Nỗ lực đưa thông tin về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

(Mặt trận) - Trong những năm qua, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của cả nước, cơ sở hạ tầng, tiếp cận thông tin còn nghèo nàn. Do vậy, để đồng bào nhanh chóng tiếp cận được các thông tin về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ phát triển cuộc sống và nâng cao dân trí cho đồng bào, bên cạnh việc từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin thì việc hỗ trợ các ấn phẩm báo chí là rất cần thiết.
Ảnh minh họa
Sau 3 năm triển khai Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có tổng số xuất bản của 19 báo, tạp chí đạt gần 34 triệu ấn phẩm, cung cấp cho 424.529 đối tượng được thụ hưởng. Công tác giao, nhận các ấn phẩm được triển khai đúng quy định; bưu điện tuyến tỉnh, huyện phân phối, kiểm đếm, đóng góp, bàn giao đúng trình tự. Đội ngũ bưu tá xã đã cấp phát ấn phẩm tới đối tượng thụ hưởng ở các xã, thôn bản. Có trên 1.100 tin, bài tập trung tuyên truyền kết quả thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trên 10 nghìn tin, bài tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tuyên truyền về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020; 75 năm Ngày thành lập Cơ quan quản lý về công tác dân tộc; phòng, chống dịch Covid-19…

Nhờ có sự hỗ trợ, cấp phát báo, tạp chí miễn phí mà đồng bào vùng DTTS vùng núi đã phần nào cập nhật được thông tin và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nội dung của các ấn phẩm báo chí thể hiện các mặt kinh tế, đời sống xã hội, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt đã được người dân tộc học hỏi làm theo góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương; góp phần tuyên truyền thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Đồng thời, tuyên truyền thông tin định hướng, phản bác và ngăn chặn luận điệu sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng, kích động nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, cổ vũ tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc góp phần bảo vệ an ninh tổ quốc góp phần bảo vệ an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, việc cấp báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng góp phần giáo dục ý thức nề nếp cho học sinh, giúp các em nắm được thông tin bổ ích phục vụ cho học tập, rèn luyện, tìm tòi, khám phá kiến thức mới thông qua nhiều chuyên mục sinh động; tạo cho các em sự say mê tìm hiểu, chăm học, chăm làm, nâng cao được kỹ năng tiếng Việt, nhất là đối với những học sinh dân tộc ít người sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên do đặc thù mỗi vùng đồng bào dân tộc miền núi khác nhau nên việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí đến từng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng có những khó khăn khác nhau, điển hình như tại tỉnh Kon Tum: Công tác vận chuyển, cấp phát các ấn phẩm đến đối tượng thụ hưởng của một số xã có lúc, có nơi chưa được kịp thời. Công tác quản lý ấn phẩm ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng một số nơi còn tồn đọng báo, tạp chí; Chỉ đạo của một số địa phương trong thực hiện chính sách chưa thường xuyên và nhận thức về quyền, lợi ích của đối tượng được thụ hưởng về cấp phát báo miễn phí chưa cao, một số đối tượng được thụ hưởng ít dành thời gian để đọc, số lượng người đến điểm bưu điện văn hóa xã xem tỷ lệ thấp; Số lượng tin, bài tuyên truyền giữa các vùng miền, các dân tộc chưa hài hòa, một số dân tộc rất ít được đưa tin, giới thiệu trên báo. Một số báo nội dung tuyên truyền còn dàn trải, chưa kịp thời bám sát nhu cầu độc giả.

Tại tỉnh Điện Biên vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nằm sâu trong những thôn, bản, xã, huyện xa xôi giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa, dẫn đến việc cấp phát cũng như thông tin của các ấn phẩm báo, tạp chí đến với người dân còn chậm, chưa kịp thời. Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Chưa xây dựng được các tủ sách tại các thôn, bản nên người dân chỉ đọc xong là bỏ đi hoặc dùng vào việc khác, gây lãng phí, hiệu quả chưa cao.

Việc cấp báo, tạp chí tại tỉnh Bình Phước  còn bộc lộ một số hạn chế, tình trạng nhận dồn, nhận trễ báo, tạp chí còn diễn ra ở nhiều thôn ấp; Việc quản lý ấn phẩm báo tạp chí tại các đơn vị, cá nhân được cấp chưa thực hiện tốt; Hệ thống cơ quan công tác dân tộc không được thụ hưởng các loại ấn phẩm; Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác dân tộc các cấp mỏng, không có cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc cấp xã, khối lượng công việc lớn, do đó ít có điều kiện theo dõi thường xuyên chất lượng nội dung, hình thức tin, bài của các báo, tạp chí nên việc đánh giá gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục những chính sách quan tâm và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 trong nội dung số 2, Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 10 trong Chương trình việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” cần phải được tiếp tục duy trì và phát huy.

Để hoàn thành tốt chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khẳng định sự quan tâm ưu tiên của Đảng, Nhà nước, đã đáp ứng nguyện vọng của đại đa số đồng bào, học sinh, cán bộ, chiến sỹ vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK và rất cần thiết được Đảng, Nhà nước quan tâm tiếp tục ban hành chính sách và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo Đề án "Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2023 – 2025 và Ngày 15/11 Ủy ban Dân tộc phối hợp với một số bộ, ban, ngành trực thuộc Trung ương cùng UBND tỉnh các tỉnh, thành phố tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo Đề án. Ủy ban Dân tộc đã đề xuất những nội dung cơ bản nhằm đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Về nội dung, các báo, tạp chí căn cứ tôn chỉ, mục đích của báo mình sản xuất các chuyên đề mang tính chuyên ngành cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhằm khắc phục việc đưa các thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dài trải, hạn chế cao nhất sự nhàm chán, lãng phí ngân sách.

Về hình thức cung cấp thông tin: đề xuất xây dựng App chuyên trang điện tử dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các báo, các chuyên đề đến bạn đọc. Bên cạnh đó, tin, bài chính kỳ của các báo, tạp chí được ứng dụng công nghệ đọc tự động bằng tiếng phổ thông và một số tiếng dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thông tin kịp thời tới những địa bàn đi lại khó khăn, đến mọi người dân, cơ quan quản lý thông qua điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị nghe - nhìn khác.

Xây dựng kênh tương tác hai chiều trên App nhằm thu thập thông tin hai chiều, hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý, giúp Ủy ban Dân tộc tăng cường cập nhật thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.

Đưa nội dung của báo in lên báo điện tử của cơ quan chủ quản báo, tạp chí; qua các kênh ngoại giao, du lịch, đầu tư, hợp tác trao đổi thông tin dưới dạng điện tử (e-paper), báo điện tử để mở rộng phạm vi phát hành đến những địa bàn xa, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm.

Những đề xuất này của Ủy ban Dân tộc đã nhận được sự đồng tình cao của các địa phương và các bộ, ngành tham dự Hội thảo. Sự đổi mới hình thức cung cấp thông tin theo hướng khuyến khích chuyển đổi số, khắc phục tình trạng báo, tạp chí in chậm đến tay bạn đọc, mất tính thời sự, “đắp chiếu” tại cơ sở như đã từng tồn tại ở một số nơi, một số lúc như trước đây. 

Tận dụng sự phát triển của xu hướng báo chí đa nền tảng giúp cho những thông tin trên báo, tạp chí in được hiện diện lần nữa trên môi trường mạng một cách tức thời, sinh động, đa dạng, đa chiều, giúp công chúng trong nước và trên thế giới có thêm cơ hội nắm bắt thông tin về vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách nhanh chóng, trọng tâm, sâu sắc, chính thống, hiệu quả truyền thông được tăng cường, cần phát huy tối đa các kênh truyền thông số để phục vụ đồng bào, trên quan điểm tăng cường sự tương tác hai chiều, đề chính đồng bào dân tộc thiểu số là người chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của mình cho mọi người. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc xây dựng ứng dụng nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho người dân khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều