Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa

Thách thức đối với mỗi quốc gia là xây dựng một xã hội học tập và bảo đảm cho công dân của mình được trang bị kiến thức, kĩ năng và trình độ tay nghề. Các trung tâm học tập cộng đồng là giải pháp thực hiện mục tiêu này, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn thấp, giáo dục phổ thông gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh thăm cơ sở vật chất Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc và thăm hỏi, động viên các em học sinh tiếp tục nỗ lực hơn trong học tập, tháng 9/2021. 
Đặc điểm tình hình giáo dục vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa

Trong những năm qua, thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn,... nên hệ thống giáo dục của các tỉnh miền núi đã phát triển tương đối hoàn chỉnh với đầy đủ các cấp học, bậc học. Đặc biệt, với bậc tiểu học gần như 100% các xã trong khu vực đã có trường tiểu học, đã xoá được bản trắng về giáo dục...

Tuy nhiên, giáo dục miền núi còn rất nhiều khó khăn. Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991) và Luật Giáo dục (1998) đã quy định: Trẻ em từ 6 tuổi phải đến trường và trẻ em 11 tuổi phải tốt nghiệp tiểu học theo quy định của phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Nhưng, do trình độ dân trí và sự phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi còn rất nhiều khó khăn nên trình độ phát triển giáo dục cũng rất hạn chế. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể xét trên góc độ quốc gia, vẫn còn sự cách biệt rõ rệt trong việc tiếp cận, cũng như chất lượng của các dịch vụ giáo dục giữa các vùng, miền. Tỷ lệ nhập học trung bình ở bậc tiểu học tại 12 tỉnh đứng cuối trong cả nước là 83%, trong khi đó tỷ lệ này tại 12 tỉnh đứng đầu là trên 98%. Ở các địa bàn đô thị, kinh tế phát triển, cơ sở vật chất phục vụ dạy học đầy đủ, có đội ngũ giáo viên có trình độ, trình độ dân trí cao, giáo dục phát triển thuận lợi, chất lượng giáo dục tốt, tỷ lệ trẻ em bỏ học, lưu ban rất thấp (dưới 1%)… thì ở các tỉnh miền núi giáo dục lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, miền núi khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kết cấu hạ tầng kém phát triển, đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển nên ảnh hưởng lớn đến phát triển giáo dục.

Thứ hai, ở địa bàn miền núi dân cư phân tán, trẻ đi học xa hoặc phải theo học các lớp ghép, trình độ dân trí thấp, nhiều tập quán lạc hậu cản trở việc học tập của học sinh.

Thứ ba, miền núi còn nhiều phòng học tạm, làm bằng tranh, tre, nứa, lá không đảm bảo học tập, cần phải thay thế; trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu thốn nhiều. Đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo thấp, số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học. Trẻ em người dân tộc chiếm hơn 10% số học sinh tiểu học, phần lớn chưa biết hoặc biết ít tiếng phổ thông nên rất khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức ở tất cả các chương trình giáo dục.

Thứ tư, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả các vùng miền trên cả nước, có thể là vừa sức với học sinh miền xuôi nhưng sẽ khó khăn với học sinh người dân tộc thiểu số. Đây là thách thức lớn với học sinh dân tộc thiểu số để đạt được kiến thức chuẩn trong chương trình.

Thứ năm, phương pháp dạy học ở vùng miền núi, vùng dân tộc còn lạc hậu, giáo viên nhiều người chưa biết tiếng dân tộc, không quen sử dụng đồ dùng dạy học, vì vậy bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn đối với quá trình dạy - học và hạn chế kết quả học tập của học sinh.

Thứ sáu, tỷ lệ trẻ em miền núi lưu ban, bỏ học cao hơn nhiều so với miền xuôi (khoảng trên 10%). Số đông học sinh kết quả học tập kém do điều kiện học tập khó khăn, kinh tế gia đình eo hẹp, cha mẹ chưa quan tâm đến việc học tập của con trẻ, phương pháp dạy học của giáo viên lại đơn điệu, sức cuốn hút của nhà trường với trẻ em và đồng bào dân tộc chưa cao...

Những đặc điểm riêng trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, trình độ dân trí, cần phải được các cấp, các ngành quan tâm và điều trước tiên cần quan tâm là: Làm tốt xã hội hóa học tập, mà cụ thể là công tác giáo dục thường xuyên và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng để nâng cao trình độ dân trí cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Xã hội hóa học tập và phát triển các trung tâm học tập cộng đồng

Từ cuối thế kỷ XX, nhân loại bước vào một nền văn minh mới - nền văn minh tri thức, gắn với “Xã hội học tập”. Xã hội học tập là một đặc thù của xã hội hiện đại, trong đó người lao động có khả năng và cơ hội để học tập suốt đời. Khái niệm xã hội học tập cũng đồng nghĩa với nền giáo dục cho mọi người (education for all) mà ở đó chủ yếu là giáo dục cho người lớn. Trong xã hội học tập, vai trò của hệ thống giáo dục thường xuyên (giáo dục không chính quy) là đặc biệt quan trọng. Giáo dục thường xuyên đã trở thành công cụ để tạo cơ hội học tập cho mọi người và xây dựng xã hội học tập.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế, thách thức đối với mỗi quốc gia là phải trở thành một xã hội học tập và phải bảo đảm cho công dân của mình được trang bị kiến thức, kĩ năng và trình độ tay nghề. Giáo dục thường xuyên đã trở thành công cụ để mở rộng, tạo cơ hội học tập cho mọi người và xây dựng xã hội học tập. Thực tế cho thấy, học tập thường xuyên đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với nhiều người. Các loại hình giáo dục - đào tạo và hình thức học, vừa làm vừa học được đa dạng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của xã hội. Xây dựng xã hội học tập để mọi người được khuyến khích và hỗ trợ để học tập, mọi người vừa làm, vừa học, học thường xuyên, học liên tục để không ngừng cập nhật nâng cao trình độ học vấn và tay nghề.

Thực tế cho thấy, một trong những phương thức tổ chức xã hội học tập là xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng. Trung tâm học tập cộng đồng là nền tảng để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; là một trong những loại hình của giáo dục thường xuyên được hình thành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong cộng đồng được học tập, được trang bị kiến thức nhiều mặt góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, trong những năm qua các trung tâm giáo dục cộng đồng đã được thành lập ở hầu khắp các địa bàn cả thành phố và nông thôn; do UBND huyện, UBND xã chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy của cộng đồng dân cư.

Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng góp phần nâng cao dân trí, một trong những động lực cơ bản nhất của công tác xóa đói giảm nghèo. Khi trình độ dân trí được nâng cao, giáo dục được xác định đúng vị thế quốc sách hàng đầu, thì đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên đáng kể. Dân trí nâng lên, người dân có nhận thức một cách thấu đáo về chất lượng và giá trị cuộc sống; biết tiếp thu và ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, cũng như trồng trọt và chăn nuôi. Cho nên có thể khẳng định rằng, nâng cao dân trí, không chỉ là động lực cho xóa đói giảm nghèo, mà còn là chìa khoá mở đường để con người làm chủ khoa học công nghệ và áp dụng nó vào sản xuất kinh doanh trực tiếp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nhân tố có tính quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương là nâng cao mặt bằng dân trí. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ở vùng miền núi, không thể thực hiện thắng lợi trong điều kiện dân trí còn ở mức thấp. Do vậy, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung nâng cao dân trí, nâng cao kỹ năng lao động và trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân, quan tâm chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, các loại hình giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy.

Trung tâm học tập cộng đồng ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong cộng đồng tại cơ sở được học tập, được trang bị kiến thức nhiều mặt góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; tạo điều kiện để các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trực tiếp phổ biến chính sách, pháp luật và chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật …, thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước một cách trực tiếp, rộng rãi và nhanh nhất đến người dân.

Theo Quy chế tổ chức(1), trung tâm học tập cộng đồng có các chức năng: (1). Chức năng giáo dục và huấn luyện, tạo cơ hội cho mọi người trong cộng đồng, nhất là người lao động, những người nghèo đói ở vùng cao, vùng sâu, biên giới hải đảo, người không có điều kiện đi học... được học tập phù hợp. (2). Chức năng thông tin và tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu nguồn tin, cách thức tiếp cận với thông tin cho nhân dân vùng nông thôn. (3). Chức năng phát triển cộng đồng, tổ chức các hoạt động cộng đồng ở địa phương; hỗ trợ các chương trình, dự án triển khai tại địa phương(2). (4). Chức năng liên kết phối hợp, được tiến hành với sự liên kết hoặc phối hợp giữa trung tâm với các tổ chức khác nhằm tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ của xã hội.

Các nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng gồm: (1). Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. (2). Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em nhân dân địa phương, phòng chống tệ nạn xã hội. (3). Điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng. (4). Quản lý tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm theo quy định của pháp luật. (5). Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương. (6). Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em nhân dân tại địa phương, phòng chống tệ nạn xã hội. (7). Điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng. (8). Quản lý tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm theo quy định của pháp luật.

Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình giáo dục mới, một thiết chế giáo dục không chính quy được xây dựng trên các địa bàn cơ sở, thỏa mãn nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng là một xu thế tất yếu nhằm thực hiện các chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc ít người ở nước ta.

Tuy nhiên, các kết quả khảo sát thực tiễn về trung tâm học tập cộng đồng cho thấy, ở nhiều nơi, đặc biệt vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhận thức về vị trí, vai trò của trung tâm học tập cộng đồng của các cấp uỷ đảng, chính quyền còn hạn chế, chưa đúng mức; việc ban hành các chính sách đảm bảo cho sự phát triển bền vững của trung tâm học tập cộng đồng còn chậm và thiếu đồng bộ; chất lượng của các trung tâm học tập cộng đồng chưa phát triển kịp so với yêu cầu.

Một số kiến nghị

Luật giáo dục của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trung tâm học tập cộng đồng là một đơn vị cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy đã có quy chế hoạt động và hỗ trợ một phần kinh phí nhưng phần kinh phí hỗ trợ còn quá thấp, cơ chế còn nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho hệ thống trung tâm học tập cộng đồng phát triển hơn nữa.

Các ban, ngành của địa phương từ tỉnh tới xã, thị trấn cần phải có trách nhiệm phối hợp thường xuyên, hiệu quả với ngành giáo dục và Hội khuyến học, để xây dựng nội dung, chương trình học tập ở các trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí trong chương trình, dự án cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Ngành giáo dục từ trung ương tới địa phương với sự phối hợp của Hội Khuyến học các cấp, cần phải tiếp tục có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn, thường xuyên hơn đối với hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng cũng như đối với công tác quản lý hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.

Cấp ủy và chính quyền các cấp cần phải coi việc xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng là nhiệm vụ chính trị, đưa vào chương trình hành động xây dựng xã hội học tập, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Xác định cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi người để trong tương lai cộng đồng Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, quản lý trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản về trung tâm học tập cộng đồng, hướng dẫn thực hiện để việc triển khai Quy chế ở các trung tâm học tập cộng đồng được thuận lợi hơn, để các trung tâm học tập cộng đồng chủ động trong việc triển khai hoạt động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành chức năng liên quan để ban hành chế độ, chính sách đối với học viên, giáo viên, cộng tác viên và cán bộ quản lý trung tâm học tập cộng đồng, đặc biệt đối với những vùng khó khăn, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn./.

Theo TS. LƯƠNG THỊ TÂM UYÊN/Tạp chí Cộng sản

------------------------------------------------

(1) Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn (ban hành kèm theo Quyết định số 9/2008/QĐ- BGD&ĐT ngày 24-3-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

(2) Như: Chương trình xoá đói giảm nghèo, dự án cho vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất nhỏ; chương trình tiêm chủng mở rộng; chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình; chương trình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng; chương trình xây dựng quỹ khuyến học của xã, phường, chương trình chống suy dinh dưỡng, chương trình tiêm chủng dự phòng…

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều