Hạn chế thiệt hại do “lũ chồng lũ” ở miền trung

Do nhiều yếu tố, các tỉnh miền trung thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nhất là bão, lũ. Những ngày này, mưa lũ đang hoành hành tại các địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
  Ảnh minh họa

Địa hình các tỉnh miền trung hẹp và dốc, nên chỉ sau khoảng hai, ba ngày mưa lớn ở thượng nguồn và đồng bằng là sẽ xảy ra lũ lụt. Nước từ các con sông đổ về rất nhanh, có cường độ mạnh, gây lũ, ngập trên diện rộng, làm nhiều địa bàn bị chia cắt, cô lập. Tình trạng lũ lụt liên miên, “lũ chồng lũ” không còn là hiện tượng hiếm gặp tại các địa phương trong khu vực, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.

Cơn lũ đầu tiên vừa rút, người dân từ nơi sơ tán quay về dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh vườn tược vừa xong thì cơn lũ thứ hai, thứ ba ập đến. Họ lại di chuyển tài sản, gia súc lên cao; sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; chằng chống nhà cửa... Vào tháng 10/2020, một số địa phương thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Phú Yên phải hứng chịu ba, bốn cơn lũ lớn liên tục; nhiều nơi lượng mưa trong một đợt đạt kỷ lục, mức lũ vượt đỉnh lũ lịch sử…

Năm nào vào mùa mưa lũ ở khu vực miền trung cũng có người chết và bị thương, có năm lên đến hàng chục người; nhiều tài sản, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Để giải quyết một cách căn bản những thiệt hại do mưa lũ gây ra, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, chính quyền và ngành chức năng các cấp cần nghiên cứu, xây dựng đề án phòng, chống “lũ chồng lũ”; xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh cao tầng như trường học, trạm y tế, nhà cộng đồng… để người dân tạm trú khi có lũ.

Trước mắt, cho tháo dỡ các công trình làm hạn chế dòng chảy để giải quyết tình trạng mưa không lớn nhưng nước không có lối thoát gây ngập, lũ cục bộ; nạo vét các cửa sông, cửa biển để thoát lũ nhanh; mở rộng các hồ chứa nước; tôn tạo, gia cố hệ thống kênh, đê; quy hoạch bố trí lại dân cư, nhất là ở vùng nông thôn; nâng cao khả năng tự phòng, chống lũ của các hộ gia đình, nhất là tạo điều kiện, hỗ trợ người dân xây nhà ở an toàn trong khu vực thường xuyên bị lũ lụt. Bên cạnh đó, bộ máy phòng, chống thiên tai cần được kiện toàn, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, sẵn sàng phương án ứng phó các kịch bản “lũ chồng lũ” có thể xảy ra.

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều