Quảng Bình: hỗ trợ sinh kế, giúp người dân giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) - Tỉnh Quảng Bình dự kiến năm 2022 giảm từ 1,8-2% hộ nghèo; giai đoạn 2022-2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,3-1,7%/năm. Thực tế công tác hỗ trợ sinh kế phù hợp, giúp người dân giảm nghèo bền vững những năm qua cho thấy, quan trọng nhất là phải đi sâu, đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất cái gì, những điều kiện nào để họ có thể đưa cuộc sống thoát khỏi nghèo đói. Đồng thời trao “cần câu”, tạo sinh kế hiệu quả giúp hộ nghèo, người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng bưởi Phúc Trạch (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, cùng với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững, Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, coi công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy vai trò là “cầu nối” quan trọng trong hệ thống chính trị, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tích cực vận động Nhân dân tham gia công tác giảm nghèo, chủ động giám sát công tác triển khai thực hiện; tổ chức và thực hiện tốt Cuộc vận động "Vì người nghèo”, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng; chủ động phát triển mô hình giảm nghèo, hướng dẫn hộ nghèo về kiến thức, kinh nghiệm lao động, sản xuất, chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Từ đó, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển.

 Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trong năm 2021, thực hiện chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ gần 700 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 3 dự án chăn nuôi thỏ sinh sản với quy mô 449 con thỏ giống cho 64 hộ tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy); phê duyệt 1 dự án trồng bưởi Phúc Trạch với quy mô 3,2ha cho 17 hộ mới thoát nghèo tại xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa)...

Các hội, đoàn thể cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo. Ngày 17/5/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai trao nguồn vốn hỗ trợ sinh kế 20 hội viên phụ nữ khó khăn tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) mức 25 triệu đồng/hộ với tổng trị giá 500 triệu đồng. Thời gian nhận nguồn vốn hỗ trợ là 60 tháng (từ tháng 5/2022 đến 4/2027) với lãi suất 0,1%/tháng. Ngày 29/9/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) đã hỗ trợ sinh kế 43 nạn nhân bom mìn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh. Trong đó 40 nạn nhân được nhận bò sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con và 3 nạn nhân được hỗ trợ nhà ở trị giá 50 triệu đồng.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã xây dựng 3 đề án, dự án mô hình giảm nghèo bền vững lớn cấp tỉnh với tổng số tiền trên 33 tỷ đồng. Cụ thể: Đề án “Hỗ trợ bò giống sinh sản lai Brahman cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” trị giá 30,750 tỷ đồng; Đề án “Hỗ trợ trồng cây Giổi ghép lấy hạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị thiệt hại do thiên tai giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” tại 2 bản đồng bào dân tộc thiểu số trị giá trên 1,9 tỷ đồng; Dự án “Phát triển chăn nuôi gà kiến thả vườn tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo” trị giá 390 triệu đồng. Triển khai hiệu quả các đề án và mô hình giảm nghèo, Mặt trận tỉnh đã giúp đỡ và phối hợp giúp đỡ trên 6.000 hộ dân thoát nghèo thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều