Hơi thở của Đại ngàn Tây Nguyên qua Nghệ thuật Xiếc

(Mặt trận) - Vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã công diễn kịch xiếc “Ngày hội Tây Nguyên tái hiện các phong tục, lễ hội truyền thống và cả nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng... thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, kết hợp với các loại hình nghệ thuật ca, múa, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt...

Xuyên suốt buổi biểu diễn, khán giả đã bị choáng ngợp và ấn tượng bởi không gian sân khấu rộng nhiều tầng lớp. Từ sân khấu trên cao, bên góc phải hay trên sân khấu tròn... đều có sự xuất hiện của các nghệ sĩ với tổ hợp tiết mục đặc sắc như nhào lộn, tung hứng, đu trên cao...

Không gian văn hóa Tây Nguyên tại sân khấu của Rạp Xiếc Trưng ương. Ảnh: Hoàng Dương
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Hồng Long ở Quận Hà Đông cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đưa cả gia đình đi xem xiếc. Tôi rất bất ngờ trước màn trình diễn của các nghệ sĩ. Các tiết mục là sự kết hợp của văn hóa Tây Nguyên và sự tinh tế, điêu luyện của các diễn viên. Các cháu cũng tỏ ra rất thích thú."
Các tiết mục được dàn dựng công phu. Ảnh: Hoàng Dương 
Trao đổi với PV, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: " Chúng tôi mong muốn việc đưa nội dung văn hóa lễ hội vùng đất Tây Nguyên vào nghệ thuật xiếc sẽ giúp tác phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng từ khán giả nhỏ tuổi cho tới thanh thiếu niên. Các em sẽ có thêm những trải nghiệm mới lạ về một vùng miền mang đậm văn hóa truyền thống của Việt Nam, được sống trong một không gian văn hóa dân gian với hàng loạt lễ hội, phong tục của con người và vùng đất Tây Nguyên. Đặc biệt, sắp tới là Lễ hội Cafe ở Tây Nguyên, tôi muốn thông qua chương trình của liên đoàn Xiếc để có thể kết nối và biểu diễn tại sự kiện quy mô này qua đó gửi đến du khách những tiết mục đặc sắc, ấn tượng."
 Nhiều tiết mục khó đã được các nghệ sĩ thực hiện thành công. Ảnh: Hoàng Dương
Được biết, thời gian gần đây, ngoài xây dựng các tiết mục xiếc truyền thống, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã bắt tay vào dàn dựng những vở xiếc mới, mang đậm bản sắc văn hóa Việt để giới thiệu với khán giả trong nước, quốc tế. Điển hình như vở xiếc “Làng tôi” với hình ảnh tre Việt Nam đã biểu diễn 4 năm liên tiếp ở châu Âu, được khán giả quốc tế rất yêu thích. Hay như vở “Sông trăng” được biểu diễn 16 tháng liên tiếp ở Đức rất thành công.
Dàn nghệ sĩ chuyên nghiệp mang lại đến những ấn tượng cho khán giả 
Sau 2 vở diễn đều thiên về khai thác văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, lần này, ê kíp thực hiện chọn Tây Nguyên - một vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc trưng. Tác phẩm khai thác sâu chất văn hóa Tây Nguyên, từ âm nhạc cồng chiêng, văn hóa lễ hội đến trang phục truyền thống và những vật dụng trong sinh hoạt của đồng bào.
Hơi thở của Đại ngàn Tây Nguyên qua Nghệ thuật xiếc 
Nhìn nhận một các toàn diện có thể thấy tác giả, đạo diễn của tác phẩm "Ngày hội Tây Nguyên" đều là người của xiếc nên đã tìm ra một hình thức thể hiện rất phù hợp, không chỉ là khai thác những nét văn hoá truyền thống của người Việt vào nghệ thuật mà tác phẩm còn khoe được nhiều thể loại xiếc đa dạng, phong phú.
Các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm khi buổi diễn kết thúc 

Hoàng Dương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều