Mặt trận vận động nhân dân tích cực xử lý rác thải, làm sạch môi trường khu dân cư

(Mặt trận) - Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh thực hiện ký kết Chương trình phối hợp 2021 - 2025, tháng 1/2021. 
Từ năm 2006, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, hiện đã được nhân rộng tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm các mô hình  lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường” gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ủy ban Trung ương MTTQ chỉ đạo đến các cấp Mặt trận xây mới và nhân rộng mô hình điểm "vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”; xây dựng điểm và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn...

Từ đó, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường. Qua thực tiễn, các mô hình điểm đã được nhân rộng ra nhiều địa phương, tạo thành phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, những năm qua MTTQ tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn các huyện, thành, thị tập trung xây dựng các mô hình tự quản bảo vệ môi trường. Các tổ tự quản có trách nhiệm tuyên truyền vận động các hộ dân thực hiện bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại, thu gom rác thải, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi cũng như thay đổi các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng túi ni lông. Khuyến khích việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý rác hữu cơ ngay tại nhà sản phẩm thu được như phân hữu cơ có thể được sử dụng để chăm bón cây trồng mà không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được kinh phí mua phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, tại 13/13 huyện, thành, thị trên địa bàn đều xây dựng được mô hình điểm về tự quản bảo vệ môi trường. Theo thống kê, hàng năm có trên 60% số khu dân cư trên địa bàn ký giao ước thi đua “Tự quản bảo vệ môi trường” gắn với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự. Tại các đơn vị cấp xã có mô hình điểm của tỉnh và cấp huyện, 100% hộ dân đều ký cam kết “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và công tác xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở cộng đồng dân cư và bổ sung nội dung này vào hương ước, quy ước của khu dân cư.

Hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải, chống rác thải nhựa” đang được triển khai rộng khắp trong tỉnh, MTTQ các địa phương cũng có nhiều cách làm sáng tạo như ở Sơn Dương xây dựng mô hình “Thùng rác gia đình”, tuyến đường hoa kiểu mẫu; Lâm Bình, Na Hang vận động cán bộ, đảng viên nhân dân tham gia ngày công lao động thu gom rác thải, thực hiện gắn biển tên các mô hình tự quản hoặc khu dân cư thực hiện tốt phong trào và có nhiều cách làm sáng tạo trong từng tổ chức thành viên của Mặt trận và ở từng khu dân cư.

Tại phường An Tường (TP Tuyên Quang), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường giao chỉ tiêu thi đua cho mỗi Ban Công tác Mặt trận đảm nhận vận động 1 hộ gia đình xây bể ủ rác; vận động 19 hộ gia đình có diện tích đất rộng xây bể xử lý rác hữu cơ, vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường vừa kết hợp làm phân bón cho cây trồng; xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường ngõ phố. Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Mặt trận tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp vận động tham gia trên 24 nghìn ngày công chỉnh trang, vệ sinh các tuyến đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nạo vét rãnh đường; trồng 11,2km đường hoa, 2.260 cây xanh, đắp 7,5km lề đường.

Mô hình phân loại rác tại nguồn được các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng.
Còn tại Yên Bái, nhiều năm qua Ban Công tác Mặt trận bản Khinh (xã Thanh Lương, Nghĩa Lộ) thường xuyên phát động nhân dân trong thôn bản tham gia quét dọn 2 lần/tháng, thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân phân loại rác thải từ gia đình xử lý tại hố rác của gia đình, sử dụng xe chuyên dụng để thu gom rác. Gắn với thực hiện các mô hình “Ngày thứ bảy cùng dân”, mô hình "đường sáng, xanh, sạch đẹp”, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp", mô hình đoạn đường tự quản, mỗi chi hội đoàn thể trong thôn cùng các nhóm liên gia đã thực hiện đoạn đường tự quản của Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi đoàn Thanh niên, các chi hội đã tặng mỗi gia đình một sọt nhựa đựng rác nhằm làm tốt hơn việc thu gom rác, từ đó góp phần nhắc nhở người dân ý thức hơn trong việc cùng chung tay xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Có thể nói, mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt đã mang lại hiệu quả rõ nét, thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội. Việc phát động phong trào phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã tạo nên phong trào xây dựng “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” phát triển sâu rộng ở nông thôn.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc triển khai xây dựng các mô hình điểm của Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn còn gặp khó khăn khi nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên - môi trường của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; tính bền vững trong các chính sách xây dựng mô hình điểm chưa cao; công tác giám sát bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Mặt trận cơ sở đôi chỗ chưa hiệu quả; kinh nghiệm trong việc lựa chọn các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt...

Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Mặt trận trong công tác bảo vệ môi trường, trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Đề án Xây dựng điểm và nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cộng đồng dân cư, đồng thời đề xuất hoàn thiện về cơ chế chính sách và một số mô hình tổng thể liên thông khép kín phù hợp với đặc thù, điều kiện của từng địa phương, và có hướng dẫn cụ thể triển khai trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục nâng cao hiệu quả truyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các mô hình phân loại, xử lý rác thải hiệu quả tại cộng đồng, chung tay xây dựng bảo vệ môi trường dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Hải Yến

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều