Những chính sách phục hồi giúp thị trường lao động vượt qua các 'cú sốc'

Những chính sách phục hồi được thực hiện đồng loạt đã góp phần rất đáng kể giúp thị trường lao động vượt qua những "cú sốc" lớn. Sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện ở việc vừa ban hành chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tế vừa gia hạn các chính sách sẵn có để công tác hỗ trợ triển khai nhanh chóng.

Linh hoạt trong chỉ đạo điều hành

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36,5 triệu người lao động, người dân, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.600 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, từ những chính sách "thần tốc" trong soạn thảo, ban hành đến triển khai, có thể thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, đồng tình và tích cực tham gia của người lao động, người sử dụng lao động và người dân.

 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Từ những chính sách "thần tốc" có thể thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Có thể nói, trong năm qua, việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động; được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, đảm bảo an sinh toàn dân.

Nhận định về việc triển khai các chính sách an sinh xã hội trong năm qua, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, lúc đầu một số chính sách được quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn (do quy định pháp luật), như chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng chính từ đó, chúng ta thấy được sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau khi sơ kết, tiếp thu ý kiến của nhân dân, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh chính sách và giao trách nhiệm cho các địa phương chủ động thực hiện.

Trao đổi thêm với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, những tháng cuối năm 2022, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời. Điều này thể hiện ở việc ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Những yêu cầu đặt ra trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ bám sát với thực tiễn của đời sống, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm giữ vững thị trường lao động ổn định của lãnh đạo Chính phủ.

"Những chỉ đạo đưa ra trong Công điện hết sức cụ thể, phân công từng phần việc, gắn trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương. Từ đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc ngay lập tức để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Tôi cho rằng, một điểm rất mới trong chỉ đạo lần này là yêu cầu các địa phương phải thực sự chủ động từ nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát chế độ, chính sách cho người lao động trên địa bàn; quan tâm đến đời sống của người lao động đến sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ tức thời theo điều kiện sẵn có của địa phương. Như vậy, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chỉ yêu cầu các cơ quan liên quan phải vào cuộc gắt gao mà còn là sự cổ vũ, động viên, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, người lao động có niềm tin vào các chính sách hỗ trợ kịp thời", ông Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Quyết liệt chuyển đổi số giúp cân đối cung cầu lao động

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các chính sách phục hồi và phát triển thị trường lao động, TS. Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội cho rằng, chúng ta thấy rõ bức tranh về tình hình lao động trong 2 năm gần đây khá u ám do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Những tháng cuối năm 2022, thị trường lao động một lần nữa gặp "cú sốc" về chuỗi cầu do các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, giãn việc.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội: Chính phủ quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển thị trường lao động bền vững

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khá toàn diện, có thể kể đến như: Chính sách cho vay vốn, giãn nợ cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, trả lương cho người lao động. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, Chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ cho lao động tự do…

"Những chính sách phục hồi của Chính phủ được thực hiện đồng loạt đã góp phần rất đáng kể vào việc giúp thị trường vượt qua những "cú sốc" lớn. Sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện ở việc vừa ban hành chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tế vừa gia hạn các chính sách sẵn có để công tác hỗ trợ triển khai nhanh chóng", TS. Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng đánh giá cao các chính sách phục hồi thị trường lao động và cho rằng các chính sách có tầm nhìn khá logic từ Trung ương đến địa phương, từ ngắn hạn đến dài hạn. "Theo tôi, nếu chúng ta triển khai tốt chính sách thì mục tiêu phục hồi thị trường lao động không hề khó", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội khẳng định.

Nhận định rằng nguyên tắc để thị trường lao động vận hành linh hoạt, hiệu quả là phải nắm được dữ liệu thông tin của người lao động, theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương việc Chính phủ quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển thị trường lao động bền vững, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu để cân đối cung cầu lao động. Bà kỳ vọng, thời gian tới các phần mềm về quản lý thông tin lao động sẽ được triển khai, trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng để cân đối cung cầu lao động.

Đề xuất các giải pháp để triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả trong thời gian tới, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, cần cải thiện các điều kiện thụ hưởng để người dân có thể tiếp cận hỗ trợ thuận lợi, dễ dàng hơn. Thực tế, lao động phi chính thức đang chiếm tới hơn 60% trong tổng số lao động, tuy nhiên, đối tượng này lại khó tiếp cận hỗ trợ do việc chứng minh điều kiện để thụ hưởng chính sách gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, cơ chế đánh giá tác động chính sách cần được thực hiện thường xuyên và thực chất hơn, tìm được các nguyên nhân triển khai chưa tốt để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết.

Theo Thu Cúc/Báo Chính phủ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều