Nhớ nhà báo Lê Quang Cảnh, một Tổng Biên tập nhân hậu

Đầu giờ sáng 10/3, bác sĩ Quang Tùng, con trai nhà báo Lê Quang Cảnh gọi cho tôi, thảng thốt: Bố em mất đêm qua. 10 năm gần đây, ông Lê Quang Cảnh yếu nhiều. Dịp kỷ niệm 70 năm, 75 năm, và mới đây nhất là 80 năm thành lập Báo Đại Đoàn Kết, ông đều không đến dự được. Từ một người sau khi nghỉ hưu vẫn chịu khó rèn luyện thể thao, ông bị tai biến, rồi dần dần mất trí nhớ. Ấy vậy nhưng tin ông ra đi vẫn làm chúng tôi bàng hoàng.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Quang Cảnh (thứ hai từ trái sang) cùng cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết . Ảnh: TL. 
Tôi biết ông khi ông từ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chuyển về MTTQ Việt Nam, làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo. Thời gian này, ông được giao nhiệm vụ giúp lãnh đạo Ban Thư ký (nay là Ban Thường trực) theo dõi, truyền đạt các chỉ đạo đến Báo Đại Đoàn Kết. Và qua đó, ông cũng thấu hiểu và chia sẻ về các khó khăn của tờ báo khi hoàn toàn tự hạch toán.

Đầu năm 1993, với yêu cầu tăng cường cho Ban Biên tập, ông được lãnh đạo MTTQ Việt Nam cử về Báo Đại Đoàn Kết, giữ cương vị Phó Tổng Biên tập. Ông đã sát cánh cùng Tổng Biên tập Ngọc Thạch xây dựng cơ quan đoàn kết, đưa tờ báo ngày một phát triển. Từ một kỳ, Báo ra hai kỳ một tuần. Đây là giai đoạn Báo có nhiều khởi sắc, luôn có tiếng nói mạnh mẽ, tin cậy trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và luôn khởi xướng nhiều hoạt động xã hội giàu tính nhân văn như: Liên hoan con cháu hiếu thảo, Bình chọn hàng Việt Nam được ưa thích, Hội thi bơi dành cho người cao tuổi…

Tháng 8/1996, ông chính thức nhận chức Tổng Biên tập. Tờ báo thời điểm này cũng có thêm ấn phẩm mới là tờ Đại Đoàn Kết cuối tuần, giao cho Ban đại diện tại TPHCM thực hiện. Có thể nói, ông là một người nghiêm cẩn, mực thước trong công việc. Có người bảo ông hiền, thậm chí có phần hơi “nhát” trong chỉ đạo bài vở. Nhưng đó là tính cách của ông. Và anh em trân quý ông bởi đức tính hiền lành đó. Ông chỉ bảo, giúp đỡ cho phóng viên, biên tập viên, nhân viên bằng tình cảm của một người cha, người anh, một người đi trước chứ không phải là Tổng Biên tập.

Sau gần 2 năm xuất bản trong TPHCM, Ban Biên tập đã thống nhất chuyển tờ Cuối tuần ra Hà Nội. Tất nhiên, Tòa soạn cũng phải được củng cố. Một buổi trưa, ông gọi tôi sang phòng, bảo ông và Ban Biên tập đã cân nhắc kỹ và quyết định phân công tôi làm Trưởng ban Thư ký Tòa soạn. Tôi xin từ chối và nại đủ lý do, nào là vốn là chân chạy, ngại ngồi một chỗ, đang quen công việc phóng viên nội chính, nào là còn nhiều bậc đàn anh trong cơ quan, bản thân chưa có kinh nghiệm… Thế nhưng, mọi lý do đều không thuyết phục được ông. Ông bảo tôi, đây là nhiệm vụ cần thiết, vì khối lượng công việc của Tòa soạn sẽ nặng hơn trước. Ông cho biết, khi đó, có vị trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến, giao nhiệm vụ này cho một người chưa phải đảng viên như tôi có nên không? Ông phải giải thích với vị lãnh đạo đó là chi bộ đang khẩn trương làm các thủ tục để kết nạp Đảng cho tôi. Lúc đó, vị lãnh đạo mới không nói gì nữa.

Và, từ đầu tháng 4/1998, tôi đảm nhận công việc Trưởng ban Thư ký Toà soạn (và làm công việc này suốt 11 năm, đến tận 2009, với 5 đời Tổng Biên tập). Là người đứng đầu cơ quan, ông thấu hiểu được sự vất vả của Tòa soạn và luôn cố gắng tạo các điều kiện tốt nhất để mọi người làm việc. Ông luôn độ lượng trước các khuyết điểm của cấp dưới. Ông bảo, ông ghét nhất là sự tranh công đổ lỗi.

Có bài phóng sự xã hội trên báo bị địa phương phản ứng dữ dội vì có nhiều chi tiết không chính xác, phải cải chính, phóng viên phải tạm dừng viết, làm công việc khác một thời gian. Vụ việc đã được giải quyết rồi, nhưng ông vẫn rất áy náy. Ông bảo tôi, phóng viên trẻ có sai sót trong tác nghiệp, nhưng anh em mình cũng có lỗi chủ quan, đơn giản trong việc thẩm định bài vở. Và thế là trong số báo Xuân năm 1999, ông đồng ý để tôi giao cho phóng viên kia viết bài, bằng bút danh khác. Thế rồi, trong cuộc họp kiểm điểm chi bộ cuối năm, có ý kiến gay gắt phê bình tôi sử dụng vô nguyên tắc bài phóng viên khi đang trong thời gian kỷ luật. Để mọi người có ý kiến hết, ông mới thủng thẳng: Việc đăng bài là quyết định của Tổng Biên tập, trong thẩm quyền của Tổng Biên tập. Phóng viên đã thấy khuyết điểm, thì không có lý gì để thui chột một cây bút cả.

Mọi người nghe, hiểu và đồng tình về cách hành xử nhân văn này của ông.

Cũng năm 1999, một bài điều tra trên báo bị các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ vì có sơ suất trong việc sử dụng nguồn tư liệu. Sự việc bị đẩy lên đến mức có quyết định khởi tố vụ án, phóng viên viết bài bị triệu tập ra cơ quan điều tra làm việc. Trong thời điểm căng thẳng này, ông dặn tôi, phải thật tỉnh táo. Một mặt, ông quyết liệt bảo vệ phóng viên, giao cho tôi hàng ngày đưa đón phóng viên lên cơ quan điều tra và chuẩn bị đầy đủ tài liệu để làm việc. Mặt khác, ông tìm mọi cách trình bày với các vị lãnh đạo cấp cao về động cơ trong sáng và ý thức xây dựng của Ban Biên tập và người viết khi cho đăng bài này.

Chính sự mạch lạc, khách quan, trung thực này đã được các vị lãnh đạo cao nhất của MTTQ Việt Nam ủng hộ. Và vụ án được đình chỉ, để lại một hình ảnh đẹp về sự bảo vệ phóng viên, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Thời gian ông tại vị, nhiều phóng viên trẻ đã về và trưởng thành tại Báo như: Đào Tuấn, Bích Ngọc, Cẩm Thúy, Duy Thanh, Minh Hoàn, Thành Lân, Hải Yến, Kim Liên, Kim Ngân, Hương Thủy, Thanh Tâm, Tuấn Việt. Ông khuyến khích các cây bút chịu khó đầu tư để có các bài viết có giá trị. Chính giai đoạn này, loạt bài về vụ Thủy cung Thăng Long của nhà báo Minh Tuấn đạt giải A báo chí quốc gia. Các bài điều tra về vụ Minh Phụng- Epco, Tamexco… của nhà báo Lý Tiến Dũng được bạn đọc đánh giá cao.

Tại Đại hội 5 MTTQ Việt Nam năm 1999, dù đã 60 tuổi, ông vẫn được tín nhiệm cử vào UBTƯMTTQ Việt Nam và tiếp tục chèo lái con thuyền Đại Đoàn Kết. Đây là việc rất hy hữu của làng báo lúc bấy giờ. Ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị này đến cuối năm 2001, khi Báo chuẩn bị kỷ niệm 60 năm. Trước khi nghỉ, ông nhắc chúng tôi phải hoàn thành tốt việc biên soạn cuốn kỷ yếu 60 năm của Báo mà ông đã phân công.

Về nghỉ hưu, còn khỏe, ông về Hội Người cao tuổi Việt Nam và đảm nhận cương vị Trưởng ban Tuyên huấn. Bằng kinh nghiệm phong phú sau nhiều năm làm báo và làm tuyên huấn, ông cùng các đồng sự đã góp phần đưa công tác truyền thông của Hội Người cao tuổi lên một tầm cao mới.

Do sức khỏe giảm sút, ông nghỉ công việc ở Hội Người cao tuổi. Rồi, con trai ông, người nối nghiệp ông - nhà báo Quang Cường (Báo An ninh Thủ đô) bị bệnh nặng qua đời cũng làm ông buồn và yếu đi nhiều, cho đến khi không vượt qua được quy luật nghiệt ngã của tạo hóa. Anh Cảnh ơi! Các em, các cháu, quân của anh ở Báo Đại Đoàn Kết, được anh chỉ bảo, dìu dắt, mãi nhớ anh, nhớ về người Tổng Biên tập đức độ, nhân hậu, giàu lòng vị tha, người đã góp phần giữ cho báo ổn định và phát triển trong những thời khắc quan trọng. Yên nghỉ anh nhé. Ở nơi đó, anh sẽ được gặp các nhà báo tiền bối, những người đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của tờ báo Mặt trận!

NGUYỄN QUỐC KHÁNH

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều