Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và những khó khăn, thách thức

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 14/10/2021, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều địa phương bị tác động, ảnh hưởng nặng nề, song việc triển khai tích cực các chính sách đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Vào tháng 6 vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 6 tháng đầu năm 2022 đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống đồng bào đã được cải thiện một bước, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả quan trọng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được giải quyết; nhiều tiêu cực xã hội được đây lùi; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rõ rệt, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã từng bước tiếp cận những thành tựu của khoa học kỹ thuật, nhiều con em người dân tộc thiểu số đã được đào tạo thành công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học, doanh nhân và nhà quản lý giỏi; tình hình chính trị, xã hội ổn định, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, nền độc lập và chủ quyền quốc gia.

Hình minh họa 
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, ở một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc triển khai các chính sách dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Việc chậm, muộn trong phân bổ vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình và công tác tác thực hiện các chính sách dân tộc; Cơ chế phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án, chính sách dân tộc còn bất cập. Việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 gặp khó khăn do có tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo được tính tại thời điểm 31/12/2019 theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là địa bàn khó khăn nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, phân bón tăng cao, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Về giáo dục, đào tạo, vào thời điểm dịch còn diễn biến phức tạp, một số địa phương có số ca bệnh liên tục tăng sau khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, UBND tỉnh/thành đã phải căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định chuyển sang hình thức học trực tuyến đổi với từng cấp học, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid 19, đặc biệt các địa phương có đường biên giới với nước ngoài tăng cường các biện pháp nhập cảnh trái phép, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. 

Về an ninh, trật tự trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cả nước trong những tháng đầu năm 2022 nhìn chung ổn định, không xảy ra vụ việc bất ngờ, đột xuất không có điểm nóng, nổi cộm. Tuy nhiên, một số nơi vẫn xảy ra tình trạng xuất cảnh trái pháp luật, buôn lậu qua biên giới... một số vụ việc đã bị các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ, xử lý theo pháp luật

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tập trung quán triệt đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ban, ngành liên quan về chính sách dân tộc và công tác dân tộc để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các sở, ban ngành triển khai có hiệu quả. Đồng thời nắm chắc tình hình vùng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số và những vấn đề phát sinh, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết, bảo đảm an dân.

Bên cạnh đó, cơ quan làm công tác dân tộc các cấp cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy theo đề án, hướng dẫn của Trung ương, địa phương cả về số lượng, cơ cấu tổ chức, gắn với đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt là triển khai thực hiện Chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc, bởi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp. Đồng thời phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng...

Hồng Vân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều