Nâng cao khả năng tiếp cận và hưởng thụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo

(Mặt trận) - Trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt đối với những người nghèo, người yếu thế giúp họ được tiếp cận, nâng cao hiểu biết các quy định của pháp luật, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật, để bảo vệ chính mình. Trợ giúp pháp lý ở nước ta là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những đối tượng theo quy định. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với nội dung giảm nghèo đa chiều trong đó trợ giúp pháp lý là một trong những nội dung quan trọng trong giảm nghèo về thông tin.
Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân

Trong những năm qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần đưa pháp luật vào đời sống, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân, góp phần khắc phục những vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện sai trái, vượt cấp không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân, sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

Theo quy định của pháp luật, việc trợ giúp pháp lý về mọi mặt các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tuy hiện nay tổ chức và con người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa thể cùng lúc đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý nhưng không vì khó khăn, phức tạp của vụ việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý từ chối hay tư vấn chiếu lệ cho xong việc. Trong thực tế, đối với một số trường hợp nếu người thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ dừng lại ở phần giải đáp, hướng dẫn một cách chung chung nhất thì chưa thể gọi là thực hiện trợ giúp pháp lý; mặt khác, nếu quá chi tiết thì trợ giúp pháp lý có thể lại sa vào việc xử lý hay giải quyết đơn thư của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bèn vững, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý người nghèo, người yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tổ chức và cá nhân có liên quan. Thực hiện xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng trợ giúp pháp lý; tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý với đa dạng các hoạt động như: Biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp trợ giúp pháp lý, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý, cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý, sổ tay trợ giúp pháp lý và các ấn phẩm tài liệu trợ giúp pháp lý khác về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý cho người dân ở các địa phương, chú ý người dân ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý phủ sóng ở các địa phương, trong đó có các tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hoặc luân phiên theo địa  bàn về trợ giúp pháp lý để hướng dẫn người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người dân biết về trợ giúp pháp lý và cách thức để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.

Cùng với đó thực hiện nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là cấp cơ sở: người thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động truyền thông, thông tin cho người dân về trợ giúp pháp lý và giới thiệu nhu cầu trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Nâng cao năng lực cho cán bộ trợ giúp pháp lý cơ sở thông qua: Tổ chức tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế để nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý; Tập huấn điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), tổ chức và cá nhân có liên quan tại các địa phương, trong đó có các tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm hoặc luân phiên theo địa bàn cho cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Trợ giúp pháp lý giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật

Trong thời gian qua UBND xã Kim Tân (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn đã tổ chức được 8 cuộc tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ có mức sống trung bình, người có công và các gia đình chính sách, người yếu thế. Qua đó, đã giúp nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân và đem lại quyền lợi, lợi ích của người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế còn được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo đương sự tại các phiên tòa, giúp cho người nghèo, người yếu thế không có đủ điều kiện mời luật sư bào chữa hoặc không đủ khả năng tự bào chữa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.

Tại tỉnh Hậu Giang, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp hộ nghèo, người có công,... Thông qua các hình thức như: truyền thông trợ giúp pháp lý; tham gia bào chữa; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; tư vấn pháp luật tại trụ sở, các chi nhánh hoặc điểm tư vấn miễn phí… Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh gây oan sai cho người vô tội và để lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp pháp lý. Với phương châm “Hướng về cơ sở”, các trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã đến nhiều vùng quê trên địa bàn để truyền thông, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Thực tế, nhiều trường hợp người dân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách nhưng lại gặp khó khăn về pháp lý kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trong khi chưa giải thích, hướng dẫn một cách thấu đáo.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý gồm: người thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng, công chức phòng tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), cán bộ thôn, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động truyền thông, thông tin cho người dân về trợ giúp pháp lý và giới thiệu nhu cầu cầu trợ giúp pháp lý với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo trong thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với đông đảo nguyện vọng của nhân dân. Chính sách này đã trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo tại các địa bàn này; góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Do vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là địa bàn các xã, huyện nghèo, vùng sâu vùng xa, ven biển, hải đảo nhằm kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý./.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều