Muốn mua nhà ở xã hội, người dân cần góp trước 50%

Để phát triển nhà ở xã hội, cần thành lập Qũy phát triển nhà ở (có thể nằm trong Ngân hàng Chính sách xã hội) và quy định bắt buộc người có nhu cầu mua nhà phải đóng góp 50% tiền mua nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm như một số nước.

Đây là đề xuất được nêu ra tại Hội thảo Góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 28/11.

Phát triển nhà ở chưa đạt yêu cầu

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết, vừa qua, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư… Trong các luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 như: thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở… đã được sửa đổi, bổ sung, dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các luật này.

Mặt khác, các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. “Do đó, việc bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết”, TSKH. Phan Xuân Dũng nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự phát triển cho khu vực đô thị và nông thôn. Số lượng nhà ở tăng lên đáp ứng nhu cầu của người dân; yêu cầu nhà ở lồng ghép vào dự án đã được triển khai thực hiện…

Tuy nhiên, phát triển dự án nhà ở vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; cơ cấu dự án nhà ở có giá phù hợp thu nhập của người dân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Còn tình trạng chồng chéo giữa Luật Nhà ở với các luật khác như Đất đai, Đầu tư, các pháp luật chuyên ngành khiến hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong Luật Nhà ở còn rườm rà, làm tăng thủ tục, phát sinh chi phí hoạt động đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở thời gian qua.

Từ thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiến hành đánh giá, tổng kết việc thực thi Luật Nhà ở năm 2014, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 13 chương và 222 điều, gồm 8 nhóm chính sách: Sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở… Hiện, Bộ Xây dựng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, dự kiến trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 12 tới trước khi trình Chính phủ.

Bổ sung quy định nhà ở di sản

Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với việc phải sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014; đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã có quá trình nghiên cứu công phu, xác định được các bất cập, hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung; nghiêm túc tiếp thu ý kiến qua các hội nghị, hội thảo.

Các đại biểu đề xuất, Ban soạn thảo cần làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, vì Luật này liên quan tới nhiều bộ luật khác (trên 50 luật); đồng thời làm rõ “sở hữu” với “quyền sở hữu”; bổ sung quy định về nhà ở di sản để công tác bảo tồn các khu nhà có giá trị di sản, kiến trúc văn hóa được thuận lợi hơn.

Điều khiến nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là về quyền lợi, nghĩa vụ của bên mua, bên bán nhà chung cư, nhà ở xã hội sau thời hạn sử dụng; trách nhiệm bảo đảm chất lượng nhà ở. Theo các đại biểu, dự thảo Luật cần làm rõ vấn đề này cũng như vai trò quản lý của Nhà nước. Cần xem xét áp dụng quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư; đồng thời có cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là có chính sách phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghệ cao để giữ chân lao động.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn đề xuất người mua nhà ở xã hội cần đóng góp trước 50% tiền mua nhà trong 5 năm để lập Quỹ phát triển nhà ở. Ảnh: Đ. Thanh

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn đề nghị, để phát triển nhà ở xã hội, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước là không đủ. Do đó, cần thành lập Quỹ phát triển nhà ở (có thể nằm trong Ngân hàng Chính sách xã hội) và quy định bắt buộc người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải tiết kiệm 50% tiền mua nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm như một số nước (Đức, Nhật Bản…).

 Chẳng hạn, nếu giá trị căn nhà mà người có nhu cầu mua nhà ở xã hội là 1 tỷ đồng thì họ sẽ phải đóng góp 500 triệu trong 5 năm đầu, sau 5 năm sẽ được Nhà nước cho vay thêm 500 triệu để mua nhà. Như vậy sẽ tránh tình trạng người giàu đi mua nhà ở xã hội để trục lợi như đã từng xảy ra, đồng thời bảo đảm được nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, đúng tiêu chí của nhà ở xã hội, ông Tuấn phân tích.

Theo Đan Thanh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều