùng với ngân sách quốc gia, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp ở các địa phương huy động thêm nguồn lực tại cộng đồng, ưu tiên  đầu tư phát triển lưới điện những nơi địa bàn khó khăn nhất.

Hiện nay, Điện lực tỉnh Hà Giang đang quản lý, vận hành trên 1.590 trạm biến áp các loại, bảo đảm phục vụ cho hơn 172 nghìn lượt khách hàng. Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Những hộ dân được cấp điện lưới quốc gia trong những năm gần đây chủ yếu là thuộc khu vực các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn của tỉnh. Điện lưới về với các thôn, bản đã không chỉ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân mà còn mở ra nhiều cơ hội để đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng no ấm hơn.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, sản lượng điện sản xuất năm 2022 là 580,20 triệu kWh, điện thương phẩm là 514,08 triệu kWh, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đạt 93%; còn khoảng 8.813 hộ dân, chiếm tỷ lệ 6,75% dân số vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn, DTTS huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình chưa được sử dụng điện. Nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Cao Bằng đạt tỷ lệ 100% số hộ dân được sử dụng điện, địa phương này đề nghị EVN và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xem xét bố trí nguồn vốn của ngành điện để đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp 110 kV đáp ứng nhu cầu điện của tỉnh; đồng thời đề nghị tập trung bố trí nguồn vốn đầu tư cấp điện cho 3 huyện có tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện còn thấp là huyện Bảo Lâm, huyện Bảo Lạc và Nguyên Bình. EVN đang nghiên cứu xem xét phối hợp cùng với tỉnh Cao Bằng để có phương án cấp điện phù hợp, có thể vừa sử dụng điện lưới quốc gia, vừa sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực.

Đồng bào DTTS lần đầu được sử dụng điện lưới quốc gia. Ảnh tư liệu 

Trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai các dự án xây dựng lưới điện cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong năm 2022, tỉnh Điện Biên phấn đấu 92% số hộ dân trong tỉnh sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỉnh đã xây dựng mới 23 trạm biến áp 35kV, tổng dung lượng trên 1.500kVA; lắp đặt trên 56km đường dây 35kV; hơn 43km đường dây 0,4kV, cung cấp điện cho hơn 2.000 hộ dân.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn 34 thôn, bản với khoảng 1.937 hộ dân chưa có lưới điện quốc gia thuộc 7 huyện: Như Thanh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát, Thường Xuân, Lang Chánh. Đây đều là những bản đặc biệt khó khăn với nhiều người dân tộc Mông, Thái sinh sống. Do đặc điểm địa hình phải đi vòng qua nhiều quả núi nên việc cấp điện vào bản gặp nhiều khó khăn. Điện lực tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để sớm đưa điện lưới quốc gia về với bà con vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đồng bào DTTS vùng lõm phát triển. 

Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) là 2 xã vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình hiện chưa có điện lưới quốc gia. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội củng cố an ninh - quốc phòng và đời sống người dân. Sở Công thương tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ mục tiêu là phát triển lưới điện trung áp, hạ áp từ nguồn lưới điện quốc gia về xã Tân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch) đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho việc phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh-quốc phòng khu vực biên giới; đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực miền núi một cách bền vững. 

Gia Lai ưu tiên đầu tư lưới điện cho vùng đồng bào DTTS. Ảnh tư liệu 

Những năm qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lưới điện tại các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiếu số trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, ngành điện Gia Lai đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng lưới điện các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hỗ trợ thi công điện chiếu sáng, sửa chữa điện sinh hoạt giúp người dân. Với sự nỗ lực của ngành điện và sự chung tay của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có điện.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều