Phiên chợ Tết có lịch sử 700 năm ở Nam Định không ai muốn lỡ

Phiên chợ Bể cuối năm ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đông vui, tấp nập và mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
 Chợ Bể thuộc xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã có tuổi đời hơn 700 năm.

“Chợ Bể một tháng 6 phiên

Cứ bốn cứ tám tự nhiên tìm về.”

Mặc dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, song chợ Bể vẫn còn lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống, cổ kính, mộc mạc cả trong văn hóa giao thương lẫn kiến trúc chợ. Những gian chợ cổ kính được xây dựng bằng gạch đất nung, mái ngói bạc màu, mang đậm văn hoá xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng. Những người cao tuổi ở địa phương cho biết, từ những thế hệ cha, ông của họ, đã có khu chợ này và ước chừng, chợ đã được gần 700 năm tuổi.

 Phiên chợ Xuân không thể thiếu hoa tươi và ngũ quả.

Ông Phạm Xuân Ánh (62 tuổi) người dân sống cạnh chợ Bể cho biết: “Nghe các cụ ngày xưa kể lại, chợ Bể xuất phát ban đầu là một gò cát bồi lên. Bà con sống quanh đây tụ họp buôn bán, vào phiên chợ chính, tiểu thương ở các vùng Xuân Trường, Thái Bình cũng đều đến, mang theo rất nhiều sản vật, đồ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của địa phương để giao thương”.

 
 Chợ Bể là nơi tập trung mua bán nông sản, thủy hải sản, sản phẩm thủ công, đan lát… của người dân địa phương và khu vực lân cận.

Phiên chợ Bể cuối năm thường đông đúc gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Người dân quan niệm, dù xa hay gần, dù nghèo hay trẻ, dù bận rộn thế nào cũng cố gắng sắp xếp thời gian để ghé chợ dạo chơi, mua sắm.

 
Soạn sửa tấm chiếu mới, mua bồ kết để gội đầu cũng là cách người dân địa phương chuẩn bị đón Tết. 

Phiên chợ ngày 28 tháng Chạp đã trở thành nơi để mọi người hội họp, gặp gỡ, giao lưu. Chiếu cói, nón cọ, rổ rá, lá dong gói bánh, hoa tươi..., mỗi mặt hàng một góc, người mua người bán cười nói, chia sẻ với nhau câu chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ, tất cả tạo nên không khí náo nức, rộn ràng cả một vùng chợ quê.

 Chợ phiên ngày 28 Tết bày bán đủ những thức quà quê bình dị.
 Người dân địa phương coi chợ phiên ngày Tết là một dịp để buôn may bán tốt.

Bà Trần Thị Ánh (50 tuổi) người bán hàng ở chợ Bể nói: “Năm nào cũng vậy, cứ chợ phiên là tôi đều có mặt ở đây. Cây nhà lá vườn, có gì bán lấy, khi thì rau giống, khi thì bẹ chuối, quả bòng, quả ối. Bà con đến mua, người lạ người quen, nhưng đều rất niềm nở, vui vẻ. Chợ Bể ngày Tết, người đến mua hàng cũng đông hơn, thu nhập của chúng tôi cũng vì thế mà khá hơn, phần nào lo cho con, cho cháu được cái Tết đủ đầy, no ấm.”

 Chợ cũng là nơi du Xuân của gia đình và con cháu.

Người đến với phiên chợ Bể ngày Tết không chỉ để mua bán mà còn là để thư giãn du xuân, ngắm nhìn quê hương náo nức, tấp nập mỗi dịp xuân về. Và đi chợ quê còn là cách để tìm về một niềm ký ức xưa - ký ức ngày còn nhỏ được theo chân bà, chân mẹ đi chợ phiên, được mua cho những thức quà quê bình dị mà thân thương.

 Chợ quê bình dị nhưng cũng là nét văn hóa truyền thống thu hút mọi người dân tìm về.

Anh Nguyễn Văn Thuyên (36 tuổi), khi được hỏi về lý do đến với chợ Bể ngày 28 tháng Chạp, vui vẻ chia sẻ: “Lúc nhỏ tôi rất thích đi chợ Bể. Sau này đi làm ăn xa quê, mỗi lần có cơ hội về quê vào đúng dịp Tết, tôi đều sắp xếp thời gian để đưa vợ con mình đến đây. Đi chợ cũng không mua sắm gì nhiều, chỉ mua dăm ba thứ linh tinh, đồng quà, gói bánh. Nhưng chủ yếu mong muốn được hoà mình vào không khí chợ phiên ngày Tết, và để giới thiệu cho con những nét văn hoá truyền thống dung dị của quê hương, nguồn cội”.

 Những gian chợ với lối kiến trúc cổ kính mang nét độc đáo riêng biệt.

Ngày nay, mặc dù xuất hiện thêm nhiều hình thức mua bán, giao thương mới như mua bán online, siêu thị, nhưng những phiên chợ quê vẫn gắn liền với cuộc sống và in đậm trong tâm trí mỗi người dân đã từng lớn lên ở nông thôn.

Theo Linh Chi/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều