Những vấn đề đặt ra trong phát huy vai trò, giá trị của văn hóa ở địa phương

Do các yếu tố đa dạng về tự nhiên, tộc người và truyền thống lịch sử, nên Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và văn hoá, với các sắc thái địa phương, vùng miền và tộc người phong phú. Việc nhận diện giá trị và phát huy vai trò của văn hoá ở mỗi địa phương là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay.
Sắc màu biên cương. (Ảnh minh họa)

GIÁ TRỊ VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA Ở ĐỊA PHƯƠNG

Nhận diện giá trị, vai trò của văn hoá địa phương chính là tìm ra những nét riêng, giá trị riêng của văn hoá ở mỗi vùng, mỗi tộc người, mỗi tỉnh thành… Từ đó, phát huy được vai trò của văn hoá đối với sự phát triển của từng địa phương, từng vùng trong sự phát triển chung của quốc gia.

Vai trò và giá trị của văn hóa ở địa phương cần được hiểu là sức mạnh nội sinh và là một yếu tố - nội dung mang tính bản chất của phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái của mỗi địa phương. Khi nhận thức “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển” ở mỗi địa phương thì cần nhận diện: văn hóa nằm ở đâu, trong các chủ thể nào, của chủ thể nào... trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái của địa phương. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, vì vậy có những giá trị văn hóa riêng; không có một mô hình chung, toàn diện cho tất cả.

Vai trò của văn hóa nằm trong tất cả các chủ thể, thiết chế, tổ chức và các đối tượng trong một quốc gia, khu vực, địa phương. Văn hóa tác động vào các chủ thể thông qua con người và hoạt động của con người ở mỗi địa phương. Các chủ thể xã hội ở mỗi địa phương chịu tác động của văn hóa địa phương. Văn hóa có ảnh hưởng to lớn, sâu sắc và lâu dài đối với sự phát triển của địa phương đó, thông qua các hệ giá trị văn hoá là nền tảng và nguồn lực. Trong đó nguồn lực vật chất của văn hoá là thứ dễ nhận diện, khai thác, phát huy và có thể trở thành nguồn lực sinh kế cho cộng đồng cư dân địa phương, thông qua khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch và công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế... Tuy nhiên, bên cạnh giá trị vật chất của văn hóa, hệ giá trị tinh thần của văn hóa vùng miền, địa phương mới là nguồn lực nội sinh quan trọng. Đây là nguồn lực không dễ nhận biết để khai thác, phát huy vì nó ẩn chứa trong đời sống thường ngày của cộng đồng, của mỗi cá nhân. Những giá trị tinh thần của văn hóa được biểu hiện qua lối sống, tập quán, tri thức, bản tính địa phương, các mối quan hệ tộc người, dòng họ đan xen bởi cả các yếu tố truyền thống và đương đại… Những giá trị này ở mỗi địa phương, mỗi tộc người lại có những sắc thái, giá trị khác nhau, tạo nên bản sắc riêng, giá trị riêng mang tính tộc người, vùng miền mà chúng ta cần nhận diện để xây dựng thành hệ giá trị văn hoá mang tính đặc thù trong bối cảnh chung của nền văn hoá quốc gia, từ đó phát huy vai trò giá trị của văn hoá trong xây dựng chiến lược phát triển của từng địa phương.

TÍNH ĐẶC THÙ CỦA VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Văn hoá địa phương chính là các tiểu văn hoá mà ở đó có các cộng đồng nhỏ hơn có những sắc thái khác, riêng nhưng không đối lập mà hòa vào nền văn hóa chung của văn hoá quốc gia. Trong bức tranh văn hoá Việt Nam, mỗi địa phương, tộc người là một tiểu văn hóa của một cộng đồng sinh sống lâu đời ở một khu vực, như tiểu văn hóa của dân tộc H’Mông ở Hà Giang, Lào Cai; người Thái ở Điện Biên, Sơn La; người Khmer ở Tây Nam Bộ... Hay tiểu văn hóa của khu vực nông thôn xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng…

Văn hoá địa phương có thể hiểu là mỗi vùng miền, tỉnh, huyện... có những dân tộc cộng đồng khác nhau và mỗi cộng đồng đều có những mô hình văn hoá riêng, mang đặc trưng của cộng đồng, địa phương ấy. Các cộng đồng ấy bao gồm những cá nhân có cùng một nền tảng tộc người, dòng họ, tôn giáo hay một phương thức mưu sinh... Trong các nhóm văn hóa mang tính địa phương, tộc người, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy sự tương đồng và cộng cảm giữa các cá nhân với nhau và giữa các cá nhân với cộng đồng. Như vậy, tính đặc thù của văn hoá địa phương chính là hệ thống, tập hợp các giá trị, các quan niệm, tập tục được hình thành trong một cộng đồng tộc người, dòng họ cùng cộng cư lâu đời.

Nhận diện tính đặc thù của văn hoá mỗi địa phương trước hết phải là yếu tố con người. Nghĩa là mỗi công dân ở địa phương đó là giá trị văn hoá của địa phương mình, chứ không chỉ hiểu đơn thuần văn hoá là những gì do con người sáng tạo ra như những giá trị vật chất.

 

Từ nhân tố cốt lõi của văn hoá là con người ở mỗi địa phương, các thành tố văn hoá vật chất và tinh thần chính là sản phẩm sáng tạo của họ trong quá trình lịch sử, tạo nên tính đặc thù. Tính đặc thù của văn hoá ở mỗi địa phương biểu hiện trước hết là những đặc tính, phẩm chất của mỗi con người, mỗi cộng đồng ở địa phương đó. Từ những phẩm chất con người hình thành nên hệ giá trị văn hoá của địa phương, tộc người. Biểu hiện của văn hoá địa phương ở phương diện tinh thần thể hiện rõ nét trong ngôn ngữ, trong dân ca, dân vũ, trong tập tục tín ngưỡng, trong các mối quan hệ ứng xử tộc người, dòng tộc, làng xóm… Những thành tố văn hoá này được nuôi dưỡng trong mỗi con người từ lọt lòng đến trưởng thành, tạo nên sự gắn kết, yêu thương, từ đó hình thành nên các giá trị văn hoá làng xã, tộc người, dòng họ đặc thù trong mỗi con người và cộng đồng.

Biểu hiện vật chất của đặc thù văn hoá địa phương là các sắc thái riêng của địa phương như: làng bản, kiến trúc nhà cửa, phương tiện sản xuất, trang phục, công trình tôn giáo… Tóm lại, đặc thù văn hoá địa phương sẽ gồm các thành tố: con người, các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần do chính con người ở địa phương đó tạo dựng, đó là nguồn lực nội sinh, là yếu tố lợi thế quan trọng cho địa phương phát triển.

Văn hoá địa phương còn giữ vai trò cố kết, gắn bó các cư dân, tộc người với địa phương, quê hương, dòng tộc nơi họ sinh ra và lớn lên, nó không chỉ quan trọng đối với các địa phương mà còn đối với quốc gia. Ví dụ, đối với những địa phương vùng “phên dậu” của Tổ quốc thì cư dân ở đó cùng với vốn văn hoá như tri thức, kỹ năng mưu sinh tạo nên sự cố kết bản sắc, ý thức dân tộc, quốc gia còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Sắc thái văn hoá của 54 tộc người sinh sống trên khắp mọi miền của Tổ quốc kiến tạo nên các hệ giá trị văn hoá khác nhau: hệ giá trị văn hoá tộc người; hệ giá trị văn hoá đồng bằng, miền núi, biển đảo, nông thôn, đô thị… Mỗi hệ giá trị văn hoá cần được nhận thức là nguồn lực, lợi thế riêng trong mối quan hệ với quốc gia, dân tộc. Giá trị và vai trò của văn hoá từ phương diện địa phương cần được phát huy để trở thành sức mạnh nội sinh, thôi thúc mỗi thành viên cộng đồng khát vọng xây dựng quê hương, dòng tộc của mình ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Phiên chợ vùng cao. (Ảnh minh họa)

PHÁT TRIỂN KINH TẾ DỰA TRÊN NGUỒN LỰC VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Hệ thống di sản văn hóa phong phú của nước ta chủ yếu nằm ở các địa phương. Đây chính là những tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng sức mạnh mềm cho mỗi địa phương và cho quốc gia. Tuy nhiên, để khai thác nguồn lực văn hoá cho mục tiêu phát triển của mỗi địa phương, trước hết phải coi văn hoá là trụ cột trong phát triển bền vững, từ đó xác định tiềm năng, nguồn lực văn hoá địa phương để khai thác cho các mục tiêu phát triển. Đây là công việc đòi hỏi phải được tiếp cận, nghiên cứu dưới góc độ khoa học. Mỗi địa phương phải tìm ra nguồn lực văn hoá của mình để xây dựng chiến lược phát triển mang tính đặc thù, riêng có, tránh dập khuôn, bắt chước, dẫn đến đồng hoá về văn hoá.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc khai thác nguồn lực văn hoá ở các địa phương mới chỉ dừng lại ở khai thác nguồn lực di sản văn hoá truyền thống như các di tích, lễ hội, thực hành tôn giáo tín ngưỡng... phục vụ chủ yếu cho phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh… Trong khi đó nguồn lực văn hoá có tính cốt lõi nhất là nguồn lực con người ở mỗi địa phương thì vẫn chưa được nhận diện, bồi dưỡng và khai thác cho mục tiêu phát triển của từng địa phương. Nguồn lực văn hoá con người chính là những phẩm chất, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết cũng như tình yêu của con người gắn bó với nơi họ sinh sống, mong muốn khát vọng làm giàu trên chính quê hương, không phải ly hương kiếm sống. Do đó, mỗi địa phương cần có cơ chế, chính sách riêng để khai thác thế mạnh con người ở địa phương mình.

VAI TRÒ CỦA HỆ SINH THÁI TỰ NHIÊN TRONG XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Sinh thái tự nhiên của mỗi địa phương có vai trò tạo dựng sinh thái văn hoá riêng cho mỗi địa phương đó. Người ở vùng biển sản sinh ra sinh thái văn hoá biển, người trên cao nguyên đá sáng tạo sinh thái văn hoá núi đá, người miền sông nước sáng tạo sinh thái văn hoá sông nước… Những yếu tố riêng này phải được nhận diện, tôn trọng, khai thác và phát huy để trở thành lợi thế phát triển của mỗi địa phương. Những quan điểm miền núi theo kịp miền xuôi, nông thôn theo kịp thành thị cần phải nhận thức lại một cách đúng đắn, khoa học trong định hướng phát triển ở các địa phương hiện nay.

Hệ sinh thái văn hoá riêng là môi trường văn hoá được con người tạo ra trong quá trình sinh sống dung hoà với thiên nhiên và thuận hòa với cộng đồng. Ví dụ, mỗi làng bản có các thiết chế sinh thái riêng như hệ thống ao hồ, đường xá, công trình kiến trúc tôn giáo, cây xanh, nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà ở…. Thiết chế này là một trật tự với nhiều giá trị, giúp kiến tạo hệ sinh thái văn hoá phát triển ổn định lâu đời ở mỗi tộc người, vùng miền. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, do nhận thức của cả người dân và chính quyền đã không có quy hoạch phát triển mang tính kế thừa và phát huy hệ giá trị này. Từ đó dẫn đến bộ mặt nông thôn, làng bản từ đồng bằng đến miền núi bị phá vỡ, bản sắc nông thôn, miền núi, dân tộc bị phai nhạt, khiến cho nông thôn đồng bằng Bắc Bộ không còn giữ được nét đẹp của sinh thái văn hoá làng; những sinh cảnh của làng Việt truyền thống mang giá trị vùng miền và tộc người ngày càng mất dần... Thay vào đó là ngày càng hiện hữu sinh cảnh nông thôn pha trộn thành thị với cấu trúc sinh cảnh làng bản và kiến trúc nhà ở không rõ bản sắc. Điều đáng quan ngại là xu hướng này phát triển khá tuỳ tiện ở khu vực nông thôn và hầu như chưa có định hướng và quy hoạch nào cho kiến trúc nông thôn.

Các làng bản ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tự phát, tuỳ tiện, những tri thức địa phương về môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá nơi cư trú vốn được tạo dựng từ ngàn đời đã không được coi trọng, phát huy trong quy hoạch phát triển nông thôn mới. Hậu quả của sự phá vỡ sinh thái văn hoá địa phương làm tổn thương và mất đi yếu tố vun đắp tâm hồn của con người từng sinh ra và lớn lên ở địa phương đó.

Một ví dụ từ thực tế rất đáng suy nghĩ là hiện tượng đồng bào dân tộc ở một số địa phương của tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn giáp với biên giới Trung Quốc có xu hướng xây nhà mới, sử dụng vật liệu, hình mẫu nhà theo lối kiến trúc bắt chước của cư dân bên kia biên giới. Sự phát triển này tự phát ở một vài làng bản vùng biên ải cho ta một sinh cảnh không phân biệt đâu là làng bản Việt Nam và Trung Quốc. Hiện tượng này về lâu dài có thể dẫn đến hậu quả không chỉ về văn hoá mà còn về chủ quyền quốc gia.

Dấu ấn văn hoá quê hương với nhiều giá trị tốt đẹp có vai trò hun đúc nên tình yêu, sự gắn kết, bao bọc và hy sinh với mỗi con người nếu không được bồi đắp, tiếp nối sẽ để lại nhiều hệ luỵ về văn hoá và tâm hồn con người Việt Nam. Khi con người không có sự yêu thương, gắn kết với quê hương nơi mình sinh ra và trưởng thành, thì sẽ rất khó để họ yêu đất nước mình.

Biểu diễn quan họ trên dòng sông di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh minh họa: nhiepanhdoisong.vn)

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác nguồn lực văn hoá với vai trò “sức mạnh nội sinh” ở các địa phương đặt ra những vấn đề sau:

Thứ nhất, giá trị văn hóa ở mỗi địa phương phải đặt trong mối quan hệ biện chứng với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là với phát triển kinh tế. Nếu chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế đơn thuần sẽ mất đi bản sắc văn hoá địa phương, thay vào đó là hình thành lối sống lai căng, thực dụng. Ngược lại, nếu chỉ chú ý đến giá trị bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền đơn thuần thì sẽ kìm hãm phát triển xã hội, đời sống vật chất sẽ khó khăn, đời sống tinh thần thiếu phong phú. Do đó, phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa địa phương trong bối cảnh phát triển, giao lưu, tiếp biến gắn với hoạt động kinh tế và kết nối khu vực, vùng miền.

Thứ hai, các địa phương cần gắn việc khai thác các giá trị văn hoá với nâng cao nhận thức của người dân về giá trị văn hoá của địa phương mình, từ đó tạo ra sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế. Vai trò và giá trị của văn hoá không đơn thuần là các giá trị của di sản văn hoá truyền thống và chỉ khai thác cho các mục tiêu phát triển du lịch văn hoá như nhận thức chung hiện nay. Phải nhận thức giá trị kinh tế từ văn hoá là giá trị phái sinh, bền vững và lợi ích gấp bội. Thực tế cho thấy, khi một cộng đồng cư dân địa phương nhận diện được giá trị văn hoá của mình sẽ có tác động lớn đến thái độ, hành vi, động lực xây dựng đời sống kinh tế và văn hoá địa phương.

Thứ ba, khắc phục tình trạng nhận thức phiến diện về vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế, theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực di sản tại địa phương phục vụ phát triển du lịch, trong đó quá chú trọng phát triển du lịch tâm linh. Điều này là nguyên nhân dẫn đến nhiều trung tâm du lịch tâm linh được xây dựng mới với quy mô lớn, nhiều lễ hội được phục dựng, thêm thắt, xa lạ với truyền thống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của địa phương. Sự bùng phát này chỉ nhằm thu hút khách thập phương vì mục tiêu phát triển kinh tế đơn thuần.

Thứ tư, nhiều chính sách của Nhà nước đối với phát triển văn hoá ở địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi có mục đích tốt, tuy nhiên, việc nhận thức và triển khai thực hiện ở nhiều nơi mới chỉ chú trọng đến phát động các phong trào xây dựng văn hoá, nặng về hình thức, thiếu thực chất, kém hiệu quả. Quá trình khai thác các nguồn lực văn hoá của nhiều địa phương chưa đặt người dân - chủ thể văn hoá - là trung tâm, yếu tố quyết định. Từ đó thiếu tham vấn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng dân cư tại chỗ. Vì vậy, có nhiều chính sách, dự án, phong trào xây dựng, khai thác các nguồn lực văn hoá kém hiệu quả. Ví dụ, xây dựng nhà văn hoá thôn, bản mô hình giống nhau, trang bị phương tiện chưa thiết thực với nhu cầu của người dân, không có kinh phí vận hành, hư hỏng không được sửa chữa; nhiều nhà văn hoá thôn bản rơi vào tình trạng hoang phế, dân địa phương không coi đó là nơi sinh hoạt văn hoá của mình.

Thứ năm, các mô hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, khai thác các giá trị văn hoá tộc người mở ra ở nhiều địa phương, tập trung nhiều ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, những mô hình này chưa được nghiên cứu thấu đáo, chưa coi trọng mục tiêu phát triển văn hoá và sinh kế cho cư dân bản địa mà chỉ nhằm khai thác vốn văn hoá của họ. Vì vậy, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đã không nhận được sự hợp tác của người dân; một bộ phận cư dân địa phương tham gia hoạt động dịch vụ du lịch văn hoá có tâm lý “mùa vụ”, “kiếm chác”, dẫn đến tình trạng vòi vĩnh, “chặt chém” hoặc bán hàng hoá mang danh đặc sản địa phương nhưng chất lượng kém, thậm chí là hàng giả… gây bức xúc và mất niềm tin với khách, làm ảnh hướng đến uy tín và hình ảnh của du lịch văn hoá Việt Nam. Thêm nữa là tình trạng manh mún, thiếu liên kết giữa các địa phương và khu vực trong khai thác nguồn lực văn hoá, vì vậy chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng, bền vững.

Thứ sáu, tình trạng sân khấu hoá di sản diễn ra phổ biến trong các hoạt động khai thác nguồn lực văn hoá ở các địa phương. Điển hình nhất là các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian được “sáng tác” và đạo diễn bởi một số cán bộ văn hoá địa phương, trong khi đó người dân không được tham gia với vai trò là chủ thế sáng tạo và gìn giữ di sản, khiến cho làm sai lệch giá trị của di sản, dẫn đến thế hệ sau hiểu sai và thực hành sai về di sản về văn hoá của chính dân tộc mình, địa phương mình.

Những vấn đề nêu trên cần được nhận thức đúng nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những yếu tố tích cực để vai trò, giá trị của văn hoá thực sự trở thành nguồn lực phát triển, tạo nên sự đa dạng, giàu có văn hoá ở các địa phương. Từ đó, chống lại xu hướng từ bỏ những giá trị truyền thống hay xu hướng tự đồng hoá văn hoá giữa dân tộc đa số và thiểu số, dẫn đến sự nghèo nàn, lai căng văn hoá. Đây chính là nguy cơ mất dần bản sắc và sự đa dạng văn hoá vốn có ở mỗi địa phương và tộc người đã được bao thế hệ kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử.

                    *           *           *

Vai trò và giá trị văn hoá ở địa phương có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Mỗi địa phương cần nhận diện, làm rõ các giá trị văn hoá của địa phương mình. Từ đó, xây dựng thành hệ giá trị riêng, đặc thù, trong đó không chỉ coi trọng các giá trị văn hoá truyền thống mà còn xây dựng những giá trị văn hoá mới.

Những giá trị văn hoá không chỉ là hệ thống những di sản truyền thống mà còn bao gồm những giá trị văn hoá mới, đương đại. Trong đó, yếu tố con người phải được xác định là trung tâm. Nguồn lực văn hoá ở mỗi địa phương trước hết là nguồn lực con người - chủ thể của văn hoá địa phương đó. Nguồn lực văn hoá con người là những phẩm chất bên trong mỗi cá nhân tạo nên sức mạnh nội sinh. Và đây chính là nguồn lực quan trọng nhất có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển địa phương và đất nước.

Để văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh của mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia cần nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của văn hoá trong từng trường hợp cụ thể, bối cảnh cụ thể. Mỗi gia đình, cộng đồng, làng bản phải hiểu và nhận diện những giá trị văn hoá của mình, coi đó là nguồn vốn, nguồn lực để phát triển, làm giàu, làm đẹp quê hương mình.

Từ nhận diện được giá trị, vai trò của văn hoá, mỗi địa phương phải xây dựng chiến lược phát triển và khai thác nguồn lực văn hoá trong phát triển kinh tế, dựa trên tính đặc thù và những giá trị khác biệt ở từng địa phương, với những tiêu chí cụ thể, giá trị cụ thể. Hàm lượng văn hoá phải được xác định, nhận diện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội và phải là tiêu chí cao nhất trong đánh giá chất lượng phát triển của mỗi địa phương./.

PGS. TS. PHẠM VĂN DƯƠNG 
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều