Hệ lụy từ một dự án lâm nghiệp buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng

Sau hơn 10 năm giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và thực hiện dự án nông lâm kết hợp, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định thu hồi, bàn giao lại cho chủ cũ là một Công ty lâm nghiệp nhà nước quản lý. Đáng chú ý, hàng trăm hécta rừng, đất rừng đã bị tàn phá, lấn chiếm và hệ lụy không biết sẽ còn kéo dài tới bao giờ.
 Các đối tượng lấn, chiếm đất rừng xô xát với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: TTXVN phát
Đối tượng lấn chiếm đất rừng chống người thi hành công vụ

Liên tục trong các ngày qua, tại tiểu khu 1522, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra nhiều vụ xô xát giữa một số đối tượng lấn chiếm đất rừng và lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông).

Đỉnh điểm của sự việc là vào ngày 4/8, khi ông Nguyễn Ngọc Hùng, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên bị một đối tượng chém vào cánh tay, phải nhập viện cấp cứu. Tình hình chỉ tạm lắng dịu khi lực lượng bảo vệ rừng của Công ty dùng súng bắn chỉ thiên và rút lui về trạm quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời trình báo sự việc cho Công an huyện.

Theo các báo cáo của Công ty Nam Tây Nguyên từ đầu tháng 8 đến nay, tại các lô 56, 57, 62, 63…, tiểu khu 1522 thường xuyên xảy ra các vụ "va chạm" giữa lực lượng quản lý bảo vệ rừng và các đối tượng phát dọn, lấn chiếm đất rừng. Có thời điểm, các đối tượng tổ chức thành đoàn với hàng chục người để vừa phát dọn, vừa “cảnh giới”, “bảo vệ” và sẵn sàng chống đối đến cùng nếu có lực lượng bảo vệ rừng hoặc kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn.

Điển hình như các ngày 14 - 17/8, mỗi ngày đều có khoảng 20 - 30 đối tượng tổ chức phát dọn, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1522. Theo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, việc lấn chiếm đất rừng, chống đối người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản đều có tổ chức và manh động. Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh, trật tự tại xã biên giới Quảng Trực cũng như tạo ra tiền lệ xấu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên, cuối năm 2021, đơn vị  được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý, bảo vệ 1.045 ha rừng, đất rừng có nguồn gốc từ lâm phần được giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ba (Công ty Hoàng Ba). Đáng chú ý, phần lớn diện tích này là đất không có rừng và đã bị người dân lấn chiếm để trồng các loại cây nông nghiệp (phổ biến nhất là điều). Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông, trong tổng số 1.045 ha rừng, đất rừng của Công ty Hoàng Ba, có hơn 760 ha là đất không có rừng (chiếm hơn 72%).

Trước đó, tại Kết luận thanh tra toàn diện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Công ty Hoàng Ba vào tháng 5/2019, Thanh tra tỉnh Đắk Nông khẳng định trong vòng 10 năm kể từ khi giao đất vào năm 2008, Công ty Hoàng Ba đã để mất hơn 320 ha rừng tự nhiên. Thêm nữa, trong 1.045 ha rừng, đất rừng được giao, đơn vị này chỉ quản lý được hơn 460 ha, phần còn lại (hơn 570 ha, chiếm gần 55%) đã bị người dân lấn, chiếm.

Cũng theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, mặc dù được giao hơn 1.000 ha rừng, đất rừng nhưng có những thời điểm Công ty Hoàng Ba không tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, không có kỹ sư lâm nghiệp, nông nghiệp. Nhiều lần kiểm tra đột xuất, ngành chức năng phát hiện Công ty này thậm chí chỉ bố trí 1 người thực hiện công tác quản lý dự án, hoặc không có người làm việc tại dự án.

Hệ lụy dai dẳng

 Các đối tượng lấn, chiếm đất rừng xô xát với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: TTXVN phát
Theo Công ty Nam Tây Nguyên, sau khi nhận bàn giao rừng, đất rừng từ Công ty Hoàng Ba, đơn vị đã tiến hành việc kiểm kê rừng, đất rừng và tiến hành việc trồng rừng năm 2022. Nhiều hộ dân lấn chiếm đất của Công ty Hoàng Ba bắt đầu phản ứng. Họ dùng cưa xăng, máy phát phát dọn để khẳng định “chủ quyền” đối với đất rừng.

“Chúng tôi đã tiến hành trồng lại rừng tại các diện tích bị lấn, chiếm. Việc trồng rừng là theo kế hoạch đã được ngành chức năng phê duyệt và diện tích đất trồng rừng là diện tích Công ty đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn ngang nhiên tranh chấp, giành giật. Thậm chí, hàng trăm cây dó bầu vừa trồng xuống đã bị phát ngọn, nhổ bỏ” - một lãnh đạo Công ty Nam Tây Nguyên chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Nam Tây Nguyên, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm "lâm luật" trên lâm phần Công ty được giao quản lý, nhất là tại tiểu khu 1522 chưa được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng xử lý đến kết quả cuối cùng. Tình trạng này dẫn tới nhiều đối tượng coi thường các quy định pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, gây nguy hiểm cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Công ty Nam Tây Nguyên luôn sẵn sàng cung cấp báo cáo, hình ảnh, video… về các đợt tranh chấp, về sự manh động, hung hãn của các đối tượng để các cơ quan chức năng có cơ sở xử lý.

Được biết, vào thời điểm cuối năm 2021, khi UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định thu hồi rừng, đất rừng của Công ty Hoàng Ba, lâm phần của Công ty này có khoảng 100 hộ dân đang lấn, chiếm đất và trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, trong đó, có nhiều hộ chiếm giữ hàng chục hecta.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, mọi hành vi lấn, chiếm, dựng nhà, trồng cây trên đất rừng đều là vi phạm pháp luật. Nhiều hộ dân đã không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của ngành chức năng cũng như các chế tài liên quan là hành vi coi thường pháp luật. Trong việc này, có lỗi thiếu kiểm tra, giám sát và thiếu cương quyết của các ngành chức năng huyện Tuy Đức, nhất là lực lượng kiểm lâm.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên cho rằng tình trạng lấn, chiếm đất rừng tại tiểu khu 1522 đã diễn ra gần 15 năm nay và thực sự rất phức tạp, không thể giải quyết ngay. Sau khi được nhận bàn giao, đơn vị đã tiến hành kiểm kê và xác định gần 100 hộ dân lấn, chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích gần 400 ha. Quan điểm của Công ty là kết hợp với các hộ dân để phát triển các mô hình nông lâm kết hợp. Việc làm này được kỳ vọng vừa đảm bảo thu nhập, cuộc sống cho người dân, vừa đảm bảo Công ty thực hiện được nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, nâng cao độ che phủ rừng. Còn đối với các diện tích mới bị lấn, chiếm, hoặc các đối tượng, nhóm đối tượng ngang nhiên thực hiện hành vi lấn, chiếm đất rừng, thậm chí thực hiện việc này có tổ chức, Công ty đề nghị Công an tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh để răn đe, chấn chỉnh việc tuân thủ pháp luật tại một trong những “điểm nóng” về tranh chấp đất rừng tại huyện biên giới Tuy Đức.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều