Hà Nội cảnh báo nguy cơ cháy nổ do đốt rác tùy tiện

Hành vi đốt rác không đúng quy định thường diễn ra vào giờ cao điểm buổi chiều, tạo thành cột khói đen bốc cao, gây khói bụi ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe và khiến người dân hoang mang. Nếu lượng rác đốt lớn sẽ làm giảm đáng kể tầm quan sát của người tham gia giao thông.

Ngày 27/12, công an thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ việc đốt rác tùy tiện của người dân. Đám cháy do đốt rác nếu không kiểm soát và xử lý kịp thời, để cháy lan dễ phát sinh thành vụ việc lớn.

Điển hình như sáng 8/11, một vụ cháy kho chứa vật liệu xây dựng xảy ra trong khuôn viên Sở Văn hóa và Thể thao (số 126 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) đã thiêu rụi một chiếc ô tô; hay vụ việc ngày 25/12 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) công an quận Nam Từ Liêm đã 5 lần xuất phương tiện và cán bộ, chiến sỹ xử lý sự cố cháy do người dân tùy tiện đốt rác gần khu dân cư, gần đường lớn có mật độ phương tiện qua lại nhộn nhịp.

  Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội nỗ lực xử lý sự cố cháy do người dân tùy tiện đốt rác gần khu dân cư, gần đường lớn có mật độ phương tiện qua lại nhộn nhịp (Ảnh: công an thành phố Hà Nội cung cấp)
Về hình thức xử phạt, theo công an thành phố Hà Nội, tại Khoản 2 Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 167/2013/NĐ-CP Hà Nội, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình..., sẽ phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác; tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày Nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Ngoài ra, việc đốt rác gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự, nên người dân cần biết và thực hiện nghiêm quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố và triển khai Kế hoạch 273/KH-UBND ngày 24/10/2022 về thực hiện Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác PCCC&CNCH để triển khai thực hiện đồng bộ, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân về PCCC; nhân rộng các mô hình về PCCC đã thí điểm triển khai có hiệu quả trong năm qua; tập trung xây dựng lực lượng dân phòng cả về lực lượng và trang bị phương tiện để áp dụng với yêu cầu “bốn tại chỗ”.

Đáng chú ý, đề nghị phải có hình thức kiểm điểm đối với Chủ tịch UBND cấp xã không chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương, không tổ chức chữa cháy, CNCH giai đoạn ban đầu khi xảy ra cháy nổ trên địa bàn, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại về người, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Theo Anh Tuấn/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều