Giải pháp công nghệ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp nhận thông tin

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động này cũng nhằm giúp bà con chủ động phòng, chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương.
Cần tăng cường ứng dụng CNNT hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi 
Đề án ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp nhận thông tin

Các nội dung ứng dụng CNTT vùng đồng bào DTTS bao gồm: Xây dựng bộ dữ liệu về các DTTS; xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS; hỗ trợ chẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa đối với đồng bào DTTS; xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS; xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước...

 Đề án chú trọng vào nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc và cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Bảo đảm khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; thiết kế, nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Uỷ ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Để nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS, Đề án tập trung xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo vùng DTTS, người có uy tín trong vùng DTTS; xây dựng và triển khai việc đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất của đồng DTTS; hỗ trợ người có uy tín ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS; tổ chức các mô hình đào tạo từ xa theo hình thức trực tuyến cho đồng bào dân tộc, tập trung vào các lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đào tạo nghề; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng thương mại điện tử cho đồng bào DTTS...

Vai trò của MTTQ trong thực hiện Chương trình

Thời gian qua, công tác tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tại các địa phương đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động, tuyên truyền; kết nối với các tầng lớp nhân dân trên Facebook, Zalo, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. MTTQ đã tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội giúp cho việc ban hành, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh được đồng bộ, đúng quy định của pháp luật, đạt chất lượng, hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Tăng cường CNTT trong công tác tuyên truyền  
Lam Vỹ là xã vùng sâu xa của huyện miền núi Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi có 1.115 hộ, gần 5.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, còn nhiều khó khăn. 

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, MTTQ và các tổ chức thành viên đã phối hợp thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 10/10 xóm. Ngoài ra, xã Lam Vỹ cũng thành lập tổ hỗ trợ bà con tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã.

Ngay sau khi được thành lập, thành viên các tổ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, mở tài khoản và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cập nhật và tiếp nhận thông tin, như: Thái Nguyên ID, C- ThaiNguyen, Sổ tay đảng viên điện tử…

Đến nay, các tổ đã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt cho trên 300 người dân có thể thực hiện giao dịch trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tại tỉnh An Giang, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS năm 2022.

Thông qua lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức và tăng cường ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trên từng vị trí công tác. Từ đó, cán bộ, công chức, Người có uy tín sẽ phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong công tác, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng đồng bào DTTS với các địa bàn trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng, chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh…

Đời sống đồng bào DTTS và miền núi dần được nâng cao một phần nhờ biết ứng dụng các thành tựu của CNTT
Những năm qua, với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và địa phương, đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Ninh Thuận có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Đáng chú ý, tỉnh đã thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về an ninh, trật tự; chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống.

Thu Giang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều